Họp mặt hội viên Chi hội VNDG khu vực phía Nam

VHO - Chiều 27.8, tại tỉnh Đồng Nai, Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Đồng Nai và Chi hội VNDG Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức họp mặt hội viên Hội VNDG đang sinh hoạt tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Tham dự có GS.TS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam và hội viên Chi hội VNDG các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ.

Họp mặt hội viên Chi hội VNDG khu vực phía Nam - Anh 1

GS.TS Lê Hồng Lý chia sẻ với các hội viên tại buổi họp mặt

Thông tin hoạt động của Chi hội VNDG Đồng Nai, ông Phan Đình Dũng, Chi hội phó Chi hội cho biết, thời gian qua, Chi hội luôn chủ động, linh hoạt trong các hoạt động, các hội viên tiếp tục nghiên cứu những đề tài khoa học hoặc cùng hỗ trợ, phối hợp thực hiện. Một số kết quả nổi bật như: Hội viên Huỳnh Văn Tới chủ biên Tập 8 Phong tục, tập quán cư dân Nam Bộ trong Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ; hội viên Nguyễn Thị Nguyệt chuẩn bị xuất bản giáo trình Văn hóa người Hoa đã được nghiệm thu 2021, đã đăng ký một đề tài hỗ trợ sáng tác của Trung ương Hội. Các thành viên còn lại tham gia những chuyên đề trong một số công trình nghiên cứu về Văn hóa dân gian ở địa phương, đơn vị; công bố một số bài viết ở hội thảo, tạp chí trong nước và quốc tế. Chi hội đã hỗ trợ Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện dự án bảo tồn, phát triển diễn xướng dân gian người Chơ Ro; phối hợp Ban Tôn giáo Dân tộc tỉnh tiếp tục thực hiện dự án xây dựng các làng văn hóa dân tộc ít người ở Đồng Nai.

Họp mặt hội viên Chi hội VNDG khu vực phía Nam - Anh 2

Giao lưu Đờn ca tài tử

Theo PGS.TS Lâm Nhân, Chi hội trưởng Chi hội VNDG tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, hiện Chi hội gồm 38 hội viên, do đặc thù là chi hội “liên cơ quan” với các hội viên ở các trường đại học, viện nghiên cứu nên các hội viên đã tham gia tích cực vào các hoạt động nghiên cứu khoa học với những vai trò khác nhau. Thời gian qua, các hội viên có nhiều công trình được xuất bản như: Tây Ninh đất và người (Nguyễn Thanh Lợi, trưởng ban biên soạn), Nghi lễ và biểu tượng trong nghi lễ (Nguyễn Ngọc Thơ), Văn hóa biển đảo Việt Nam, tập 7 (Lâm Nhân, đồng tác giả). 

Bên cạnh đó, các hội viên đã thực hiện nhiều công trình, đề tài như: Âm nhạc của người S’tiêng ở Bình Phước – Khảo cứu, bảo tồn và phát triển (2020-2022) (Nguyễn Thị Mỹ Liêm); Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ, tập 6 - Đờn ca Tài tử Nam Bộ, chủ biên (Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Mai Mỹ Duyên, Huỳnh Văn Khải), Tổng tập Văn hóa dân gian Nam Bộ, tập 6 - Nhạc lễ dân gian người Việt ở Nam Bộ, chủ biên (Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phan Nhứt Dũng); Lập hồ sơ “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam”, trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (Lâm Nhân); Kiểm kê và lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể Hội đua ghe Ngo của người Khmer tỉnh Sóc Trăng, Di sản văn hóa phi vật thể Nghề làm Tàu hủ ky ở Vĩnh Long, Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản tri thức và Kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở An Giang (Nguyễn Thái Hòa); Biến đổi tín ngưỡng Neakta của người Khmer Nam Bộ (nghiệm thu tháng 3.2022); Sự tham gia của cộng đồng tộc người vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2021-2022…

Dịp này, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tặng thưởng chúc mừng các hội viên đạt giải thưởng thời gian qua... Tại chương trình họp mặt, Liên chi hội Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và Đồng Nai cũng đã tổ chức giao lưu Đờn ca tài tử, do các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca Câu lạc bộ Long An và Câu lạc bộ Phương Nam Long Thành biểu diễn.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc