Nguy cơ khi đồng mắc các bệnh truyền nhiễm

VHO- Năm 2022 dịch cúm trở lại bất thường vào đúng giữa mùa Hè, đã làm cho cộng đồng không khỏi lo lắng khi mùa đông đang đến gần. Trong khi đó, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp như Covid-19, sốt xuất huyết…

Ở Việt Nam, cúm mùa chủ yếu xảy ra vào mùa đông với bất cứ ai và ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh cúm mùa đã tăng nhanh vào mùa hè, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, cho thấy mô hình bệnh cúm đã thay đổi sau dịch Covid-19.

Nguy cơ khi đồng mắc các bệnh truyền nhiễm - Anh 1

Các chuyên gia chia sẻ về cúm mùa và các biện pháp phòng chống

Chia sẻ tại tại hội thảo khoa học "Cập nhật phòng tránh bệnh cúm mùa Đông - Xuân năm 2022-2023" do Hội Y học dự phòng Việt Nam phối hợp với AMV Group tổ chức ngày 23.9 tại Hà Nội,  PGS.TS. Bùi Vũ Huy, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Cúm mùa tuy là bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đối với nhóm người có nguy cơ cao, trong một số trường hợp có thể tử vong. Các biến chứng phổ biến nhất là viêm tai giữa, amidan, xoang, viêm phổi, sốt kéo dài, thậm chí có biến chứng tim mạch, viễm não…”.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, sự xuất hiện của các biến chủng mới, đặc biệt là biến chủng Omicron khiến sự miễn dịch của cơ thể cũng suy giảm, nên có thể dễ dàng bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm cùng lúc. PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) đã nhấn mạnh về hệ lụy khi đồng nhiễm cúm với một số bệnh truyền nhiễm khác. "Nhiều người có thể đồng nhiễm 2-3 bệnh, ví như nhiễm cúm, Covid-19, sốt xuất huyết, khi ấy nguy cơ bị bệnh nặng rất cao và nguy cơ tăng lên nhiều lần so với mắc 1 loại bệnh. Điều này gây khó khăn trong việc chỉ định dùng thuốc và quá trình điều trị”, ông Thái nói.

Khi mùa đông đang tới gần, tỉ lệ mắc cúm vào mùa Thu- Đông vẫn sẽ cao hơn nhiều so với các thời điểm khác, do vậy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nhiễm cúm và các biến chứng nghiêm trọng. Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương), vắc xin phòng cúm hiện nay được sản xuất để bảo vệ, chống lại các chủng virus cúm gây dịch theo mùa bao gồm: virus cúm A (H1N1), virus cúm A (H3N2), virus cúm B / Victoria và virus cúm B / Yamagata. Trong xu hướng hiện nay, WHO và các nhà khoa học đang ghi nhận vai trò của vắc xin phòng cúm tứ giá (mang kháng nguyên của 4 loại virus cúm – 2 loại virus cúm A và 2 loại virus cúm B) cả về khía cạnh hiệu quả phòng bệnh và chi phí y tế trực tiếp cũng như gián tiếp.

Tại Việt Nam, có nhiều loại vắc xin cúm mùa đang được sử dụng, trong đó, vắc xin cúm mùa tứ giá  (phòng chống 4 loại virus cúm A và B) GCFLU Quadrivalent là dòng vắc xin có thể giúp phòng 4 loại cúm mùa mới nhất theo khuyến cáo của WHO. Vắc xin này được chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và phụ nữ mang thai và sau sinh 2 tuần, người già từ 65 tuổi trở lên… Bên cạnh việc tiêm phòng vắc xin, các chuyên gia cũng đề nghị mỗi người cần tuân thủ các nguyên tắc liên quan đến vệ sinh tay, sát khuẩn, hạn chế tụ tập, khẩu trang và quan trọng nhất là ý thức người dân để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc