Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam tương xứng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ Ba 09/08/2022 | 10:30 GMT+7

VHO- Ngày 9.8, tại TP.HCM, Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức Hội thảo “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt chủ trì Hội thảo.  Tham dự còn có Tổng cục Du lịch Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia, các quản lý và các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo

Đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành Du lịch như trước đại dịch
Triển khai nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ VHTTDL triển khai lập Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với những quy định tại Luật Quy hoạch 2017, Bộ cũng đã giao cho Tổng cục Du lịch chủ trì triển khai thực hiện lập quy hoạch này. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang tiến hành xin ý kiến về các nội dung của dự thảo Quy hoạch. Một Hội thảo về nội dung này cũng đã được tổ chức tại Hà Nội. 
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến, trao đổi, thảo luận, đóng góp đối với những nội dung cơ bản của dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Những ý kiến này sẽ là căn cứ để đi tới thống nhất những định hướng và giải pháp cơ bản phát triển du lịch trong giai đoạn mới phù hợp với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Chiến lược phát triển ngành; làm cơ sở pháp lý để triển khai chỉ đạo, quản lý các hoạt động của ngành Du lịch trên phạm vi cả nước một cách có hiệu quả.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, trong thời gian qua, hệ thống quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương cũng không ngừng đổi mới và hoàn thiện,  hệ thống doanh nghiệp du lịch cũng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh; hệ thống điểm đến ngày càng mở rộng... đã tạo thành sức mạnh tổng lực. Bên cạnh đó, các quy hoạch phát triển du lịch, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật trên phạm vi cả nước đã tạo diện mạo mới cho đất nước và làm tiền đề cho du lịch Việt Nam phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, cũng trong quá trình phát triển, ngành Du lịch vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập; đối mặt với nhiều khó khăn và điểm nghẽn chưa có giải pháp thoả đáng. Mặc dù rất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng chúng ta chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, việc phát triển vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững.  

Các đại biểu tham dự Hội thảo

“Để nắm bắt cơ hội và vượt qua các khó khăn, ngành Du lịch Việt Nam cần thiết phải được định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn, lấy đó làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển của một giai đoạn mới. Đồng thời, làm cơ sở vững chắc cho các định hướng phát triển du lịch tại các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để các địa phương có “kim chỉ nam” cho việc hoạch định, quản lý du lịch trên địa bàn”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Nhiệm vụ này được tổ chức thực hiện với phương thức đấu thầu và đã chọn được Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia - Công ty Cổ phần Quy hoạch Hà Nội là liên danh tư vấn. 
Quy trình thực hiện diễn ra bài bản, cơ bản bám sát tiến độ, đảm bảo yêu cầu đề ra. Tổng cục Du lịch cùng liên danh tư vấn đã thực hiện khảo sát tại 7 vùng du lịch và 8 cuộc họp cả trực tiếp và trực tuyến với các địa phương và chuyên gia, nhằm thu thập các thông tin cần thiết cho việc xây dựng bản dự thảo Quy hoạch này.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, quy hoạch lần này có nhiều điểm mới, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng, có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Các mục tiêu trong chiến lược, quy hoạch cơ cấu lại ngành Du lịch Việt Nam cân đối lại những định hướng về không gian, định hướng và giải pháp phát triển. Song song với đó, đảm bảo xây dựng những hợp phân tích hợp các vùng, tiểu vùng du lịch, quy hoạch du lịch tỉnh, du lịch biển… 

Chuyên gia nước ngoài góp ý tại hội thảo

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Sỹ, đại diện liên danh tư vấn lập Quy hoạch đã trình bày tóm tắt nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, 6 quan điểm chính đã được đưa ra bao gồm: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát huy tiềm năng lợi thế quốc gia; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc; gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bền vững, sáng tạo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh trật tự. 
Mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành Du lịch như trước đại dịch Covid-19. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh du lịch trên toàn cầu. 
Đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể là đầu tư cho các địa điểm có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia, các vùng động lực du lịch. Dự kiến cho 64 địa điểm có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.
Phát triển một số thương hiệu du lịch nổi bật để định vị điểm đến Việt Nam theo hướng chất lượng cao, cạnh tranh với các thương hiệu điểm đến du lịch đã định hình trong khu vực. 
 3 kịch bản phát triển
Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản để phát triển, trong đó, kịch bản 2 tăng trưởng thuận lợi được xác định là phù hợp với bối cảnh hiện nay, đáp ứng kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn toàn có tính khả thi. Do vậy, được chọn là phương án Quy hoạch. 
Theo kịch bản này, trong điều kiện thế giới và trong nước diễn biến theo chiều hướng tích cực, du lịch phát triển trong điều kiện thuận lợi, ổn định thì đến năm 2025 Việt Nam sẽ đón 18 triệu lượt khách quốc tế (bằng chỉ tiêu năm 2019 nhưng chỉ đạt 51,4% so với Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030). Khách nội địa đạt 120 triệu, đạt mục tiêu của Chiến lược 2030 đã đề ra. Mặc dù theo kịch bản này một số chỉ tiêu du lịch chủ yếu chưa đạt được so với Chiến lược 2030 đã được phê duyệt nhưng sự đóng góp của ngành Du lịch trong cơ cấu kinh tế cả nước đã được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum góp ý cho quy hoạch

Kịch bản 1 là kịch bản tăng trưởng thấp, được xác định, tính toán trong điều kiện không thuận lợi, du lịch phải đối mặt với những bất cập, khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát, các chỉ tiêu tăng trưởng thấp. Kịch bản này chưa phù hợp với dự báo của UNWTO về khả năng phục hồi của du lịch thế giới cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 
Kịch bản 3 là kịch bản tăng trưởng cao, được xây dựng khi thế giới và Việt Nam có những điều kiện rất thuận lợi, tạo ra thời cơ và lợi thế, tận dụng lợi thế đó để tạo thành những bước đi đột phá. Mặc dù kịch bản này phù hợp với mục tiêu đề ra nhưng gần như không có tính khả thi, chỉ xây dựng để tham khảo vì để đạt được đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, đồng thời nhiều yếu tố ngoài tầm tác động của Việt Nam.
Quy hoạch cũng nêu các định hướng phát triển như: Thị trường, sản phẩm du lịch; định hướng phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phân vùng phát triển du lịch; đầu tư phát triển du lịch; tổ chức, phát triển hệ thống doanh nghiệp du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. 

Đại diện doanh nghiệp du lịch góp ý tại hội thảo

Quy hoạch đề ra 14 nhóm giải pháp về: cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý; quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; phối hợp liên ngành, liên địa phương; đầu tư; sản phẩm- thị trường; xúc tiến, quảng bá; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết hợp tác; ứng dụng khoa học công nghệ; bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch; khắc phục tính mùa vụ…
Tại buổi Hội thảo, rất nhiều ý kiến các chuyên gia du lịch, đại diện Sở quản lý du lịch trên cả nước đã làm rõ hơn hiện trạng, thực tế ở các địa phương, những thành tựu, hạn chế và tham góp về các vấn đề: Chính sách quản lý, phát triển du lịch; vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong phát triển du lịch; tiêu chí lựa chọn các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia; nâng cao hiệu quả, quy mô xúc tiến, quảng bá du lịch... Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ lại các quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch, đảm bảo tính khả thi, tương xứng với vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn; nghiên cứu, hoàn thiện các định hướng không gian, định vị hệ thống du lịch trên bình diện các vùng trên cả nước, làm cơ sở cho các địa phương phát triển trong giai đoạn tới; bổ sung, hoàn thiện các giải pháp thiết thực từ thực tế của các địa phương...

HOÀNG HẢI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top