Cần xử lý nghiêm hành vi xâm phạm, lấn chiếm trái phép vịnh Nha Trang

VHO -Trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức kiểm tra và liên tục phát hiện các đơn vị doanh nghiệp xây dựng công trình, xâm lấn vịnh Nha Trang. Điều này, cho thấy công tác bảo vệ vịnh Nha Trang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và cần được quan tâm hơn nữa.

Cần xử lý nghiêm hành vi xâm phạm, lấn chiếm trái phép vịnh Nha Trang - Anh 1

Khu du lịch Bãi Tranh Island của Công ty TNHH Bãi Tranh Island xân phạm vịnh Nha Trang

 

Phát hiện nhiều đơn vị xâm phạm vịnh Nha Trang

Mới đây, ngày 20.10, UBND phường Vĩnh Nguyên đã có tờ trình gửi UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Khu du lịch Bãi Tranh Island trên đảo Trí Nguyên, vịnh Nha Trang (thuộc khu vực phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang). Theo đó, UBND phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang) tổ chức kiểm tra và đã phát hiện Khu du lịch Bãi Tranh Island của Công ty TNHH Bãi Tranh Island do ông Nguyễn Trần Thái Vương là Giám đốc đã lấn chiếm mặt biển trong vịnh Nha Trang nên đã lập biên bản, đề nghị xử phạt. Theo Tờ trình của UBND phường Vĩnh Nguyên: Khu du lịch Bãi Tranh Island đã vi phạm lấn chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực bãi biển tiếp giáp thửa đất thuộc tiểu khu 578B thuộc Bãi Miễu, đảo Trí Nguyên (vịnh Nha Trang) với diện tích khoảng 2.200 m2. Ngoài ra, khu du lịch này còn đặt dù, ghế…, lấn chiếm mặt biển để khai thác du lịch trên phần đất của Nhà nước quản lý, và đã bị lập cơ quan chức năng lập biên bản.

Ông Dương Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết =: Trước các vi phạm trên, phường Vĩnh Nguyên đã báo cáo cấp thẩm quyền để có căn cứ xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Bãi Tranh Island. Sau khi xử phạt hành chính doanh nghiệp này, các cơ quan chức năng liên quan sẽ thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ các công trình lấn chiếm vi phạm.

Trước đó, Đội công tác liên ngành trên vịnh Nha Trang (UBND TP Nha Trang) đã tổ chức kiểm tra các hoạt động trên vịnh Nha Trang. Qua kiểm tra, Đội công tác liên ngành trên vịnh Nha Trang phát hiện Dự án Indochina Nha Trang - Peacock Marina Complex do Công ty cổ phần Tập đoàn du lịch Crystal Bay làm chủ đầu tư đã tự ý lắp giàn phao nổi với diện tích khoảng 2ha trên mặt biển ở vịnh Nha Trang. Để xử lý vấn đề này, lãnh đạo UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, đã giao Phòng Kinh tế phối hợp Ban quản lý vịnh Nha Trang cùng các đơn vị liên quan xử lý việc lắp đặt giàn phao nổi trên mặt biển với diện tích khoảng 2ha, tại khu vực bờ kè của Công viên Bến du thuyền Quốc tế Ana Marina ở phường Vĩnh Hòa.  Các đơn vị liên quan hoàn thành xử lý giàn phao nổi, báo cáo kết quả về UBND Nha Trang, trước ngày 24.10.

Đáng chú ý, 8.2022, Ban Quản lý vịnh Nha Trang còn phát hiện tại vùng núi phía Bắc đảo Hòn Miễu (thuộc phân khu phát triển khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang) do Công ty TNHH Du lịch Trí Nguyên - Nha Trang làm chủ đầu tư đang triển khai hoạt động cải tạo mặt bằng để xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Trí Nguyên du gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ đa dạng sinh học trên vịnh Nha Trang. Trong quá trình kiểm tra tại hiện trường, một số rừng nguyên sinh bị chặt phá, đất đá bị đào sới, san lấp để tạo mặt bằng. Một khối lượng đất đá lớn đã chảy tràn ra khu vực triền núi xuống biển vịnh Nha Trang theo dòng chảy phát tán ra các vùng mặt nước xung quanh gây nguy cơ ô nhiễm cục bộ trong khu vực này.

Cơ quan quản lý cần vào cuộc quyết liệt

Theo các nhà khoa học, vịnh Nha Trang có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới và có tầm quan trọng quốc tế. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Các hệ sinh thái này có nhiều chức năng quý giá: bảo vệ môi trường; là nơi cư trú, sinh sản, vỗ béo và ương nuôi các thủy sinh vật; là giá đỡ và kè biển tự nhiên phòng chống bão tố, xói lở, bồi tụ đường bờ. Trong đó, vịnh Nha Trang có hơn 350 loài cá cảnh biển, khoảng 350 loài san hô (có cả san hô đỏ, rất quý hiếm). Bước đầu xác định vịnh Nha Trang có hơn 600 loài hải sản, mỗi năm có thể khai thác hàng trăm tấn.

Ngày 25.3.2005, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đa ký quyết định công nhận vịnh Nha Trang là Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia. Theo đó, vịnh Nha Trang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi Luật Di sản văn hóa.

Cần xử lý nghiêm hành vi xâm phạm, lấn chiếm trái phép vịnh Nha Trang - Anh 2

Dự án Khu du lịch sinh thái Trí Nguyên gây ảnh hưởng môi trường vịnh Nha Trang

Tuy nhiên, thực tế những năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều công trình, điểm du lich, nhà hàng, khách sạn…đã xây dựng xâm phạm vịnh Nha Trang. Điều này, một phần làm môi trường vịnh Nha Trang bị tác động, ô nhiễm. Hệ sinh thái biển, sinh vật biển trên vịnh Nha Trang bị ảnh hưởng. Cụ thể, theo kết quả khảo sát Ban Quản lý Vịnh Nha Trang vào ngày 12 và 15.6.2022, cho thấy, không chỉ san hô quanh khu vực Hòn Mun (vịnh Nha Trang) mà ở các đảo khác trong vịnh Nha Trang đều bị hư hại, suy giảm 70 - 80% so với kết quả khảo sát từ năm 2015. Tình trạng san hô chết dẫn đến nơi tránh trú của các sinh vật biển không còn và cũng suy giản theo.

Nguyên nhân chính của các vụ việc trên là do công tác quản lý không chặt. Theo đó, tình trạng xây dựng công trình xâm hại vịnh và khai thác đánh bát quá mức khiến môi trường vịnh Nha Trang bị ô nhiễm nhưng không được phát hiện sớm, ngăn chặn xử lý kịp thời.

Đã đến lúc các nhà chức trách, cơ quan có thẩm quyền Trung ương và tỉnh Khánh Hòa cần vào cuộc tổ chức các đợt tổng kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm vịnh Nha Trang, bảo vệ Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia đúng theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Nếu vịnh Nha Trang tiếp tục bị xâm phạm kéo dài, thì môi trường vịnh sẽ phải gánh chịu nhiều hệ lụy và hậu quả khó lường.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc