Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Luồng xanh” cho du lịch Việt Nam cất cánh: Chuyển đổi số là tất yếu!

Thứ Sáu 20/05/2022 | 09:15 GMT+7

VHO- Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược và các cơ quan quản lý nhà nước, điểm đến du lịch, doanh nghiệp du lịch đang liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng.

Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch Việt Nam cất cánh, Chuyên đề II: Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững, do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của VCCI và Tổng cục Du lịch nhằm tìm ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 Ngành du lịch đang chủ động ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để phát triển

Không có sự lựa chọn khác

Tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính “sóng thần” Covid lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: Chuyển đổi số hay là chết?”.

Theo ông Phòng, không chỉ doanh nghiệp, tại các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Điểm đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch, đồng thời du khách có thể gửi phản ánh chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý. Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nay nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh. Ngành Du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.

Khẳng định điều này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, “thời gian qua Tổng cục đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với một số nhóm nhiệm vụ chính. Trong đó có xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch; hỗ trợ phong trào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số…”.

Xây dựng một hệ thống về nền tảng số du lịch trên toàn quốc

Ông Nguyễn Quyết Tâm, Ủy ban Phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa cho rằng, “ngành Du lịch Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động số hóa trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, những hoạt động này còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn hơn”.

Theo ông Tâm, trong bối cảnh này, iTourism là giải pháp dành cho cấp Tổng cục Du lịch được thiết kế định hướng thành Trung tâm dữ liệu IOC về các hoạt động du lịch trên cả nước. Việc này sẽ giúp tăng cường sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch và doanh nghiệp du lịch trực thuộc; nâng cao chất lượng quản lý, đồng thời dễ dàng tổng hợp, báo cáo để đưa ra đánh giá, chiến lược phát triển ngành dựa trên nền tảng số, dữ liệu số với thời gian thực. Ông Nguyễn Lê Phúc chia sẻ, trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng cũng đã giao Bộ VHTTDL chủ trì với Bộ TT&TT xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí.

Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý nhà nước. Trong đó, những đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, còn những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết về nền tảng chung. Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT), kinh tế số du lịch là 1 trong 7 lĩnh vực trọng tâm của Phát triển kinh tế số và xã hội số nằm trong Chương trình thúc đẩy nền tảng số quốc gia. Chương trình này sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch theo thời gian thực. Trong đó, kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch hướng tới mục tiêu mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; tạo làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào du lịch; phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch.

Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, trong quá trình áp dụng công nghệ chuyển đổi số thì các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ rất trăn trở. Thực tế đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ từ Trung ương đến các Bộ, ngành, hiệp hội cũng như sự chuyển đổi từ các địa phương và chính từ các doanh nghiệp mới có thể theo kịp được. Ông Daika Ginz, Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hệ sinh thái Uniworld cho biết: Ngành Du lịch là ngành có thể tận dụng tối ưu sự ưu việt của những cơ sở hạ tầng Blockchain (công nghệ chuỗi- khối). Khi sử dụng cơ sở dữ liệu Blockchain, việc thay đổi thông tin trên cơ sở dữ liệu được xác minh dựa trên cơ chế đồng thuận của hệ thống, giúp tránh được sự xâm nhập của hackers, hạn chế rủi ro về sai lệch thông tin, đơn giản hóa quy trình và tối ưu chi phí quản trị vận hành”.

“Ngành Du lịch cần nâng cao hạ tầng công nghệ để đáp ứng cho phiên bản kế tiếp của internet - vũ trụ ảo (metaverse). Sự hiện diện trong vũ trụ ảo sẽ là bước tiến đột phá, đón đầu xu thế nhân loại. Quá trình thực hiện đòi hỏi ngành Du lịch cần nghiêm túc, quyết liệt và tính toán kỹ lưỡng trong việc đầu tư nguồn lực và đổi mới hạ tầng. Chúng ta đang ở trong thời kỳ chuyển mình của nền công nghệ nhân loại. Định hướng chuẩn, thái độ đúng và tư duy tích cực sẽ giúp chúng ta trở thành những người tiên phong”, ông Daika Ginz nói. 

 Ngành Du lịch Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động số hóa trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, những hoạt động này còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn hơn.

(Ông NGUYỄN QUYẾT TÂM, Ủy ban Phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa)

 

 Doanh nghiệp du lịch Việt chuyển đổi số trong kinh doanh

Mạng xã hội chuyên về du lịch- Hahalolo tích hợp nhiều dịch vụ du lịch trực tuyến vừa phối hợp với Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đang gặp vấn đề về chuyển đổi số. Khi du lịch dần trở lại bình thường, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc thiếu nhân lực, thiếu kinh phí truyền thông, khó tìm kiếm và tiếp cận khách hàng… Ngay tại Hội nghị, các doanh nghiệp trên toàn quốc đã trao đổi nhiều nội dung xoay quanh vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để phát triển du lịch.

Hahalolo đã trực tiếp hỗ trợ các công ty du lịch cả lâu năm và khởi nghiệp tạo trang kinh doanh và xác minh trên hệ thống của Hahalolo; hỗ trợ doanh nghiệp đăng bán chương trình, giá cả tour (miễn phí) với đội ngũ nhân lực chăm sóc khách hàng hỗ trợ 24/7… Nền tảng kinh doanh trực tuyến du lịch này của người Việt cũng phối hợp với các công ty lên kế hoạch quảng bá thương hiệu, truyền thông rộng rãi để tiếp cận thêm nhiều nguồn khách hàng, kết nối dịch vụ để từ nhà sản xuất đến thẳng người tiêu dùng.

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top