Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nợ nước non: Đồng vọng của sự linh thiêng sông núi...

Thứ Tư 27/07/2022 | 10:26 GMT+7

VHO- Trong hai đêm 25 - 26.7, tại Nhà hát Thành phố, vở cải lương Nợ nước non đã chính thức ra mắt, phục vụ khán giả TP.HCM và người dân cả nước qua truyền hình trực tiếp. Không chỉ thành công là một vở kịch hát về đề tài lãnh tụ, Nợ nước non đã tiếp thu và phát triển được các yếu tố của nghệ thuật sân khấu hiện nay, vừa dân tộc vừa hiện đại.

Cuộc trò chuyện giữa Nguyễn Văn Ba và Út Tâm

 Nợ nước non được đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Tác giả cho biết, tên gọi Nợ nước non xuất phát từ lời bài ca mà bà Hoàng Thị Loan, mẹ của Bác Hồ vẫn thường hát ru cho các con nghe: “Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch, rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”. Đây là vở diễn đầu tiên trong ba vở diễn dựa trên bộ tiểu thuyết sử thi gồm ba tập mang tên Nước non vạn dặm, tái hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm tháng thiếu thời đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước.

Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ chủ đạo là cải lương với một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca Ví giặm xứ Nghệ Tĩnh, ca Huế, bài chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ, vở diễn không chỉ khắc họa sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành mà còn thể hiện hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan, cha Nguyễn Sinh Sắc cùng một số nhân vật có nhiều ảnh hưởng đến Bác trong không gian văn hóa của các vùng miền từ Bắc chí Nam. Từ đó, giúp người xem hiểu hơn về một vĩ nhân nhưng rất “đời”, rất người và luôn nặng tình non nước.

Nợ nước non là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Tác phẩm được sáng tạo với quan điểm dân tộc và đương đại, vừa bảo tồn được giá trị của nghệ thuật sân khấu Cải lương dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa của sân khấu đương đại thế giới. Tính đương đại được thể hiện qua bút pháp của tác giả, sự ngẫu biến trong sáng tạo của đạo diễn. Tác phẩm còn là sự hòa quyện giữa phương pháp sân khấu Tự sự phương Đông, Aristote phương Tây cùng quan điểm của sân khấu đương đại. Vở kịch hát không triển khai theo tuần tự thời gian cuộc đời và sự nghiệp của Bác, mà là sự nối tiếp nhau giữa thực tại và quá khứ; từ các hồi ức của Bác về gia đình, quê hương, đất nước được trỗi lên từ tâm khảm cũng như hoàn cảnh, phong thổ những vùng đất mà Bác đã đi qua.

Có lẽ điểm nổi bật nhất của vở kịch hát Nợ nước non chính là phần âm nhạc. Bên cạnh hệ thống bài bản Cải lương được bảo tồn nguyên vẹn làm chủ đạo thì phần nhạc nền cho vở diễn là âm nhạc Giao hưởng, bởi tư tưởng và sự nghiệp của Bác không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam mà mang tầm nhân loại. Bên cạnh đó, âm hưởng các vùng miền đất nước được vang lên theo dấu chân Bác, từ Ví giặm Nghệ Tĩnh; câu hò Huế; dân ca Bài Chòi; câu hò Nam Bộ cứ thế nối tiếp nhau như sự đồng vọng của linh thiêng sông núi cùng nỗi lòng của Bác với Tổ quốc, quê hương tạo nên những rung cảm thẩm mỹ…

 Cảnh mở đầu vở diễn, Nguyễn Tất Thành từ Bình Thuận vào TP.HCM

Để đảm bảo xây dựng thành công hệ thống hình tượng nhân vật, ê kíp cho biết đạo diễn và các nghệ sĩ đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng các tư liệu lịch sử về Bác và gia đình, quê hương của Người. Với quan điểm chân thực, xúc cảm, thẩm mỹ; áp dụng có sáng tạo phương pháp “Thể nghiệm tâm lý nhân vật” của Aristote, các hình tượng nhân vật đặc biệt là hình tượng của Bác đã được xây dựng một cách sinh động, vừa linh thiêng vừa gần gũi, làm trào dâng những đợt sóng cảm xúc của người xem khi tái hiện hình ảnh về Bác kính yêu cùng gia đình của Người.

Theo dõi vở diễn, khán giả được đến với nhiều phân cảnh đẹp và xúc động, như cảnh đêm trăng bên dòng Lam giang của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc và cô gái Hoàng Thị Loan; cảnh bé Nguyễn Sinh Cung chào đời trong vòng tay yêu thương của gia đình giữa mùa sen tháng Năm thơm ngát; cảnh ở kinh thành Huế, cậu bé Nguyễn Sinh Cung phải trải qua nỗi đau mất mẹ khi bố và anh đang ở xa; cảnh cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành đàm đạo thế sự; cảnh Nguyễn Tất Thành chia sẻ về chí lớn với ông chủ của Liên Thành Thương Quán Nguyễn Quý Anh; hay cảnh bến cảng Sài Gòn nơi Nguyễn Tất Thành - Văn Ba chia tay người bạn vong niên thời ở Huế trước chuyến đi xa vạn dặm… Sự đầu tư công phu cho những tạo hình thiết kế trên sân khấu kết hợp các hình ảnh được thay đổi linh hoạt trên màn hình lớn không chỉ tạo bối cảnh vừa sinh động, vừa hiện đại cho vở diễn mà còn góp phần đẩy mạch diễn lên cao, làm sâu sắc hơn những ý tưởng nghệ thuật cần chuyển tải.

Các diễn viên như NSƯT Mạnh Hùng (vai Nguyễn Sinh Sắc), Như Quỳnh (vai Hoàng Thị Loan), Minh Nguyệt (vai Út Tâm), Ngân Hà (vai Lê Thị Huệ), Đức Hảo (vai lão Đạt), Xuân Hùng (vai Lu-i E-du-a Mai-sen),… và đặc biệt là diễn viên nhí Anh Đức (vai Nguyễn Sinh Cung), đều đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng khán giả, nhiều trường đoạn và các lớp diễn đã thật sự gây xúc động. Nghệ sĩ Minh Hải trong vai Nguyễn Tất Thành là vai diễn “nặng ký” nhất, nhưng anh đã thể hiện xuất sắc thần thái, đó còn là những tâm sự, là nỗi trăn trở của người thanh niên trong lúc nước mất, nhà tan và quyết tâm chọn con đường ra đi tìm đường giải phóng dân tộc… Tuy nhiên có lẽ vai diễn lớn nên Minh Hải có phần căng thẳng, vài phân đoạn nam nghệ sĩ chưa thể hiện rõ tâm lý, gương mặt còn sự lo lắng. Được biết, vở diễn có sự phối hợp trình diễn của các diễn viên Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ và các nghệ sĩ múa TP.HCM.

Sau hai đêm diễn tại TP.HCM, Nợ nước non sẽ biểu diễn phục vụ công chúng tại Bình Phước (ngày 27.7), Long An (ngày 29.7) và Đồng Nai (ngày 30.7). 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top