Bảo tồn, phát huy giá trị di tích miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong

VHO- UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh Khánh Hòa tổ chức hội thảo “Trịnh Phong - Thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa”.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong - Anh 1

 Cổng vào miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (102 tuổi) cho biết, phong trào Cần Vương tổ chức khởi nghĩa chống Pháp xâm lược, dựng cờ “Bình Tây Đại tướng” từ năm 1885 đến tháng 5.1886. Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa khác với các nơi khác; thủ lĩnh là một tướng lĩnh của triều đình nhà Nguyễn; lực lượng nghĩa quân chủ yếu là người Phước Điền, Diên Khánh; vũ khí có súng thần công, súng hỏa mai, gươm giáo, chải ba, câu liêm. Vào giai đoạn cuối của phong trào, vì có kẻ chỉ điểm, quân Pháp bắt được Trịnh Phong ở Ninh Hòa, sau đó đưa về chém, bêu đầu ở gò Sông Cạn thuộc làng Phước Thạnh (huyện Diên Khánh nay), nhân dân qua lại đều thương cảm, kính phục người anh hùng.

“Việc hy sinh của Trịnh Phong cùng các chiến hữu của ông và nghĩa quân Cần Vương chứng minh hào khí của người dân Khánh Hòa luôn trung thành với Tổ quốc. Khi Tổ quốc gặp nạn thì luôn sẵn sàng đứng lên chiến đấu để bảo vệ, dù phải hy sinh cả mạng người”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, về xuất thân, dòng dõi, năm sinh, lý do được phong chức Đề đốc của Trịnh Phong cần nghiên cứu thêm, quan trọng là chúng ta cần đánh giá đúng vai trò thủ lĩnh phong trào Cần Vương của ông. Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu về Trịnh Phong; địa phương xem xét để có hình thức làm đền thờ, bia tưởng niệm, đặt tên địa danh, tên đường... Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay những thông tin liên quan đến cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đề đốc Trịnh Phong và phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ để chúng ta nhìn nhận, tôn vinh, giáo dục, bảo tồn phát huy những giá trị về Đề đốc Trịnh Phong xứng tầm hơn.

Tại vị trí ông Trịnh Phong bị bêu đầu chém, bêu đầu ở gò Sông Cạn (nơi có cây dầu đôi vẫn tồn tại đến ngày nay) người dân đã lập miếu thờ (thuộc đường 23/10 xã Diên An, huyện Diên Khánh) vào năm 1886. Trong đền thờ có nhiều sắc phong ghi lại công lao của ông trong phong trào “Cần Vương” khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp. Miếu thờ Trịnh Phong được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc