Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Mở kho” phim Việt cho người Việt

Thứ Hai 03/10/2022 | 10:49 GMT+7

VHO- Trăn trở trước thực tế người dân vẫn dành thời gian xem phim nước ngoài trên các nền tảng trực tuyến trong khi tỷ lệ phim Việt được phổ biến lại quá khiêm tốn, người đứng đầu Bộ VHTTDL thẳng thắn cho rằng: Đây là khoảng trống cần phải nỗ lực và quyết liệt lấp đầy. Vì thế, đề án “Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến” sẽ là một trong những giải pháp khắc phục bất cập này, với mục tiêu hướng đến: Người Việt yêu phim Việt.

 

Số hoá những tác phẩm điện ảnh được lưu trữ tại Viện phim Việt Nam

Ở nước ta, thị trường phim trực tuyến ngày càng sôi động. Media Partners Asia dự báo, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD vào năm 2022, trong đó, doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%. Trong khi phim châu Á, Âu, Mỹ là lợi thế lớn của Netflix và FPT thì tại Việt Nam, các dịch vụ nội địa của FPT Play, Galaxy Play, K+, VTVGo, VieOn, TV360 lại hấp dẫn với nhiều bộ phim truyền hình, phim điện ảnh, chương trình thực tế nội địa.

Nhiều khảo sát cũng cho thấy, phim ảnh là nội dung được người Việt quan tâm nhiều nhất khi tìm đến các nền tảng VOD, với con số khổng lồ lên đến 90%. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực trạng những ứng dụng xem phim trực tuyến, nhiều người không khỏi chạnh lòng bởi danh sách phim Việt “chẳng đáng là bao” so với các “ông lớn” như Mỹ, Hàn, Trung… Sự cần thiết ra đời Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ không chỉ đơn thuần là mong muốn, đợi chờ của người làm điện ảnh mà còn là nguyện vọng của đông đảo công chúng yêu mến bộ môn Nghệ thuật thứ bảy. Một trong những lợi thế khi Trung tâm này ra đời là sự “đánh thức” kho phim vô giá, đưa những thước phim đồng hành cùng lịch sử dân tộc đến với công chúng. Trong đó, những bộ phim do Nhà nước sở hữu nói chung cũng như phim đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam chính là những “báu vật” hình ảnh động quốc gia. Gần 80.000 cuốn phim nhựa, có thể nói là tài sản đặc biệt giá trị, thế nhưng bấy lâu nay vẫn chủ yếu cất giữ trong kho, nhiều thước phim hư hỏng, xuống cấp. Trong khi nhu cầu nghiên cứu, thưởng thức các tác phẩm điện ảnh sống mãi với thời gian của công chúng ngày càng cao.

Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay số lượng và chất lượng các nền tảng VOD chuyên cung cấp nội dung phim ảnh tại Việt Nam luôn được ưu tiên tập trung phát triển. Nếu như các nền tảng nước ngoài có điểm mạnh là kho phim phong phú với nhiều tác phẩm chất lượng thì những nền tảng thuần Việt tạo sự khác biệt với việc sở hữu các tựa phim Việt chiếu rạp bản quyền, phim Việt độc quyền và nhiều phim nước ngoài phù hợp với thị hiếu khán giả trong nước. Trên thực tế, những bộ phim chiếu rạp Việt Nam luôn khó tiếp cận hơn các phim được sản xuất tại nước ngoài, nên nếu có ai đó muốn xem lại một bộ phim chiếu rạp từng nổi đình đám như Bố già, Lật mặt: 48h, Tiệc trăng máu... thì hoàn toàn có thể tìm được những tựa phim này khi ứng dụng Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến được chính thức sử dụng.

Có lẽ, điều trăn trở bắt nguồn từ thực tiễn này sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự ra đời của Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến, để điện ảnh Việt Nam không nằm ngoài xu thế phát triển chung của thế giới và hiện thực hóa khát vọng “mở kho” phim Việt, bắc cây cầu nối đến với khán giả, theo mục tiêu mà những người làm điện ảnh, văn hóa hôm nay đang hướng đến: Người Việt yêu phim Việt. 

 THU TRANG

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top