Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng: Phải “vận động” để bắt kịp xu hướng mới

Thứ Sáu 21/10/2022 | 10:36 GMT+7

VHO- Nhiều năm trở lại đây, ngành đã thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên và đơn vị tuyển dụng bởi nhu cầu vị trí việc làm ngày càng đa dạng. Tài năng Mỹ thuật ứng dụng cũng là nguồn nhân lực quan trọng góp phần phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo. Vì thế, các cơ sở đào tạo đã và đang không ngừng “vận động” để bắt kịp với nhu cầu của xã hội cũng như hội nhập quốc tế.

 Sinh viên theo học tại Khoa Mỹ thuật ứng dụng, ĐH Nghệ thuật Huế Ảnh: HUFA

 Mới đây, tại TP Huế, ĐH Nghệ thuật Huế phối hợp với CLB Khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, CLB Mỹ thuật ứng dụng tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc về Đào tạo nghệ thuật trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay. Câu chuyện về đào tạo Mỹ thuật ứng dụng được quan tâm thảo luận và định hướng để phù hợp với xu thế mới.

Còn nhiều bất cập

Theo PGS.TS Đặng Mai Anh, phụ trách Khoa sau ĐH của Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật ứng dụng, hiện nay thực trạng và đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở nước ta còn khá nhiều bất cập, chưa đủ sức tham gia giải quyết các mâu thuẫn của nền sản xuất và thương mại; Mỹ thuật ứng dụng cho sản phẩm cụ thể chủ yếu là nhập khẩu áp đặt kiểu cách “design ngoại nhập” vào Việt Nam, trong khi hàng xuất khẩu lại không thể hiện được giá trị thẩm mỹ mang bản sắc Việt, mà thực chất chỉ là gia công rập khuôn theo mẫu mã nước ngoài, hoặc làm nhái theo thương hiệu design ngoại quốc. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất và thương mại trong nước dù đã nhận ra vấn đề mẫu mã design cần mang bản sắc Việt, nhưng trên thực tế họ không tìm thấy, không tận dụng được ý tưởng sáng tác từ các nhà thiết kế - nguồn nhân lực Mỹ thuật ứng dụng được đào tạo trong nước…

PGS.TS Cung Dương Hằng (Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM) cũng nêu thực trạng đào tạo Mỹ thuật ứng dụng tại khu vực Đông Nam Bộ hiện nay, phần lớn các trường quan tâm đào tạo 4 lĩnh vực: Thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, tạo dáng công nghiệp, thiết kế nội ngoại thất; một số ít trường có thêm chuyên ngành mỹ thuật truyền thông đa phương tiện, thiết kế sân khấu… Tuy nhiên, vấn đề đào tạo còn khá “ngổn ngang” do mạnh ai nấy làm, chương trình học chưa đủ năng lực để đào tạo chuyên nghiệp, thậm chí có thầy chưa học thiết kế vẫn dạy Mỹ thuật ứng dụng và “truyền bá” quan điểm thiếu căn cứ; có trường xem ngành Mỹ thuật ứng dụng đào tạo tốn kém và không hiệu quả nên ít quan tâm đầu tư cơ sở vật chất; lớp học nhồi nhét nhiều sinh viên để giảm chi phí; một số cơ sở đào tạo chưa là cầu nối cho sinh viên đến được các cơ sở sản xuất để tham quan, thực tập, thực hành…

Khu vực Đông Nam Bộ hiện nay có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập mạnh mẽ nhất trong cả nước nên cần có một nguồn nhân lực lớn từ ngành Mỹ thuật ứng dụng cho rất nhiều lĩnh vực. Do đó, các trường có đào tạo Mỹ thuật ứng dụng phải cùng nhau liên kết thành Hiệp hội các trường đào tạo ngành Mỹ thuật ứng dụng để khẳng định thế mạnh của thương hiệu cơ sở đào tạo riêng và xây dựng thương hiệu của Hiệp hội.

Luôn “vận động” để phát triển công nghiệp sáng tạo

Ngành Mỹ thuật ứng dụng được đưa vào các cơ sở đào tạo nghệ thuật, mỹ thuật tại Việt Nam đã mấy chục năm qua, và giờ không còn là ngành “non trẻ”. Hiện cả nước có khoảng 50 cơ sở giáo dục công lập và dân lập đào tạo Mỹ thuật ứng dụng. PGS.TS Đào Đăng Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng là tất yếu để phát triển công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030 nước ta sẽ đạt được 7% GDP từ ngành công nghiệp văn hóa. Các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng không ngừng vận động, chuyển mình để bắt kịp sự phát triển và hội nhập; một số ngành mới, thuật ngữ mới ra đời như chuyên ngành mỹ thuật đa phương tiện, thiết nhận diện thương hiệu… Bên cạnh những cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng có truyền thống (ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Mở Hà Nội, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương…) thì nhiều cơ sở đào tạo khác đã nhanh nhạy, bắt kịp nhu cầu thị trường như: ĐH FPT, Arena, Quốc tế Kent, ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Lang, Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Viện Phim hoạt hình…

“Chủ động tìm kiếm và đưa thành tựu công nghệ mới nhất áp dụng trong đào tạo Mỹ thuật ứng dụng thích ứng giữa nghệ thuật tiên tiến và các dịch vụ định hướng kinh doanh, giữa trong nước và quốc tế, giữa thực nghiệm và định hướng kỹ năng. Hệ thống môn học liên quan đến các ngành công nghiệp sáng tạo phải được đưa vào chương trình đào tạo, đặc biệt là các môn học phát triển tài năng sáng tạo…”, PGS.TS Đào Đăng Phượng nhấn mạnh.

PGS.TS Đặng Mai Anh cũng cho rằng, Mỹ thuật ứng dụng phải bao gồm hai yếu tố: Mỹ thuật và ứng dụng công nghệ. Chính vì vậy, ngoài việc làm chủ các phần mềm ứng dụng, “họa sĩ số” phải có kiến thức căn bản về mỹ thuật và tư duy thiết kế tốt, phải đủ năng khiếu, thẩm mỹ tạo hình và khả năng sáng tạo. Các cơ sở đào tạo cũng cần chủ động mở rộng giao lưu trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức như trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, học tập; ký hợp tác đào tạo; hội thảo khoa học, trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên, tổ chức các triển lãm, các hình thức thông tin mạng; tăng nguồn đầu tư cơ sở vật chất; mở rộng liên kết các cơ sở doanh nghiệp tạo cơ hội thiết thực cho người học đi đôi với thực hành và cũng tạo nguồn cơ sở vật chất cho chính cơ sở đào tạo. 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top