Phát triển​​​​​​​ văn học thanh thiếu nhi Việt Nam: Còn đó những khoảng trống

VHO- Những năm gần đây, văn học dành cho thanh thiếu nhi ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, phong phú và đa dạng cả nội dung lẫn hình thức, tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả trẻ.

Phát triển​​​​​​​ văn học thanh thiếu nhi Việt Nam: Còn đó những khoảng trống - Anh 1

 Độc giả nhí mong muốn được đọc các tác phẩm phiêu lưu, giả tưởng, trinh thám…, nhưng chưa nhiều cây bút Việt Nam mạnh dạn đi theo con đường này Ảnh: ITN

 Hiếm tác phẩm đặc sắc

Tại Hội thảo Trao đổi về Văn học thiếu nhi, thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và châu Âu diễn ra mới đây, Trưởng phòng Thiếu nhi - Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam Trần Lê Thùy Linh cho biết, số lượng đầu sách thiếu nhi của đơn vị này đã có sự “bùng nổ”, tăng gấp 9 lần giai đoạn mới thành lập (2005- 2010). Từ năm 2010-2020, số lượng đầu sách đề tài này đã lên đến 900, chiếm khoảng 36% tổng số đầu sách trên thị trường của Nhã Nam.

Cũng theo bà Trần Lê Thùy Linh, sách thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là sách dịch. Nhiều loại sách khổng lồ, sách cắt dán... hình thức bắt mắt được độc giả nhỏ tuổi đón nhận. Đối với sách văn học của tác giả Việt Nam, hình thức sách được cải thiện ngày càng đẹp hơn với minh họa độc đáo, tuy vậy, lượng tác phẩm đặc sắc còn hạn chế và thường chỉ là câu chuyện hồi ức của người lớn chứ không phải sáng tác hướng đến trẻ em.

Còn theo Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ Nguyễn Thành Nam, tỷ trọng sách thiếu nhi và thanh thiếu niên đang chiếm khoảng 40% doanh số của NXB, trong đó thể loại văn học chiếm khoảng 80%. Nhìn vào thị trường văn học thanh thiếu niên thời gian qua, ông Nam chia ra làm 4 xu hướng lớn: Sách văn học xoay quanh đề tài giáo dục lối sống, kỹ năng sống, làm cho tâm hồn đẹp tiếp tục được cho ra mắt; Xu hướng làm mới tác phẩm giá trị với minh họa đẹp phục vụ lớp bạn đọc hiện đại; Các tập thơ, đồng dao cũng được nhiều đơn vị xuất bản quan tâm, nhằm giúp trẻ em lớn lên với ngôn ngữ và văn hóa Việt; Văn học kỳ ảo đã xuất hiện, dù vậy, đây còn là mảng khá trống của văn học trong nước.

Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên nhận định, thời gian gần đây, các tiểu thuyết hay bộ truyện của tác giả trong nước ngày càng vắng bóng ở mảng sách thiếu nhi, đa phần mới dừng ở truyện ngắn, tản văn và du ký. Về đề tài, chủ yếu tập trung vào thời thơ ấu, gia đình, bạn bè, tìm hiểu về chính mình, quá trình trưởng thành hay cảm xúc tâm lý. Các đề tài về chiến tranh, lịch sử cũng ít hơn so với giai đoạn trước. Điểm nổi bật là các tác phẩm văn học đổi mới về hình thức với nhiều minh họa, thậm chí nâng lên thành dòng sách nghệ thuật, sách đẹp. Nhiều tủ sách, bộ sách được nhóm theo lứa tuổi, thể loại, giải thưởng, đề tài… Tuy nhiên, các sách này chưa hẳn đã đáp ứng được hết nhu cầu của độc giả trẻ tuổi. Nhiều em cho biết, mong muốn được đọc các tác phẩm phiêu lưu, giả tưởng, trinh thám, nhưng chưa nhiều tác giả Việt Nam mạnh dạn đi theo con đường này.

Cần sự chung tay để vượt chông gai

Văn học Việt Nam luôn dành sự quan tâm cho các thế hệ thiếu nhi và thanh niên. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Hầu hết nhà văn đều có tác phẩm viết cho thiếu nhi. Có người trọn đời chỉ viết cho trẻ em như Võ Quảng, Định Hải…; có người viết cho nhiều đối tượng, nhưng phần tinh túy nhất lại dành cho trẻ em như Tô Hoài với Dế mèn phiêu lưu ký; Đoàn Giỏi với Đất rừng phương Nam... Văn học dành cho thanh thiếu nhi còn có sự xuất hiện của các tác giả nhỏ tuổi, mảng sáng tác của các em rất phong phú và đa dạng...

Với góc nhìn lạc quan về sự phát triển của văn học dành cho thanh thiếu niên tại Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con cho rằng: Đội ngũ tác giả đang tăng lên và từng bước tiếp cận với đối tượng độc giả nhí, ít sách có sạn so với giai đoạn trước. Còn ở góc độ những người làm xuất bản, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, NXB Kim Đồng cho biết, đội ngũ sáng tác văn học thanh thiếu nhi hiện nay có phổ tuổi tương đối rộng, từ thế hệ 5x đến thế hệ gene Z (sinh đầu những năm 2000), tuy nhiên, sung sức nhất là tác giả thuộc thế hệ từ 7x - 9x. Thế hệ 9x, gene Z dù được động viên, song dường như nhiều cây bút vẫn coi “địa hạt văn chương” như thú vui, chưa xác định trở thành người viết chuyên nghiệp...

Nhiều tác giả viết cho độc giả nhỏ tuổi nhưng không phải ai cũng làm nên hiện tượng đáng chú ý trên văn đàn. Đại diện NXB Trẻ nhận định, việc phát triển đội ngũ sáng tác mới tiếp tục được đơn vị này quan tâm. Từ năm 1993, NXB Trẻ đã phát động sáng tác dành cho thiếu nhi để xây dựng đội ngũ sáng tác và luôn chú ý tới việc phát hiện, bồi dưỡng thêm đội ngũ sáng tác kế cận, dù tác phẩm của họ mới ra mắt rất khó tiếp cận độc giả.

Khuyến khích các tác giả viết cho đối tượng độc giả đặc biệt này đã được chú ý hơn trong thời gian gần đây. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: “Hội Nhà văn Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể làm được cho các em. Chúng tôi đã kết hợp với báo Thể thao và Văn hóa tổ chức cuộc thi Văn học Dế mèn; phát động cuộc vận động Sáng tác trẻ và sáng tác cho thiếu nhi; tiến hành thành lập Quỹ Văn học thiếu nhi...”.

Dù vậy, theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, sách văn học thanh thiếu nhi Việt Nam đang gặp khó khăn vì phải cạnh tranh nhiều với các loại hình giải trí khác và cả sách dịch. Gần đây đã có một số giải thưởng văn học thiếu nhi, động viên tác giả và đơn vị xuất bản, nhưng giải thưởng về chuyên môn chưa phải là sự bảo chứng để sách phát hành tốt. Số đầu sách chưa nhiều, số lượng bản in còn khiêm tốn… Có thể thấy, con đường phát triển văn học thiếu nhi tại Việt Nam vẫn còn nhiều chông gai, ngành xuất bản thời gian tới cần nỗ lực khắc phục khó khăn, đóng góp cho sự phát triển toàn diện của các em...

Cùng với ngành xuất bản, những ý kiến tại Hội thảo cho rằng, thời gian tới, cần có sự tham gia của nhiều bên để phát triển văn học thanh thiếu nhi Việt Nam như: Phát huy vai trò của thư viện, xây dựng tủ sách chất lượng trong gia đình và cộng đồng tạo thói quen và kỹ năng đọc sách cho trẻ, xây dựng văn hóa đọc; đa dạng hóa sách văn học thanh thiếu nhi; xây dựng “hệ sinh thái” tác giả viết cho thanh thiếu nhi và thiếu niên, giúp các tác giả kết nối với bạn đọc để các em có thể đưa ra ý tưởng “đặt hàng” sách và tủ sách của chính mình... 

 THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc