Nét đẹp văn hóa, ứng xử văn minh trong gia đình, dòng họ, khu dân cư: Những mô hình điểm trong tuyên truyền, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống

VHO- Xác định tầm quan trọng của những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình hội nhập và phát triển, thời gian qua, nhiều địa phương đã hình thành những mô hình điểm trong tuyên truyền, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được chú trọng, tạo nền tảng và “sức mạnh mềm” chống lại tiêu cực, biến tướng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng dân cư.

Nét đẹp văn hóa, ứng xử văn minh trong gia đình, dòng họ, khu dân cư: Những mô hình điểm trong tuyên truyền, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống - Anh 1

 Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng cho sự phát triển (ảnh minh họa)

Phát huy “sức mạnh mềm” từ truyền thống văn hóa

Trên địa bàn tỉnh miền núi Cao Bằng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số luôn được đặc biệt chú trọng, từ đó gia tăng, phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển. Tại nhiều cộng đồng, các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là nền tảng mà còn là “nam châm” thu hút du khách, phát triển du lịch, mang lại nguồn thu nhập kinh tế cho người dân.

Trong đó, có thể kể đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô trên địa bàn. Dân tộc Lô Lô Đen tại Cao Bằng có 3.172 người, chiếm 0,47% dân số, sinh sống tại 2 huyện vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh là Bảo Lạc, Bảo Lâm. Với đặc thù đời sống khó khăn, chất lượng cuộc sống và dân số thấp, những tác động của đời sống kinh tế cùng sự giao thoa với nhiều nền văn hóa khác, ít nhiều đã tác động đến văn hóa truyền thống của người Lô Lô Đen. Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều chính sách quan trọng đối với người Lô Lô. Hạ tầng cơ sở từng bước được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Đặc biệt là việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống luôn được chú trọng quan tâm, thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án như: Tổ chức hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc; tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô và Lễ mừng cơm mới; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, “Nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô Đen tỉnh Cao Bằng”; tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao năng lực bảo tồn trang phục truyền thống; tập huấn công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ làm công tác văn hóa và nghệ nhân, già làng, trưởng xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới tại tỉnh Cao Bằng…

Trong nhiều năm qua, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Lô Lô cũng là địa chỉ đã hình thành nên một diện mạo mới, trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong nước và quốc tế. “Bí quyết” mang lại sức sống mới được cộng đồng tại đây “tiết lộ” chính là phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa. Nếu như cuộc sống của người dân trong thôn từ năm 2011 trở về trước vô cùng khó khăn bởi thu nhập chỉ biết dựa vào nghề nông thì từ khi làm du lịch, đời sống được cải thiện rõ rệt, nhận thức được nâng cao. Các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ được Sở VHTTDL tỉnh tổ chức tại nhà văn hóa thôn, giúp nhân dân có cái nhìn mới và coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Điều đáng mừng là người dân ở đây ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của những giá trị văn hóa truyền thống trong việc thu hút du khách. Những nếp nhà cổ, món ẩm thực truyền thống cùng trang phục, điệu múa, lễ hội… đã tạo thành sức hút khó cưỡng đối với đông đảo du khách mỗi năm. Bởi vậy, người dân trong thôn luôn coi văn hóa là tài sản vô giá, là tiền đề để thu hút khách du lịch.

Nét đẹp văn hóa, ứng xử văn minh trong gia đình, dòng họ, khu dân cư: Những mô hình điểm trong tuyên truyền, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống - Anh 2

 Bảo tồn văn hóa truyền thống ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Xác định văn hóa truyền thống là “tài sản”

Hà Giang là một trong những địa phương trong nhiều năm qua đã đặc biệt chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn. Giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang. “Hà Giang là nơi hội tụ của 19 dân tộc, với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo cùng với nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh thắng nổi tiếng, được xem là “tài sản” vô giá để phát triển du lịch, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hải cho biết.

Theo đó, Hà Giang xác định mục tiêu đến năm 2025, thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, trước mắt quan tâm chỉ đạo thực hiện cho 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng gồm: 2 làng văn hóa dân tộc Mông, 4 làng văn hóa dân tộc Dao, 5 làng văn hóa dân tộc Tày, 2 làng văn hóa dân tộc Lô Lô, 1 làng văn hóa dân tộc Giáy, 1 làng văn hóa La Chí, 1 làng văn hóa Bố Y.

Bên cạnh đó, duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc, trong đó tổ chức quy mô cấp tỉnh gồm: Lễ hội Khèn Mông, lễ hội thêu dệt thổ cẩm, lễ hội văn hóa dân gian dân tộc Nùng, lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai, lễ hội Nhảy lửa…

Để thực hiện những mục tiêu này, Hà Giang xác định rõ nhiệm vụ bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể là giải pháp quan trọng. Theo đó, ưu tiên nghiên cứu bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Tiến hành bảo tồn các di sản ngay trong chính đời sống cộng đồng; đưa nội dung bảo tồn vào trong các hương ước, quy ước hoạt động của thôn bản để cộng đồng cùng cam kết thực hiện.

“Hà Giang cũng chú trọng tổ chức phục dựng, trình diễn, phổ biến di sản văn hóa truyền thống trong gia đình, cộng đồng. Quan tâm công tác truyền dạy, giáo dục cho thế hệ trẻ, nhân rộng mô hình đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Cùng đó, bảo tồn và lựa chọn một số lễ hội tiêu biểu tổ chức định kỳ hằng năm và xây dựng các đội văn nghệ truyền thống thôn, bản…”, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết.

Đáng chú ý, cách làm của Hà Giang có những điểm nhấn để nhiều địa phương có thể triển khai nhân rộng. Đó là, bảo tồn văn hóa phải gắn với bảo tồn kiến trúc truyền thống, xây dựng làng bản văn hóa, du lịch, gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và xây dựng nông thôn mới. Địa phương cũng đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở. 

HÀ NỘI: Lan tỏa các mô hình tốt về quy tắc ứng xử

 lõi tạo nên văn hóa người Tràng An, nhiều năm qua, Hà Nội rốt ráo triển khai, lan tỏa Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào thực tiễn. Thành phố cũng đang triển khai nhiều hướng đi mới nhằm phát huy hiệu quả của việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử, tạo ra nét văn hóa riêng cho người Hà Nội.

Trong quá trình triển khai Quy tắc ứng xử vào cuộc sống, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương sáng tạo ra các mô hình hay, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Các mô hình này được nhân lên ở phường, xã, thị trấn, khu dân cư, được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều cơ quan, đơn vị cũng tích cực tìm kiếm kinh nghiệm về những mô hình hiệu quả để nhân rộng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử được ngành văn hóa Hà Nội chú trọng, lấy con người, gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học là hạt nhân để tuyên truyền. Nhiều ý kiến đề xuất cần phải đổi mới hơn nữa hình thức tuyên truyền, có chế tài xử lý vi phạm. PHƯƠNG MAI

MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc