“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 2):​​​​​​​ Vì yêu nên tận sức cống hiến

VHO- Đến huyện miền núi Nguyên Bình trong buổi chiều tà, cuộc hành trình đi qua những thung sâu, núi cao từ miền biên viễn Trùng Khánh (Cao Bằng) trở nên thật gần gũi và diệu kỳ khi trước mắt chúng tôi đang hiện lên khung cảnh đẹp như trong cổ tích.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 2):​​​​​​​ Vì yêu nên tận sức cống hiến - Anh 1

 Nghệ nhân Đinh Văn Thức miệt mài truyền dạy các làn điệu hát Then đàn Tính cho các em nhỏ ở huyện Nguyên Bình

Câu chuyện về những đảng viên người dân tộc vì yêu mà cống hiến đã tạo nên điểm sáng trong hoạt động lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy những tinh hoa văn hóa từ ngàn đời, góp phần gắn kết và hình thành sức mạnh cộng đồng, truyền lửa tình yêu cội nguồn cho thế hệ trẻ.

Trao niềm tin tới cộng đồng

Trong áng mây chiều chạng vạng ở Nguyên Bình, vùng đất hội tụ và thấm đẫm những giá trị văn hóa bản sắc của các dân tộc trên quê hương cách mạng Cao Bằng, từ xa xa chúng tôi đã nghe tiếng dặt dìu của những thanh âm hát then, đàn tính đang vang vọng từ lớp học dành cho thiếu nhi của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) dân tộc Tày Đinh Văn Thức. Cứ nhắc đến thầy giáo Thức, người dân trẻ già ở đây đều biết rõ, bởi ngày nào bản làng bé nhỏ này cũng đều được những làn điệu hát then, đàn tính và những làn điệu dân ca Tày, Nùng ru ngọt. Bất kể nắng mưa, nghệ nhân Đinh Văn Thức cũng không bỏ lớp.

Lớp của thầy Thức chiều hôm đó có chừng 30 học sinh, chủ yếu là các em nhỏ đến từ các xóm trong xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình. Trong lớp học đơn sơ, những “nghệ nhân nhí” trong trang phục dân tộc Tày say sưa với làn điệu then Nhớ công ơn cha mẹ thầy cô. Nhìn vào từng gương mặt học trò, NNƯT Đinh Văn Thức nói nhỏ: “Để đến lớp học này, nhiều em phải đi xa lắm. Có bé nhà tận trên núi cao, phải đi cả tiếng đồng hồ mới tới nơi...”. Ông chỉnh dây đàn, nắn nót từng thanh âm lên xuống, bổng trầm. Những nét mặt trẻ nhỏ thơ ngây hào hứng. Để đưa các em đến lớp học hát then đàn tính này, thầy giáo Thức đã phải lặn lội đến từng nhà, gọi điện cho từng phụ huynh để vận động, thuyết phục. Địa hình miền núi, mỗi ngôi nhà có khi cách nhau nhiều cây số, chưa kể nắng mưa, bão rừng, lũ quét… đều trở thành nguyên nhân để những đôi bàn chân đến lớp ngập ngừng. Với sức hút từ những giá trị văn hóa truyền thống mà thầy Thức hết lòng truyền dạy, những “nghệ sĩ nhỏ” cũng rất hiếm khi nghỉ học.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 2):​​​​​​​ Vì yêu nên tận sức cống hiến - Anh 2

Các học trò của anh Đinh Văn Thức trong một buổi tập hát Then đàn Tính

Đôi mắt to tròn, cô bé lớp 5, dân tộc Tày Dương Thanh Trúc hồn nhiên kể chuyện, nhà có hai chị em gái đều theo học lớp của thầy Thức. Thường lớp học diễn ra vào buổi tối, mẹ của Trúc là cán bộ văn hóa xã Vũ Minh, chịu trách nhiệm đưa hai chị em tới lớp. Đã 4-5 năm qua, những giai điệu hát then, đàn tính trở thành “người bạn” của hai đứa trẻ, dặt dìu dưới nếp nhà sau những giờ chúng lên lớp, tới trường. Đứng cuối lớp học, NNƯT Đinh Văn Thức giới thiệu với chúng tôi cô bé Đinh Minh Anh, học sinh lớp 7, giọng hát then tốt nhất lớp. “Học lớp hát then, đàn tính của thầy Thức, con được đi biểu diễn nhiều nơi, đoạt nhiều giải thưởng. Con rất tự hào khi được mang tiếng hát then, đàn tính của quê hương khoe với các bạn ở tỉnh khác...”, cô bé thỏ thẻ. Tiếng hát trong trẻo, bay bổng cất lên giữa núi rừng, trong buổi chiều cuối hè bỏng rát khiến không gian và lòng người như dịu lại.

Nhìn dáng vẻ tất bật của thầy giáo Thức trong lớp học truyền dạy hát then, ít ai biết được công việc hằng ngày của ông lại là nghề y. Tưởng thật khó lý giải cho mối cơ duyên giữa hai con đường xa lạ, nhưng với NNƯT Đinh Văn Thức, mọi chuyện thật giản dị: “Vì yêu mà cống hiến, vậy thôi!”. Yêu hát then đàn tính như máu thịt của mình, lo lắng những giá trị truyền thống mai một trong cuộc sống đương đại, nghệ nhân Đinh Văn Thức thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ vốn quý cha ông để lại. “Là đảng viên, tôi tự nhận thấy mình cần phát huy tinh thần tiên phong. Nói phải đi đôi với làm, mình phải trao niềm tin cho cộng đồng bằng những việc làm cụ thể. Từ suy nghĩ đó, tôi dạy hát then, đàn tính và dạy hát dân ca dân tộc Tày tại nhà. Học sinh đến học đều miễn phí, đến nay tôi đã truyền dạy được gần 500 học trò, trong đó có 11 lớp hát then, đàn tính”, nghệ nhân Đinh Văn Thức cho biết.

Năm 2022, ông Thức đã và đang truyền dạy nghệ thuật hát then, đàn tính cho gần 100 học sinh, gồm CLB hát then, đàn tính xã Minh Thanh, CLB hát then, đàn tính huyện Nguyên Bình, lớp học thiếu nhi xã Vũ Minh. Học trò của những lớp học được vun đắp từ tình yêu văn hóa truyền thống trên vùng núi cao Đông Bắc này đã có nhiều người đoạt giải thưởng tại các kỳ thi, hội diễn do tỉnh Cao Bằng, huyện Nguyên Bình tổ chức.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 2):​​​​​​​ Vì yêu nên tận sức cống hiến - Anh 3

NNƯT Đinh Văn Thức và các nghệ nhân hát Then, đàn Tính

Bao quanh Nguyên Bình là những lớp lớp núi non trùng điệp. Tự bao đời nay, cuộc sống trên những dãy núi, bản làng giàu sắc màu văn hóa này đã hun đúc và tạo nên những thanh âm, giai điệu mang vóc núi, dáng rừng. NNƯT Đinh Văn Thức nhớ lại, năm 1980, trong một lễ cầu Phúc của người Tày, ông chứng kiến cảnh bà Then tay đánh đàn tính, tay phẩy quạt, chân sóc nhạc và hát giai điệu Mời pợt lồng kin hương (giai điệu truyền thống của người Tày mời tổ tông, mời bà tiên đến ăn cỗ), tiếng hát ngọt ngào, ấm áp đã khiến ông như được thúc giục đến với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Không chỉ học hỏi từ nhiều nghệ nhân hát then, những ngày đầu ông Thức còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự học hát then, đàn tính bằng các chương trình trên Đài Phát thanh tỉnh Cao Bằng.

Sau này, NNƯT Đinh Văn Thức là một trong số ít những nghệ nhân ở Nguyên Bình nắm giữ và thành thục nhiều tri thức, kỹ năng và các làn điệu then cổ. Ông tự biên soạn, sáng tác lời mới cho hát then, đàn tính và các bài hát dân ca Tày, Nùng, với các làn điệu Pụt lằn, Dá hai, Lượn cọi, Sli giang, Phong slư, Nàng ới… “Lớp nghệ nhân nắm giữ linh hồn của di sản đang ngày một thưa vắng. Các giai điệu hồn then vùng cao trong cuộc sống hôm nay cũng ít nhiều mai một. Nếu không kịp thời giữ lại và tìm cách truyền dạy cho lớp cháu con thì những năm sau này, biết ai còn giữ được hồn then?”, nghệ nhân Đinh Văn Thức trút nỗi lòng trăn trở. Ở tuổi 51, ông Thức tận dụng từng khoảng thời gian trống để đứng lớp truyền dạy những làn điệu then cho cộng đồng. Vào những buổi tối và ngày cuối tuần, lớp học của NNƯT Đinh Văn Thức diễn ra đều đặn, như làn suối níu giữ những khoảnh khắc trong lành nơi xóm nhỏ. Đặc biệt, ngọn lửa đam mê được ông truyền tới cộng đồng được nhiều người ủng hộ. Có những người già 82-83 tuổi vẫn tìm đến lớp học hát then đàn tính để được sống với những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc.

Chia sẻ niềm tự hào khi Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, NNƯT Đinh Văn Thức bộc bạch, đó cũng là trách nhiệm mà các nghệ nhân tâm huyết với di sản dân tộc cần chung tay bảo tồn, để những giai điệu then còn ngân vang mãi, như lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO với di sản Thực hành Then vừa diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang.

 Lớp nghệ nhân nắm giữ linh hồn của di sản đang ngày một thưa vắng. Các giai điệu hồn then vùng cao trong cuộc sống hôm nay cũng ít nhiều mai một. Nếu không kịp thời giữ lại và tìm cách truyền dạy cho lớp cháu con thì những năm sau này, biết ai còn giữ được hồn then?

(Nghệ nhân ưu tú ĐINH VĂN THỨC)

Không để mất đi “kho báu” của núi rừng

Cách không xa lớp học của NNƯT Đinh Văn Thức, chúng tôi tìm đến nhà của Bàn Thị Huyền, nữ đảng viên trẻ tuổi ở xóm Nà Roỏng, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa đồng lúa xanh rờn, chênh chếch mé sườn núi cũng là “trụ sở” của Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ xóm Nà Roỏng. Đón chúng tôi, các thành viên Câu lạc bộ, từ những cô cậu bé ở tuổi vỡ lòng đến những mái tóc pha sương tề chỉnh trong sắc màu trang phục truyền thống- niềm tự hào của đồng bào Dao đỏ.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 2):​​​​​​​ Vì yêu nên tận sức cống hiến - Anh 4

Người Dao Đỏ ở xóm Nà Roỏng, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình

Đảng viên Bàn Thị Huyền là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cũng là người đưa ra ý tưởng thành lập mô hình này nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao đỏ. Điều đặc biệt, Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ xóm Nà Roỏng được ra đời từ sự quyết tâm, đồng lòng của 3 thế hệ trong gia đình nữ đảng viên trẻ tuổi này. Bà ngoại của Huyền là Chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ. Sau khi bà qua đời vì căn bệnh ung thư, vai trò chủ nhiệm được chuyển từ bà sang mẹ. Bàn Thị Huyền kể chuyện, khi đi học đại học tại Thái Nguyên, mỗi lần về thăm nhà, cô nữ sinh trẻ tuổi lại man mác buồn khi thấy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao đỏ đang dần bị lãng quên, nhất là trong giới trẻ. Những khung thêu làm nên vóc dáng hoa văn riêng có của người Dao, những làn điệu dân ca mượt mà, tiếng nói, trang phục, lễ hội…, tất cả dường như đều không còn trọn vẹn. Không chấp nhận những đổi thay khắc nghiệt ấy, năm 2016, Huyền nói với bà ngoại của mình ý tưởng thành lập Câu lạc bộ. Tình yêu với di sản văn hóa dân tộc đã trở thành sợi dây đồng điệu, kết nối các thế hệ. Ý tưởng cũng được người dân trong làng ủng hộ và đề xuất lên xã. Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ xóm Nà Roỏng nhanh chóng ra mắt sau đó”, cô gái trẻ dân tộc Dao đỏ nhớ lại.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ, mẹ của Huyền, bà Bàn Mùi Nhất, 49 tuổi, chia sẻ: “Khi còn sống, mẹ tôi thường bảo, bây giờ các con không mặc nhiều quần áo truyền thống, bản sắc dân tộc rất dễ mất gốc. Mẹ tâm niệm và mong muốn cháu con cùng học nghề thêu, giữ lại những bộ trang phục của dân tộc để mặc trong dịp lễ, Tết và những ngày quan trọng của cuộc đời. Bởi thế, khi con gái tôi đi học đại học trở về, cháu đề đạt nguyện vọng có một Câu lạc bộ của xóm, ba mẹ con đã cùng đồng lòng và vận động bà con tham gia...”. Mái nhà của ba thế hệ chẳng biết tự khi nào đã trở thành nơi gặp gỡ của những thành viên trong Câu lạc bộ đặc biệt ở vùng cao này. Nhiều bạn trẻ được Huyền vận động đã khiến tình yêu đối với những sắc màu văn hóa quê hương trỗi dậy. Những cô gái, chàng trai múa đẹp, hát hay, thêu thùa giỏi trở thành niềm kiêu hãnh của bản làng. Những đứa trẻ sinh ra chỉ nói tiếng phổ thông, giờ đây được vận động tham gia Câu lạc bộ để được truyền dạy tiếng nói của người Dao đỏ.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 2):​​​​​​​ Vì yêu nên tận sức cống hiến - Anh 5

3 thế hệ người Dao đỏ trong trang phục truyền thống

Trước khi Câu lạc bộ ra đời, Nà Roỏng không còn nhiều người biết thêu thùa, điệu hát Páo dung truyền thống của đồng bào Dao đỏ cũng dần dần vắng bóng. Đặc biệt là những bộ trang phục với đường nét hoa văn phong phú, đẹp mắt, tạo nét tinh tế trong văn hóa ăn mặc của người Dao đỏ từ xa xưa cũng đang phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Trong khi đó, những “báu vật nhân văn sống” của đồng bào cũng dần dần khuất núi. Nguy cơ mất đi những “kho báu” của núi rừng hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết.

“Từ ngày còn nhỏ, em đã được bà, được mẹ dạy rằng, nghề may, vá, thêu thùa truyền thống gắn liền với phong tục tập quán và những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Bất cứ người phụ nữ Dao đỏ nào cũng biết luồn kim, se chỉ, tự may trang phục cho cả gia đình. Chỉ khoảng 10-12 tuổi, các cô gái Dao đỏ đã thêu thùa thành thạo và tự tay làm ra trang phục cho riêng mình...”, Bàn Thị Huyền tâm sự. Nữ đảng viên xông xáo đến từng nhà vận động mọi người tham gia, ủng hộ hoạt động của Câu lạc bộ, cùng nhau gìn giữ những “báu vật” đã có tự ngàn đời.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 2):​​​​​​​ Vì yêu nên tận sức cống hiến - Anh 6

 Sắc màu Dao đỏ ở Vũ Minh

Chủ nhiệm Bàn Mùi Nhất rơm rớm nước mắt: “Nếu mẹ tôi không tha thiết, con gái không cố gắng trong việc mời gọi mọi người đến học thêu, học hát thì có lẽ không có Câu lạc bộ như ngày hôm nay. Từ những ngày đầu ra mắt đến nay, Câu lạc bộ hoạt động chính là truyền dạy nghề thêu và dạy hát các làn điệu cổ, tuy nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi kinh phí và thời gian đều eo hẹp. Các thành viên Câu lạc bộ tự gây quỹ bằng cách gặt lúa thuê, cấy thuê trong làng”. Tiếp nối bước chân các thế hệ đi trước, cô gái Dao Bàn Thị Huyền mong muốn phát huy tinh thần đi đầu, nêu gương của một đảng viên trẻ, khao khát mở rộng thêm mô hình và những hoạt động của Câu lạc bộ, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Nâng niu từng hoa văn mềm mại trên bộ trang phục đang mặc trên người, Bàn Thị Huyền nhỏ nhẹ: “Một bộ trang phục của người Dao đỏ làm ra phải rất kỳ công, có khi cả năm cũng chưa thêu xong. Trang phục Dao đỏ không chỉ tạo ấn tượng bởi những sắc màu rực rỡ mà còn hàm chứa những triết lý, giá trị nhân văn, gắn bó với người Dao từ khi sinh ra đến lúc rời cõi tạm. Bởi thế, những hoạt động của Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ xóm Nà Roỏng hướng đến việc lưu giữ, bảo tồn, lan tỏa và tiếp thêm ngọn lửa tình yêu, niềm nhiệt huyết đối với từng người con của núi rừng nơi đây”, cô gái Dao bộc bạch.

Nữ đảng viên 30 tuổi có gương mặt xinh đẹp, nét mộc mạc đặc trưng của các cô gái Dao nói, ước mơ cháy bỏng của em là bằng những kiến thức học được, những đam mê với văn hóa dân tộc để tiếp tục quy tụ được bà con, “truyền lửa” cho họ, tạo thành khối đoàn kết trong cộng đồng để có thể phát triển hoạt động của Câu lạc bộ. “Em vẫn luôn nghĩ tới ngày, sản phẩm thổ cẩm Dao đỏ sẽ được nhiều người biết tới, nhiều du khách trong và ngoài nước tìm mua. Khi đó, em có thể tự hào rằng những bản sắc văn hóa dân tộc mình được bảo tồn, gìn giữ, được giới thiệu khắp nơi trên thế giới và người dân quê em có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương…”. 

 Ghi chép của THU TRANG - THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc