Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT: Tạo động lực tăng trưởng kinh tế thể thao

Thứ Tư 26/10/2022 | 10:51 GMT+7

VHO- Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và các nền tảng truyền thông đã đem đến nhiều thay đổi, tạo ra những biến đổi lớn ở mọi lĩnh vực trong đó có thể thao.

 Thể thao điện tử ngày càng có chỗ đứng tại Việt Nam Ảnh: Hội thể thao điện tử giải trí Việt

Vì thế chuyển đổi số sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với thể thao, nhất là sau đại dịch Covid-19 và sự phát triển của lĩnh vực này ngày càng mang tính toàn cầu, chuyên nghiệp và cạnh tranh lớn hơn cả về qui mô và hình thức.

“Học hỏi chéo” từ Esports

Trong 40 môn thể thao có trong chương trình thi đấu chính thức của SEA Games 31, thể thao điện tử (Esports) là môn thể thao nhận được sự quan tâm chú ý rất lớn của cộng đồng khán giả và các nhà hoạch địch chính sách, không chỉ ở các nước Đông Nam Á. Esports đang ngày càng trở thành một ngành công nghiệp quan trọng. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi cộng đồng người chơi game cũng như tỷ lệ sử dụng mạng xã hội và livestream (truyền hình trực tiếp trên Internet) - tăng trung bình 15% mỗi năm. Theo Newzoo, giá trị của nền kinh tế Esports đạt mốc trên 1 tỉ USD vào năm 2021.

Hiện nay, tại một số nước có thể dễ dàng nhận thấy thể thao truyền thống đang phải “học hỏi chéo” từ Esports, đặc biệt trong việc thu hút khán giả trẻ. Một trong những nguy cơ lớn nhất cho tất cả các môn thể thao là khán giả của họ già đi trong khi không có nguồn khán giả mới. Vậy thì việc áp dụng chuyển đổi số chính là cách để các môn thể thao có thể tiếp cận, lôi kéo khán giả trẻ, như hiện nay là thế hệ gen Z. Đây là thế hệ được sinh ra trong thời đại của Internet, hầu hết đều được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ nên dễ dàng đón nhận công nghệ và cảm thấy thoải mái khi sử dụng các thiết bị liên quan đến công nghệ.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam nêu vấn đề mà ít ai nghĩ tới về khả năng Esports trở thành môn thể thao thi đấu chính thức của Olympic: “Vậy câu hỏi đặt ra là: Esports cần được Olympic công nhận để có thể tiếp cận khán giả đại chúng hay Olympic phải có Esports mới thu hút được nhiều khán giả trẻ hơn?”. Câu hỏi này cũng cho thấy vai trò của môn thể thao giải trí điện tử, đang ngày càng được công chúng đón nhận này.

Được đưa vào thi đấu tại SEA Games 30 và 31, Esports cũng đã chính thức trở thành môn thi đấu của Asian Games 2022. Tuy nhiên, do đại dịch nên Đại hội này đã phải tạm hoãn. Qua các kỳ Đại hội đã được tổ chức, Esports luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ. Dù là một môn thể thao còn non trẻ, nhưng sức ảnh hưởng của Esports đã cho thấy môn này có thể phát triển thành một ngành công nghiệp trong tương lai với giá trị tạo ra đã vươn tới con số tỉ đô. Ông Cường cũng nhấn mạnh, sự thành công của Esports tại các sự kiện là điều kiện tiền đề quan trọng đồng thời là trải nghiệm rất rõ ràng để tất cả các bên liên quan xác lập sự đồng bộ và thừa nhận vai trò của thể thao số trong định hướng phát triển thể thao thế giới như một chuyển dịch tất yếu.

Tạo ra cơ hội tăng trưởng

Các chuyên gia cũng nhận định, chuyển đổi số trong thể thao tạo ra cơ hội tăng trưởng, phát triển tăng tốc, rút ngắn khoảng cách đối với một số quốc gia đang phát triển thông qua việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của kỷ nguyên kỹ thuật số, sự ưu việt của các mô hình truyền thông tích hợp, đặc biệt là vai trò của phát sóng trực tiếp “live streaming” và các nền tảng mạng xã hội.

Việc đưa vào ứng dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ thực tế ảo, các công nghệ mô phỏng đã và đang tiệm cận khả năng ánh xạ 1-1 các môn thể thao truyền thống lên môi trường kĩ thuật số như bộ môn Bóng đá điện tử, hay Đua xe mô phỏng. Điều này giúp các môn thể thao truyền thống nhanh chóng mở rộng và tiếp cận khán giả trẻ, qua đó gia tăng giá trị thương mại cũng như các hình thức khai thác thương mại phù hợp với nhu cầu khán giả trẻ trong tương lai. Bên cạnh đó, với những phương thức của thể thao số, khoảng cách của các quốc gia đang phát triển với các quốc gia phát triển sẽ nhanh chóng được thu hẹp nhờ khả năng dễ tiếp cận và độ phổ biến của môi trường kĩ thuật số.

“Chuyển đổi số trong thể thao không chỉ là quá trình chuyển đổi và ứng dụng công nghệ vào các môn thi đấu mà còn là quá trình chuyển đổi về “môi trường tương tác” từ truyền thống lên môi trường số. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển các hoạt động nghiệp vụ và thương mại diễn ra sôi động và đa dạng hơn. Đây chính là các yếu tố giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về quy mô, doanh thu và lợi nhuận của ngành thể thao, tạo đà cho những đóng góp thiết thực vào tổng thể phát triển nền kinh tế quốc gia. Nói cách khác, chuyển đổi số trong thể thao tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế thể thao, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế”, ông Nguyễn Xuân Cường phân tích.

Thể thao số, hay những môn thể thao thế hệ mới được tạo ra sẽ góp phần hoàn thiện hệ sinh thái kinh tế thể thao mà trung tâm vẫn là vận động viên và câu lạc bộ nhưng đã được bổ sung môi trường tương tác là môi trường kĩ thuật số. Cùng với đó là sự khẳng định vai trò ngày một lớn của truyền thông số hay các phương thức quảng bá và tiếp cận khán giả có sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ số như hoạt động phát sóng trực tiếp “live streaming”.

Hiện Tổng cục TDTT đang tích cực xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT”. Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, Đề án này sẽ bám sát Chương trình chuyển đổi số của Bộ VHTTDL. Trên cơ sở điều kiện thực tế của ngành TDTT cần xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và trọng tâm trong từng giai đoạn. “Để đạt được các mục tiêu đề ra, trước hết cần chuyển đổi nhận thức, tư duy về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Xây dựng các chương trình truyền thông, hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức của Tổng cục TDTT về lợi ích của ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT”, bà Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.

 THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top