Phim chiếu rạp nửa đầu năm 2022: Long đong...doanh số

VHO- Tính từ Tết đến nay, đã có hơn 20 bộ phim Việt ra rạp với đủ thể loại từ tâm lý, hành động, kinh dị đến hài hước... Cứ ngỡ phòng vé sẽ bùng nổ sau gần hai năm “án binh bất động”, nhưng trên thực tế, doanh thu cứ “yên phận” mãi chẳng chịu bứt phá, trong khi những ngôi sao “trăm tỉ” vẫn liên tục xuất hiện.

Phim chiếu rạp nửa đầu năm 2022: Long đong...doanh số - Anh 1

 “Duyên ma” nhanh chóng gia nhập đội ngũ “thảm họa” của điện ảnh Việt

“Bom xịt” nối tiếp

Nếu như cách đây hơn một năm, khi bộ phim Bố già mang về doanh thu khủng hơn 400 tỉ đồng đã mở ra nhiều hy vọng cho các nhà làm phim trong nước, thì sau đỉnh cao ấy, một loạt phim Việt ra rạp nửa đầu năm 2022 vừa qua lại khá long đong trong việc gặt hái doanh thu. Dù số lượng phim đổ bộ rạp chiếu cao hơn hẳn, nhưng chỉ duy nhất có Em và Trịnh đạt ngưỡng trăm tỉ. Còn trước đó, những bộ phim như Bẫy ngọt ngào, Nghề siêu dễ, Chìa khóa trăm tỉ… dù được đánh giá tốt, nhưng cũng chỉ dừng lại ở con số vài chục; số còn lại chịu cảnh hẩm hiu, thậm chí còn không thu hồi được vốn.

Có thể kể đến bộ phim có đầu tư lớn nhưng lỗ nặng là Kẻ thứ ba do Lý Nhã Kỳ vừa sản xuất vừa đóng vai chính. Dù phim có sự tham gia của nam tài tử đình đám xứ Kim chi Han Jae Suk cùng ê kíp Hàn uy tín, thế nhưng doanh thu nhận về vỏn vẹn gần 1 tỉ đồng và chỉ trụ rạp được có hơn 10 ngày. Còn phim Người tình ra rạp sau 5 năm thực hiện, với sự tham gia của người mẫu Minh Tú cũng chỉ thu về 1,3 tỉ đồng ít ỏi. Dẫu rằng, tên phim hấp dẫn, diễn viên chính là siêu mẫu nhưng Người tình vẫn không thu hút được khán giả vì nội dung nhạt nhẽo, cách kể chuyện kém hấp dẫn. Trường hợp 578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) cũng là một điển hình đáng tiếc. Khai thác đề tài vừa khó nhằn vừa nhạy cảm, đó là nạn xâm hại tình dục trẻ em nhưng cách làm phim thiếu bứt phá, thông điệp “tù mù” khiến người xem hụt hẫng. Dù mức kinh phí đầu tư lên đến 60 tỉ đồng nhưng doanh thu chỉ được có vài tỉ, điều này khiến nhà sản xuất phải nhanh chóng rút phim khỏi rạp và tiếp tục nằm “chờ thời”.

Bên cạnh đó, một số tác phẩm đứng ở “ngã ba” lưng chừng như Rừng thế mạng, Chuyện ma gần nhà… Phim đầu tiên lấy chủ đề sinh tồn, được PR “ma thật, quỷ thật” hẳn hoi nhưng cũng không thành công khi câu chuyện không rõ ràng, mạch phim đơn điệu. Ngoài ra, một loạt bộ phim khác cũng gặp thất bại tại phòng vé như Mến gái miền Tây (8 tỉ đồng), Người lắng nghe (2,5 tỉ đồng), Mưu kế thượng lưu (1 tỉ đồng), Mỹ nhân thần sách (168 triệu đồng)…

Rồi mới đây nhất, bộ phim đang chiếu rạp Duyên ma (đạo diễn Khánh Toàn - Tâm Nguyễn) với diễn xuất của người mẫu Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Phi Phụng, La Thành, Hải Triều... cũng đang bị khán giả lẫn giới chuyên môn đánh giá là “thảm họa” mới của điện ảnh Việt. Rõ ràng, với phần kịch bản chi chít sạn, kỹ xảo dở tệ, diễn xuất nhạt nhòa, gượng gạo... thì phim khó có thể “hút” người xem. Vì lẽ đó, sau 15 ngày trầy trật, phim chỉ đạt doanh thu 6,6 tỉ đồng.

Công thức “ngôi sao” đã hết “thiêng”

Quay ngược lại thời gian, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, bộ phim 1990 Chìa khóa trăm tỉ quy tụ dàn cast toàn là những cái tên ăn khách như Ninh Dương Lan Ngọc, Nhã Phương, Kiều Minh Tuấn, Thu Trang… Nhưng rõ ràng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” vẫn không khiến những cái tên này cán được mốc trăm tỉ. Hay cả niềm hy vọng vào dịp lễ dài ngày 30.4 - 1.5 với bộ phim Nghề siêu dễ thì cũng chẳng “dễ” ghi điểm giả bởi lẽ nội dung remake vẫn còn quá an toàn. Sự kém may mắn về mặt doanh thu đã minh chứng rằng không phải theo công thức cứ có ngôi sao hay “gương mặt bảo chứng phòng vé” là đảm bảo cho sự thành công của phim. Những nghệ sĩ hài tên tuổi như Thu Trang, Kiều Minh Tuấn vốn được coi là “át chủ bài” của dòng phim hài hay các mỹ nhân Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My, Nhã Phương đã từng “làm mưa làm gió” phim chiếu rạp cũng đành phải “bó tay”. Hay một số gương mặt mới như Hoa hậu H’Hen Niê, Bảo Anh, Ngọc Trinh... dù tạo được sự chú ý từ màn “chào sân” nhưng diễn xuất chưa thực sự tạo được dấu ấn.

Thậm chí, Bóng đè cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, kể cả đã được dẫn dắt bởi đạo diễn làm nên thành công của Hai Phượng. Thất bại phim nội địa cứ thế liên hoàn. Dù được giới chuyên môn đánh giá là điểm sáng của điện ảnh Việt nửa đầu năm 2022, Đêm tối rực rỡ sáng tạo từ cách kể độc lạ, chỉn chu từ màu sắc đến hình ảnh ẩn dụ nhưng lại kén người xem, chính vì thế sự bứt phá về doanh thu khó đạt được. Hay Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác là phim thiếu nhi Việt Nam hiếm hoi ra rạp trong dịp hè. Mặc dù vậy, phim không thể cạnh tranh được với những “bom tấn” nước ngoài ở các cụm rạp thời điểm đó như Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon..., cuối cùng chỉ thu về gần 5 tỉ đồng với những suất chiếu lẻ tẻ. Có thể thấy, đây chính là bài học về việc phim ra mắt không đúng thời điểm gây thiệt hại lớn.

Cùng với đó, vấn đề PR cho phim vẫn đang là một “bài toán khó”. Nhìn nhận thị trường phim Việt ta sẽ dễ dàng nhận ra, với những bộ phim “thảm họa” việc PR “đầu voi đuôi chuột” luôn luôn song hành để thu hút sự tò mò của khán giả. Thế nhưng, khi ra rạp khán giả lại vô cùng thất vọng vì không như những gì được quảng bá, truyền thông. Điều này vô hình trung khiến công chúng dần mất niềm tin vào phim nội địa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những bộ phim chất lượng khác.

Thành công của phim đến từ nhiều yếu tố, vì thế, dù kinh phí đầu tư lớn, trang phục đẹp, kỹ xảo tốt nhưng kịch bản bất hợp lý, thiếu logic, diễn xuất không chân thực thì cũng khó có thể chạm tới trái tim người xem. Hy vọng, những bộ phim ra rạp thời gian tới sẽ đáp ứng được những nhu cầu thị trường, để điện ảnh Việt khởi sắc cũng như lấy lại niềm tin cho khán giả nước nhà. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc