Từ Ngọ Môn đến Ba Đình lịch sử

VHO- Đó là triển lãm chuyên đề do Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế khai mạc vào ngày 31.8, nhân chào mừng 77 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, kỷ niệm 53 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ Ngọ Môn đến Ba Đình lịch sử - Anh 1

 Du khách tham quan, tìm hiểu về các hiện vật mà nhân dân Thừa Thiên Huế đã sử dụng trong Cách mạng Tháng Tám 1945 Ảnh: SƠN THÙY

Cách đây 77 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam nhất tề vùng lên tiến hành tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2.9.1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước gần 1 triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trang trọng đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 
Tại Thừa Thiên Huế, những địa danh lịch sử ghi dấu ấn những ngày quật khởi trong Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn cho đến ngày nay như đình Bàn Môn, đình Hòa Phong, Kỳ đài, sân vận động… Đặc biệt là Ngọ Môn, nơi chứng kiến vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn tuyên chiếu thoái vị và trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời, đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến Việt Nam. Triển lãm chuyên đề “Từ Ngọ Môn đến Ba Đình lịch sử” giới thiệu đến công chúng gần 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật vô cùng quý giá, tập trung ở 4 nội dung: Mùa thu Cách mạng; Ngọ Môn - Thời khắc lịch sử; Ba Đình - Vang vọng lời non nước; và Những ngày độc lập. Triển lãm góp phần tái hiện lại những ngày khởi nghĩa của mùa Thu cách mạng năm 1945, quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, đặc biệt là 2 sự kiện lịch sử: Vua Bảo Đại thoái vị tại Ngọ Môn (Huế) và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội). 

Từ Ngọ Môn đến Ba Đình lịch sử - Anh 2

 Không gian triển lãm nội dung “Ngọ Môn - Thời khắc lịch sử”

Triển lãm giới thiệu đến người xem bộ sưu tập vũ khí thô sơ mà nhân dân Thừa Thiên Huế sử dụng trong những ngày tổng khởi nghĩa; 13 trang báo Quyết chiến, Chiến sĩ… phát hành năm 1945 đưa tin về Cách mạng Tháng Tám ở Huế và sự kiện vua Bảo Đại thoái vị; chiếu thoái vị của vua Bảo Đại; bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập” và các bản “Tuyên ngôn Độc lập” được in và phát hành năm 1945; một số hiện vật gốc về phong trào Bình dân học vụ, Tuần lễ đồng ở Huế sau Cách mạng Tháng Tám; bộ sưu tập tem thư về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9… Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin: Bên cạnh những tư liệu, hiện vật quý, triển lãm còn giới thiệu nhiều câu chuyện ghi lại những khoảnh khắc đầy tự hào của những con người đã xuất hiện, tham gia trực tiếp vào sự kiện lịch sử, cũng như âm vang cảm xúc về hào khí những ngày Cách mạng Tháng Tám.
Thông qua triển lãm, nhằm tôn vinh và biết ơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục đến cộng đồng và thế hệ trẻ hiểu sâu sắc thêm về trang sử vàng chói lọi, cổ vũ lòng tự tôn, khát vọng hùng cường của dân tộc trong thời đại mới. 

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc