“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 1): “Biên giới mềm” nơi miền biên viễn

VHO- LTS: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, mượn lời tiền nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Thông điệp mang giá trị căn cốt này đã, đang và sẽ ăn sâu, bám rễ trên nhiều vùng miền của đất nước.

 Trong chuyến tác nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang…), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện rất đỗi thiết thực với mong muốn hiện thực hóa điều căn cốt: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tinh thần tiên phong, những nỗ lực từ những “người con của Đảng” đã mang lại luồng sinh khí mới, diện mạo mới trên những miền đất xa xôi. Hơn thế, bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ, phát huy đã nhân lên “sức mạnh mềm” để xóa bỏ hủ tục, đói nghèo, lạc hậu, đánh thức những vùng đất, hướng đến một tương lai tươi sáng.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 1): “Biên giới mềm” nơi miền biên viễn - Anh 1

 Các nghệ nhân CLB hát Then đàn Tính xã Đàm Thủy với nhiều hoạt động gìn giữ những giá trị truyền thống

Đưa chúng tôi đi dọc tuyến vành đai biên giới, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) Lương Văn La nhiều lần nhắc đến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Nhìn về phía thác Bản Giốc đang tung bọt trắng xóa, ông nói, ở nơi giáp biên này mới càng thấm thía ý nghĩa của “sức mạnh mềm” được đúc kết từ những giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm. Chúng tôi đã cùng những “đôi mắt” miền biên viễn ấy đi qua nhiều bản làng, nơi từng tấc đất thấm đẫm những sắc màu văn hóa, gắn với nỗ lực phát huy vai trò của những đảng viên nhiệt huyết gìn giữ “biên giới mềm”, góp phần làm giàu quê hương, giữ gìn biên cương Tổ quốc.

“Sức mạnh mềm” ở biên cương

Chiều trên thác Bản Giốc, nhiều du khách dừng chân lắng nghe thanh âm của giai điệu Then và tiếng đàn tính mộc mạc, hòa quyện trong khung cảnh núi rừng hùng vĩ. Các nghệ nhân dân tộc Tày say sưa, khoan nhịp làn điệu Ánh trăng Bản Giốc. Bí thư xã Đàm Thủy tự hào: “Ở vùng biên giới xa xôi, chúng tôi thấm thía rằng văn hóa là hồn cốt dân tộc, giữ văn hóa chính là giữ biên cương, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Những “người con của Đảng” luôn phát huy tinh thần nêu gương, vận động và dẫn dắt đồng bào gìn giữ từng giá trị văn hóa truyền thống, biến đó thành tài sản vô giá của quốc gia…”, ông La bộc bạch.

Góc nhìn của bí thư trẻ tuổi người dân tộc Tày về phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa khiến chúng tôi có cảm giác lời hiệu triệu của Tổng Bí thư tại Phòng họp Diên Hồng năm trước đang hiện hữu thật cụ thể, từ sợi chỉ đỏ xuyên suốt là nhận thức. Cuốn hút với những câu chuyện đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống vùng biên, Bí thư Lương Văn La khiến tuyến đường vành đai biên giới mà chúng tôi đang đi dường như ngắn lại. Đàm Thủy có 17,5 km đường biên giới với Trung Quốc, 20 cột mốc chính, 38 cột mốc phụ, trung bình cứ 330m có một cột mốc, đặc biệt như cột mốc 825 thì phải đi cả nửa ngày mới đến. Trùng điệp núi non, thu vào tầm mắt ngút ngàn ấy luôn có những nỗ lực của từng cán bộ, đảng viên tâm huyết nhằm lưu giữ, bảo tồn giá trị bản sắc của cộng đồng các dân tộc. “Tuyến đường vành đai biên giới này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng bào nơi đây là người dân tộc Tày, Nùng. Trước thách thức mới của cuộc sống, cấp ủy, chính quyền xã Đàm Thủy luôn vận động bà con gìn giữ từng giá trị bản sắc như tiếng nói, trang phục, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán… Chúng tôi vẫn nói với người dân rằng, hãy trân quý những giá trị ấy như con ngươi mắt mình. Bởi, mất văn hóa là mất tất cả”, ông La chia sẻ.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 1): “Biên giới mềm” nơi miền biên viễn - Anh 2

Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh Lương Văn La cùng các chiến sĩ biên phòng lên cột mốc 825

Đàm Thủy được ví như “xứ sở thần tiên” trong vùng Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Bí thư Lương Văn La tâm sự, ngày về Đàm Thủy công tác, ông đã nhận thấy nhiều tiềm năng, giá trị văn hóa đặc sắc nơi miền biên viễn này cần được gìn giữ một cách bền vững, thậm chí phải được mài giũa thành ngọc quý để phục vụ du lịch. Bài toán bảo tồn và phát huy được đặt ra song hành. Ông đưa chúng tôi đến làng đá cổ Khuổi Ky, điểm sáng về giữ gìn, phát huy văn hóa vùng biên. Chúng tôi được giới thiệu với Bí thư Chi bộ xóm Bản Gun Khuổi Ky, ông Nông Ích Đạt. Hơn sáu mươi tuổi, gần 30 năm tuổi Đảng, ông Đạt là Bí thư được bà con tin yêu, bởi những tâm huyết vì đời sống cộng đồng.

12 năm kể từ khi có Nhà văn hóa Làng Tày Khuổi Ky, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống được chi bộ Đảng quan tâm, nhân dân ủng hộ. “Ở nơi xa xôi này, ánh sáng của Đảng luôn soi rọi. Chúng tôi theo lời dạy của Cụ Hồ để vận động bà con: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Họ không hiểu sâu xa được hết, nhưng đều hiểu rằng, còn văn hóa là còn tất cả. Chi bộ thôn luôn quán triệt nghiêm túc mọi đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp quán triệt, vận động, tuyên truyền để người dân tập trung giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Giữ gìn thể hiện qua từng việc làm cụ thể như giữ nếp nhà truyền thống, lập đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên mặc trang phục dân tộc và trao nghề truyền thống…”, Bí thư Nông Ích Đạt say sưa.

Làng Văn hóa Khuổi Ky có tuổi đời hơn 400 năm, từ một miền đất vùng biên đầy rẫy những khó khăn, đến nay đã chuyển mình khởi sắc. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, song những bản sắc ẩn sau những ngôi nhà sàn bằng đá, một trong những kiến trúc độc đáo của người Tày ở đây, vẫn đang được bảo tồn rất tốt. “Hát then đàn tính, nhà sàn bằng đá cổ kính và những nét văn hóa khác biệt đã khiến Khuổi Ky ngày càng thu hút du khách. Năm 2010, Bộ VHTTDL cấp nguồn vốn cho Sở VHTTDL Cao Bằng làm chủ đầu tư để phục dựng bảo tồn Làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày xóm Khuổi Ky Trong của xã Đàm Thủy”, ông Đạt cho biết. Bí thư Lương Văn La nói thêm: “Tới đây, xã Đàm Thủy sẽ xây dựng mô hình điểm từ làng văn hóa Khuổi Ky trong phạm vi Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng. Đầu tiên, xã sẽ thành lập Ban quản lý giám sát phát triển du lịch cộng đồng, có sự tham gia của Bí thư chi bộ, trưởng xóm, người dân tiêu biểu…, phát triển theo hướng bền vững. Chúng tôi định hướng bà con lấy bảo tồn văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống”.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 1): “Biên giới mềm” nơi miền biên viễn - Anh 3

Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy Lương Văn La (ngoài cùng bên trái), Bí thư chi bộ xóm Bản Gun Khuổi Ky Nông Ích Đạt (ngoài cùng bên phải) và Triệu Thị Huệ, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Đàm Thủy

Dưới ánh nắng chiều tà, trong tiếng nước đổ dồn và bụi nước bay trắng xóa, phía chân thác Bản Giốc ngân nga những giai điệu của tình yêu. Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Đàm Thủy, Chủ nhiệm CLB hát then đàn tính Đàm Thủy Triệu Thị Huệ cũng là tấm gương nữ đảng viên năng nổ trong vận động quần chúng bảo tồn văn hóa. Chị nói: “CLB được thành lập để quy tụ những nghệ nhân tâm huyết, cùng nhau sưu tầm những làn điệu then cổ, sáng tác những bài then mới và biểu diễn phục vụ du khách, truyền dạy cho thế hệ sau gìn giữ, phát huy. CLB hiện có 37 thành viên, là những nghệ nhân nắm giữ và truyền lửa hồn Then Tày”.

Bảo tồn văn hóa truyền thống kết hợp với du lịch cũng là cách để khẳng định chủ quyền, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. “Chúng tôi mong muốn có thể xây dựng tuyến du lịch vành đai biên giới nhằm phát huy những giá trị bản sắc văn hóa vô giá đó, thiết thực triển khai tinh thần xuyên suốt của Đảng về gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống, từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đến Nghị quyết 33, Nghị quyết Đại hội XIII và gần nhất là lời phát biểu sâu sắc của Tổng Bí thư: Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Bí thư xã Đàm Thủy Lương Văn La bộc bạch.

Ông La trầm giọng, tâm tư rằng nhiều năm nay, cái nghèo, cái đói đã khiến người dân nôn nóng, mong muốn làm giàu mà nhiều khi lãng quên văn hóa truyền thống... Con thuyền nhỏ trên sông Quây Sơn lặng lẽ, ánh mắt Bí thư La sáng lên niềm hy vọng:

 “Còn nhiều việc phải làm quá!”. Sâu trong đôi mắt miền biên viễn ấy, chúng tôi hiểu, đó là sự trăn trở, là mơ ước tận đáy lòng của người làm lãnh đạo như ông. Không phải giàu nhanh, không phải làm ăn xa xứ mà là thoát nghèo bền vững, làm giàu trên mảnh đất mình sinh ra, gìn giữ văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tận mắt nhìn thấy quê hương đổi mới và hội nhập.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 1): “Biên giới mềm” nơi miền biên viễn - Anh 4
 

Ở vùng biên giới xa xôi, chúng tôi thấm thía rằng văn hóa là hồn cốt dân tộc, giữ văn hóa chính là giữ biên cương, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Những “người con của Đảng” luôn phát huy tinh thần nêu gương, vận động và dẫn dắt đồng bào gìn giữ từng giá trị văn hóa truyền thống, biến đó thành tài sản vô giá của quốc gia…

(Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy LƯƠNG VĂN LA)

Ý Đảng, lòng dân nơi cực đầu Tổ quốc

Về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống trên những miền đất vùng biên của chúng tôi tiếp tục nối dài với câu chuyện của người đảng viên dân tộc Lô Lô ở ngôi làng nơi cực Bắc Tổ quốc. Dưới mái nhà sàn đầu thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang), mắt hướng lên Cột cờ Lũng Cú, trưởng thôn Sình Dìn Gai đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

 Nhà anh Gai làm du lịch cộng đồng từ năm 2011. Khi đó, Lũng Cú vẫn là mảnh đất vùng cực Bắc xa xôi, lặng lẽ trên bản đồ và ít người biết đến. Đồng bào Lô Lô sống khép kín, và bởi thế, xã Lũng Cú ngày ấy vẫn chỉ như “người con gái đẹp ngủ trong rừng”. Bằng tiếng Kinh lơ lớ, trưởng thôn Lô Lô Chải Sình Dìn Gai nói: “Nếu như ngày đó Đại sứ quán Luxembourg không có dự án tài trợ thì chắc Lũng Cú sẽ vẫn ngủ yên. Ba nhà được lựa chọn, hỗ trợ chăn, ga, gối để làm văn hóa du lịch cộng đồng, nhưng chẳng ai chịu làm. Đói khổ dai dẳng, không ai biết homestay là gì. Tôi nghĩ mình là đảng viên, là trưởng thôn nên cần làm trước. Chỉ một tuần sau nhà tôi có khách. Du khách, nhất là khách nước ngoài rất thích khung cảnh và bản sắc văn hóa độc đáo của người Lô Lô…”.

Mới đầu, ông chủ Lô Lô chỉ làm một nhà sàn nhỏ, đón 6 khách mỗi tối. Năm 2014, khách đông hơn, anh Gai tu sửa thêm một nhà cổ, một tối đón trên 10 khách. Văn hóa Lô Lô độc đáo và những ngôi nhà cổ, cộng với cảnh quan kỳ vĩ của Lũng Cú như một thỏi nam châm thu hút.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 1): “Biên giới mềm” nơi miền biên viễn - Anh 5

 Phụ nữ thôn Lô Lô Chải tự tin trong trang phục truyền thống đón khách

“Khách lên tới 15-16 người, không đủ chỗ nên năm 2017, tôi lại xây thêm một nhà, đón 20- 30 khách cùng lúc. Đến năm 2018, thấy làm du lịch từ văn hóa dân tộc mang lại đời sống mới, nhiều nhà trong xã rục rịch làm theo. Chúng tôi tự sang sửa, đi từng nhà tuyên truyền, cảnh quan phải làm đẹp, chuồng trại phải di dời, đẩy lùi hủ tục và đặc biệt, hãy mặc trang phục truyền thống, nói tiếng nói và múa điệu múa của người Lô Lô...”, anh Gai kể chuyện. Ông trưởng thôn nhớ lại, ngày trước, cả làng chỉ làm nông, quanh năm suốt tháng không đủ ăn, lại lắm hủ tục nên đói nghèo bám riết. Thời điểm năm 2008 về trước, cả thôn 100% là hộ nghèo. Thế rồi khi văn hóa và du lịch quyện hòa, người Lô Lô nhìn thấy không ở đâu xa xôi mà ngay chính mỗi nếp nhà, trong từng đường thêu thổ cẩm, sắc màu trang phục và hương vị món ăn..., đều là những tài sản vô giá, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Từ định hướng phát triển du lịch bằng văn hóa truyền thống, Sở VHTTDL Hà Giang cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng... Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thôn Lô Lô Chải đón khoảng 300 khách mỗi tối cuối tuần, thu nhập của các hộ làm du lịch khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Sau thời gian đóng cửa phòng dịch, đến nay thôn Lô Lô Chải đã đón khách trở lại.

“Lô Lô Chải khác xưa nhiều lắm. Người dân đoàn kết, chung tay xây dựng cuộc sống mới. Đảng ủy, chính quyền xã quan tâm, giúp bà con bảo tồn văn hóa truyền thống, từ niềm tự hào để phát triển”, anh Gai chia sẻ. Từ một cộng đồng khép kín, đến nay, người dân đã thành thục thuyết minh, giới thiệu với du khách về văn hóa và lịch sử dân tộc mình, ý nghĩa thiêng liêng của mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Bản sắc văn hóa của một dân tộc ít người, sinh sống hơn 700 năm ở Lũng Cú được thể hiện trên trang phục, kiến trúc nhà ở, các tiết mục múa, hát, trống đồng... cũng được từng người dân Lô Lô Chải giới thiệu đến du khách tới thăm vùng địa đầu Tổ quốc.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 1): “Biên giới mềm” nơi miền biên viễn - Anh 6

 Anh Sình Dìn Gai hướng dẫn bà con trong thôn Lô Lô Chải giới thiệu với du khách về văn hóa và lịch sử dân tộc Lô Lô 

Nhưng, cũng đã có những thời điểm nỗi lo lắng nhịp sống hiện đại lấn át truyền thống dần hiện hữu. Anh Gai cho biết, phát huy sức mạnh của Đảng, vai trò gương mẫu của đảng viên, chi bộ thôn liên tục tuyên truyền nhân dân thông qua từng việc làm cụ thể. Chẳng hạn, vận động người dân thường xuyên mặc trang phục truyền thống, hỗ trợ kinh phí để gìn giữ trang phục dân tộc. Thôn Lô Lô Chải cũng hình thành Câu lạc bộ Bảo tồn tiếng nói, anh Gai trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Lô Lô cho con trẻ. Đây là điều cần thiết khi những đứa trẻ dần lớn lên, tầm mắt mở mang nhưng tiếng dân tộc lại ngày càng mai một. “Chúng tôi luôn tâm niệm sẽ cố gắng để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Linh hồn của dân tộc Lô Lô chính là lễ cúng tổ tiên, là những bộ quần áo truyền thống, là tiếng nói, là chiếc trống đồng thiêng... Mất trang phục sẽ mất đi màu sắc độc đáo của dân tộc Lô Lô. Mất lễ cúng tổ tiên là mất cả dân tộc. Ẩm thực, múa hát, nhà sàn, kiến trúc... nếu bị lai căng thì dân tộc Lô Lô cũng không còn nữa”, anh Gai giãi bày.

Không chỉ tiên phong xóa nghèo, làm giàu trên quê hương Hà Giang, anh Sình Dìn Gai cũng là gương đảng viên đi đầu trong vận động người dân ở Lô Lô Chải xóa bỏ hủ tục đeo bám hàng trăm năm, chủ yếu trong ma chay, cưới hỏi, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. “20 năm trước cả thôn say rượu, nhưng đến nay tất cả chỉ lo lao động, làm giàu. Không còn những đám cưới, đám tang nhiều ngày, mổ trâu bò, ăn uống dềnh dang rồi lo “trả nợ miệng”. Cổng làng rộng mở, bà con tiếp xúc với du khách nhiều nơi, biết nói cả tiếng Anh. Niềm tự hào dân tộc cũng nhân lên, lan rộng…”.

Câu chuyện cứ kéo dài suốt sáng, anh Gai khép lại: “Xem ti vi, tôi được nghe lời phát biểu, dặn dò của Tổng Bí thư: Văn hóa còn thì dân tộc còn… Khi đó, tôi xúc động lắm! Tất cả việc làm của những đảng viên dân tộc Lô Lô chúng tôi chính là để giữ gìn những giá trị văn hóa thiêng liêng, có tiền cũng không mua được”.

Ghi chép của THU TRANG - THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc