Chuyển đổi số, khẳng định uy tín và thương hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

VHO-Ngày 10.10, trong không khí trang trọng, hào hùng của những ngày tháng 10 lịch sử, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trang trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2022-2023. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và chia sẻ niềm vui với thầy, trò nhà trường tại sự kiện.

Chuyển đổi số, khẳng định uy tín và thương hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và các đại biểu dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là một trong những trường đại học trọng điểm của Bộ VHTTDL, nơi đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, gia đình và du lịch ở khu vực miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Từ mái trường này, hàng vạn sinh viên đã ra trường, với phẩm chất chính trị và tư cách đạo đức tốt, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng đang ngày đêm miệt mài xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước.

Lãnh đạo Bộ ghi nhận, năm học 2021-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song tập thể sư phạm nhà trường đã nỗ lực vượt lên khó khăn, đạt được nhiều thành quả trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên... “Đặc biệt, công tác tuyển sinh đại học năm học 2022-2023 đạt 95% chỉ tiêu với chất lượng đầu vào khá cao so với nhiều trường đại học khác. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ VHTTDL, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tích mà nhà trường đã đạt được trong năm học vừa qua”,  Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu.

Chuyển đổi số, khẳng định uy tín và thương hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Anh 2

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại lễ khai giảng

Lãnh đạo Bộ lưu ý, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật và du lịch chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng sự phát triển chung của ngành và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030; Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8.9.2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi nhà trường cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023 cụ thể: Tập trung các điều kiện để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; trong đó chú trọng đến đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý kế cận. Đổi mới công tác đào tạo theo hướng phát huy sự tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong tổ chức đào tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyển đổi số, khẳng định uy tín và thương hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Anh 3

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đánh trống khai giảng năm học mới

 Triển khai nhanh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đảm bảo sớm có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục đại học, tiến tới kiểm định chất lượng chương trình đào tạo để khẳng định uy tín và thương hiệu của Nhà trường. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động tốt nhất các nguồn lực xã hội, đưa Trường phát triển mạnh mẽ, bền vững.

 Gắn kết hoạt động đào tạo với thực hành nghề nghiệp, tăng cường sự kết nối giữa hoạt động đào tạo của nhà trường với các cơ quan, doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp… và thực tế đời sống văn hóa - xã hội trong nước, quốc tế để tạo cơ hội, điều kiện việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Thực hiện hiệu quả các Đề án của ngành VHTTDL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo tài năng lĩnh vực văn học, chuẩn bị các điều kiện về chuyên môn, ngoại ngữ, và có kế hoạch cụ thể để cử sinh viên, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Chuyển đổi số, khẳng định uy tín và thương hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Anh 4

Đại diện tân sinh viên K63 tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

“Tập thể nhà trường phát huy những thành tích đã đạt được, nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của TP. Hà Nội. Quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhân cách, lối sống, trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển. Với truyền thống, kinh nghiệm đã có và sự tâm huyết của tập thể sư phạm Nhà trường, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ kế tục xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước, tiếp tục đạt được những thành tựu mới, trên tầm cao mới...”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông tin tưởng.

Gửi lời chúc mừng đến các tân sinh viên năm học mới 2022-2023, Thứ trưởng bày tỏ hi vọng các em sẽ học tập và rèn luyện thật tốt để trở thành những nhà hoạt động văn hóa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chào mừng 1460 tân sinh viên K63 và 7 tân nghiên cứu sinh của nhà trường, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, năm học 2021-2022 của trường đã khép lại với thành công kép: vừa hoàn thành có chất lượng kế hoạch năm học, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Nỗ lực vượt khó, thích ứng nhanh và hiệu quả của thầy, trò nhà trường đã góp phần quyết định thành tựu năm học trên  tất cả các lĩnh vực, tạo lập nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Chất  lượng tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học  của trường tiếp tục được khẳng định.

Chuyển đổi số, khẳng định uy tín và thương hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Anh 5

Lãnh đạo nhà trường khen thưởng các tân sinh viên đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi tuyển sinh năm 2022

“Những kết quả đạt được đã tiếp tục góp phần xây dựng, khẳng định uy tín, trách nhiệm của trường với xã hội  và là sự khẳng định triết lý giáo dục mà Trường đã xác định là toàn diện, sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt và phát triển bền vững...”, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.

Để tiếp tục khẳng định thương hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội,  PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nêu rõ, trong năm học 2022 -2023, nhà trường  cần thực hiện các nhiệm vụ và  giải pháp trọng  tâm: tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu quản trị đại học, phù hợp với định hướng  phát triển trường trong điều kiện tự chủ đại học và hội nhập quốc tế. Hoàn thành việc đánh giá ngoài cơ sở đào tạo.

“Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Triển khai  áp dụng thí điểm mô hình đào tạo kết hợp trực tiếp và trực tuyến cho một số môn đại cương trong chương trình đào tạo bậc đại học”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương lưu ý.

Chuyển đổi số, khẳng định uy tín và thương hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Anh 6

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại lễ khai giảng

Lãnh đạo nhà trường cũng nhấn mạnh các giải pháp đẩy mạnh biên soạn giáo trình, bài giảng; chú trọng công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín. Tăng cường tổ chức  hội thảo khoa học quốc tế, thu hút các nhà khoa học nươc ngoài tham gia giảng dạy tại trường. Hoàn  thành cập nhật chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Hiệu trưởng nhà trường cũng gửi gắm lời nhắn nhủ thân tình đến các tân nghiên cứu sinh, tân sinh viên trong chặng đường sắp tới: “Tiến sĩ là bậc học đòi hỏi không chỉ có sự cố gắng, nỗ lực mà còn phải không ngừng sáng tạo, bởi các nghiên cứu sinh sẽ được tiếp cận với các kiến thức chuyên sâu hơn gắn với yêu cầu tự học, tự nghiên cứu, để trở thành các nhà khoa học độc lập. Vì vậy, các nghiên cứu sinh  cần nhanh chóng tìm cho mình phương pháp phù hợp để có thể đạt kết quả cao trong học tập và nghiên cứu...”.

Chuyển đổi số, khẳng định uy tín và thương hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Anh 7

Chương trình nghệ thuật

Đối với 1460 tân sinh viên, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương  chia sẻ  ba điều cần lưu  ý, đó là: cần xác định các em muốn đi đâu, đó chính là việc xác lập mục tiêu;  xác định cần bắt đầu đi từ đâu, đó chính là định vị vị trí hiện tại của mình; để đi đến đích cần phải làm gì và cần có gì, đó chính là việc lập kế hoạch. “Một hành trình mới của các tân sinh viên đã bắt đầu. Hành trình ấy là thời gian các em học tập, nghiên cứu và trưởng thành dưới mái trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Các em sẽ và cần đối diện với nhiều thách thức. Cho dù thế nào đi chăng nữa, tôi mong các sinh viên sẽ có một hành trình thú vị và  phát huy hơn nữa tinh thần dấn thân, trải nghiệm, khởi nghiệp và lập nghiệp từ ngôi trường này”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương tâm sự.

Hiệu trưởng nhà trường tin tưởng rằng với những giá trị cốt lõi Văn hóa, Toàn diện, Sáng tạo mà nhà trường theo đuổi sẽ được các sinh viên, học viên tiếp tục bồi đắp, lan tỏa mạnh mẽ. “Năm học mới lại mở ra trước mắt thầy và trò Trường Đại học Văn hóa Hà Nội những thời cơ, thách thức và những  mục tiêu phấn đấu mới. Nhưng với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, tự giác trong học tập và rèn luyện của sinh viên và học viên, sự quyết tâm cao của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường..., Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ gặt hái được nhiều thành công  và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2022-2023...”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương chia sẻ.

PHƯƠNG ANH; ảnh: CHIỀU PHỤNG

Ý kiến bạn đọc