Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

“Sân chơi” mở rộng cho phim sử dụng ngân sách nhà nước

Thứ Tư 12/10/2022 | 10:33 GMT+7

VHO- Bấy lâu, việc chọn kịch bản phim do Nhà nước đặt hàng dường như là quy luật bất thành văn độc quyền dành cho các đơn vị làm phim từng là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chưa có nhiều bộ phim đặt hàng tạo được dấu ấn, tiếng vang hay kỷ lục “phòng vé”, góp phần làm cho thị trường điện ảnh thêm sôi động…

 Tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng “Bình minh đỏ”

Điện ảnh Nhà nước đang đứng ở đâu? Câu hỏi này vẫn luôn khiến dư luận và giới nghề trăn trở. Và lần đầu tiên, nhằm thay đổi sự bình đẳng giữa các đơn vị sản xuất trong việc tham gia vào dự án Nhà nước đặt hàng, Cục Điện ảnh đã có thư mời các cơ sở điện ảnh gửi kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn 2023-2025.

Tạo sự bình đẳng

Kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước trong các năm 2023-2025 và những năm tiếp theo, nhằm tạo nguồn kịch bản cho kế hoạch sản xuất phim truyện, phim tài liệu, khoa học, phim hoạt hình sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân; căn cứ Luật Điện ảnh hiện hành; thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Cục Điện ảnh thông báo tới các cơ sở điện ảnh trong cả nước về các nhóm đề tài kịch bản tham dự tuyển chọn sản xuất phim truyện, phim tài liệu, khoa học, phim hoạt hình sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn 2023-2025.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước luôn là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về điện ảnh. Phần lớn các hãng phim của nhà nước trước đây hiện đều đã chuyển sang đơn vị sự nghiệp, cổ phần hóa… Mặc dù Luật Điện ảnh (hiện hành) không “đóng” với hãng phim tư nhân, song hầu hết những dự án phim sử dụng ngân sách đều được giao cho hãng phim nhà nước (đã được cổ phần hóa). “Việc Cục Điện ảnh gửi thư tới các đơn vị sản xuất phim dù đã từng thuộc về nhà nước hay nhà sản xuất tư nhân… là nhằm “phá bỏ” tư duy cục bộ, tạo sự bình đẳng cho mọi đơn vị sản xuất”, ông Vi Kiến Thành khẳng định, đồng thời cho hay, thời gian qua số lượng kịch bản gửi về tuyển chọn tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ để lựa chọn những kịch bản tốt để đầu tư.

Trên thực tế, mỗi năm phim được đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước chỉ 2-3 phim điện ảnh và khoảng 20 phim tài liệu, phim hoạt hình. Dù thế, ông Thành nêu quan điểm, vẫn phải mở cuộc chơi cho tất cả các đơn vị. “Nhiều đơn vị sản xuất tư nhân có năng lực làm phim tốt nhưng do tâm lý e dè nên họ không tham dự tuyển chọn kịch bản. Điều này vừa làm giảm đi cơ hội tiếp cận với nguồn tiền đầu tư hỗ trợ của nhà nước, mặt khác cũng làm cho nguồn kịch bản kém phong phú, thiếu màu sắc hơn khi ít bị cạnh tranh. Như nhiều cuộc tuyển chọn khác, có đông ứng cử viên và nhiều ứng cử viên tốt thì chất lượng sẽ được nâng lên, tác phẩm được chọn cũng sẽ chắc chắn và tốt hơn...”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Chờ đợi những sáng tạo đột phá

Một thực tế không thể phủ nhận bấy lâu là cuộc chiến doanh thu phòng vé luôn là “sân chơi” riêng của các nhà sản xuất tư nhân và hầu hết ở khu vực phía Nam. Các nhà quản lý điện ảnh cũng thừa nhận, đây là khu vực sản xuất phim chủ chốt của điện ảnh Việt. Thống kê của Cục Điện ảnh cho biết, có năm khu vực phía Nam đã sản xuất tới 40 bộ phim truyện. Do vậy, thư mời lần này đã thể hiện kỳ vọng đối với các cơ sở điện ảnh, nhất là các hãng phim tư nhân, nhiệt tình và mạnh dạn thử sức.

Ở mảng phim truyện, vốn thu hút sự chú ý nhiều nhất, các nhóm đề tài cho kịch bản gồm: Phim lịch sử, cách mạng; lãnh tụ; danh nhân; anh hùng dân tộc; trẻ em; dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phản ánh công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới đất nước; bảo vệ chủ quyền biển đảo; giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam, phát triển du lịch và hội nhập quốc tế.

Thư mời cũng nêu rõ các nhóm đề tài đối với kịch bản phim tài liệu; kịch bản phim khoa học; kịch bản phim hoạt hình. Kịch bản được trình bày theo hình thức của kịch bản điện ảnh; có thời lượng để sản xuất phim truyện từ 90-100 phút; sản xuất phim tài liệu, phim khoa học, hoạt hình từ 20-30 phút. Kịch bản tham gia tuyển chọn là kịch bản chưa được sản xuất phim. Cơ sở điện ảnh tham dự chịu trách nhiệm vấn đề về tác quyền; đồng thời cần đáp ứng quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP về năng lực sản xuất phim của đơn vị. Các cơ sở có thể gửi kịch bản theo 1 trong 4 thể loại phim hoặc gửi kịch bản cả 4 thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, hoạt hình.

Một vấn đề được quan tâm khác là kinh phí. Cục trưởng Vi Kiến Thành nêu, đối với phim tài liệu khoa học, phim hoạt hình, số tiền khoảng từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng/phim là tương đối đủ; còn với phim truyện, kinh phí được cấp chỉ dừng ở mức tối thiểu là 20 tỉ, trong khi mặt bằng chung làm phim điện ảnh đang là 50-60 tỉ. Nếu làm phim có bối cảnh đương đại thì có thể đủ, nhưng làm phim lịch sử, phải dựng lại bối cảnh nhiều, phục chế trang phục thì tốn kém và khó khăn hơn. “Chúng tôi khuyến khích các đơn vị sản xuất làm phim cố gắng huy động thêm các nguồn vốn. Không nên mặc định phim nhà nước tài trợ thì chỉ dùng tiền của nhà nước”, theo Cục trưởng.

Ông Vi Kiến Thành cũng cho rằng, sẽ còn nhiều việc cần làm, cần tháo gỡ nếu muốn thực sự rộng đường cho các nhà sản xuất, chẳng hạn như trong việc kết hợp công - tư, kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa trong làm phim điện ảnh (có thể thấy hiệu quả điển hình như phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), hiện đang tồn tại nhiều vướng mắc. Vấn đề nảy sinh là khi phim làm ra chủ sở hữu sẽ là nhà nước hay tư nhân? Việc quảng bá, phát hành sau khi phim sản xuất ra sẽ do ai tiến hành, bởi hệ thống phát hành của nhà nước là Fafilm đã không còn nữa. Khi phim phát hành và đem lại lợi nhuận thì việc phân chia thực hiện như thế nào?...

Dẫu còn khó khăn, song việc mở rộng hơn cánh cửa vào sân chơi cho phim sử dụng ngân sách nhà nước cũng đang tạo nên nhiều tâm thế mới mẻ. Vừa là sự hào hứng nhập cuộc của các đơn vị sản xuất phim, vừa là sự trông đợi những sáng tạo ở nguồn kịch bản phong phú, đa dạng và có thể có nhiều đột phá hơn trong thời gian tới. 

BẢO ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top