Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Hồi sinh” văn chương xưa trong diện mạo mới

Thứ Sáu 20/05/2022 | 09:04 GMT+7

VHO- Nhiều tác phẩm văn học kinh điển tưởng chừng đã bị quên lãng qua thời gian, nhưng gần đây được nhiều đơn vị xuất bản quan tâm giới thiệu trở lại. Ngoài giá trị văn chương đã được khẳng định, các ấn phẩm còn mang giá trị mỹ thuật với sự góp mặt của nhiều tác phẩm hội họa. Điều này cũng làm nên sức hút, trải nghiệm mới cho độc giả hiện đại.

 Tác phẩm “Lĩnh Nam chích quái” được làm mới với minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long

 Cuộc gặp gỡ của văn chương và mỹ thuật

Vừa qua, NXB Kim Đồng ra mắt hai tác phẩm artbook là bộ đôi tác phẩm nổi bật trong kho tàng văn học trung đại và cận đại Việt Nam: Truyền kỳ mạn lục Nam Hải dị nhân liệt truyện. Trong đó, Nam Hải dị nhân liệt truyện của Phan Kế Bính tập hợp những câu chuyện kể về những “dị nhân” nước Nam, những người mà tên tuổi của họ gắn liền với điều khác thường (có hình dáng bất thường, có tài lạ, có sự tích huyền bí, kỳ quái...); Truyền kỳ mạn lục (Ghi chép tản mạn những truyện lạ) là tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ, gồm 20 truyện, được viết theo thể loại truyền kỳ, cốt truyện chủ yếu lấy từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, sau đó biến tấu theo phong cách cá nhân của tác giả.

Yếu tố “kì” và “thực” của hai tác phẩm đã khơi nguồn cảm hứng cho họa sĩ Nguyễn Công Hoan và họa sĩ Tạ Huy Long sáng tạo nên phiên bản minh họa của Truyền kỳ mạn lục Nam Hải dị nhân liệt truyện, với gần 400 tranh minh họa được vẽ tay hoàn toàn. Bản minh họa Truyền kỳ mạn lục của họa sĩ Nguyễn Công Hoan mang đến những bức tranh giàu sức gợi, với gam màu và hình khối đầy mỹ cảm. Còn trong Nam Hải dị nhân liệt truyện, họa sĩ Tạ Huy Long dẫn dắt người đọc đắm chìm trong dòng chảy mỹ thuật cổ Việt Nam - phong cách sở trường làm nên tên tuổi của anh, nhưng vẫn mang đậm hơi thở hiện đại. Sự kết hợp chặt chẽ giữa tranh minh họa và lời văn, bài thơ, ca, từ, biền văn, sẽ khơi mạch nguồn mới cho hồn sách cổ, giúp độc giả thưởng thức trọn vẹn giá trị nghệ thuật và tư tưởng của Nguyễn Dữ và Phan Kế Bính trong hai tác phẩm.

Trước đó, NXB Kim Đồng đã đưa tới độc giả ấn bản mới Lĩnh Nam chích quái với phiên bản minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long; tiểu thuyết Số đỏ của “ông vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng được Công ty Sách Đông A và NXB Văn học ấn hành, theo bản in của NXB Lê Cường năm 1938 và gồm nhiều hình minh họa của họa sĩ Thành Phong, phần nào chuyển tải được tinh thần trào phúng, châm biếm, giễu nhại của tác phẩm, thể hiện với cách nhìn hiện đại; tiểu thuyết dã sử Tiêu Sơn tráng sĩ của nhà văn Khái Hưng, đăng tải dài kỳ trên tuần báo Phong hóa từ năm 1934 đến năm 1936, xuất bản thành sách năm 1937, được Nhã Nam in lại trong bộ Việt Nam danh tác cùng bộ tranh minh họa của họa sĩ Trần Bình Lộc...

Tạo sức hút cho sách cổ

Có thể thấy, trong xu hướng xuất bản lại tác phẩm kinh điển, giới làm sách gần đây đã tìm tòi, phát hành những tác phẩm giá trị vắng bóng trên thị trường trong khoảng thời gian nhất định. Nhưng nếu chỉ in lại theo bản thảo cũ thì có lẽ các tác phẩm văn chương xưa sẽ ít thu hút được độc giả đương đại. Bởi vậy, nhiều tác phẩm đã được “hồi sinh” và tái bản trong diện mạo mới. Về nội dung, các đơn vị xuất bản vẫn giữ nguyên bản thảo gốc nhưng có thêm chú giải, lời giới thiệu để bạn đọc của ngày hôm nay dễ dàng tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, việc xuất bản những danh tác xưa với sự đầu tư về mặt trình bày, minh họa, có sự tham gia của các họa sĩ đương đại nổi tiếng sẽ tạo nét độc đáo cho các xuất bản phẩm.

Văn chương được viết từ hàng chục, hàng trăm năm trước vốn có khoảng cách với bạn đọc hôm nay. Qua góc nhìn hội họa, tác phẩm trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp cận độc giả hơn. Đã từng minh họa cho nhiều tác phẩm văn học, họa sĩ Kim Duẩn chia sẻ: “Khi xuất bản lại, tác phẩm đã có độ lùi thời gian, nếu được minh họa của tranh do họa sĩ đương đại vẽ, thể hiện nhìn nhận của thế hệ mới, sẽ tạo thêm điểm thú vị. Ngoài kênh chữ, độc giả còn tiếp cận kênh hình được nhìn bằng con mắt của người hiện đại. Tuy nhiên, khi vẽ minh họa một tác phẩm văn chương đã quá nổi tiếng, lại từ một giai đoạn đã xa, họa sĩ cũng có một số thách thức, phải vượt qua khoảng cách về văn hóa và lịch sử, để lột tả được tinh thần nhà văn gửi gắm...”.

Là đơn vị chú trọng xuất bản lại một số tác phẩm văn học có giá trị trong thời gian gần đây, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng cho biết: “Trong kho tàng văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm có giá trị, nếu có sự tìm tòi, đưa tới diện mạo mới, chắc chắn các cuốn sách thể hiện nét đẹp văn chương, đời sống tinh thần phong phú của dân tộc ta sẽ được độc giả đón nhận. Sắp tới đây, NXB Kim Đồng sẽ tiếp tục mang tác phẩm xưa tới độc giả hôm nay với minh họa của nhiều họa sĩ đương đại”.

Việc in lại các ấn phẩm cũ khẳng định sức sống bền bỉ của văn học nước nhà, giúp thế hệ trẻ biết đến văn chương giá trị, có dấu ấn. Nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm nhận định: “Trong quá trình bước ra thế giới, nhằm khẳng định bản sắc, giới trẻ cần tìm lại văn hóa, lịch sử nước nhà để hiểu truyền thống. Và một trong những cách thức để tìm về quá khứ là qua những tác phẩm xưa, ở đó thể hiện đời sống vật chất, tinh thần đa dạng của cha ông”. Đánh giá cao việc xuất bản các tác phẩm văn học xưa trong hình thức mới, TS Vũ Đức Liêm cho rằng, đây là cách tiếp cận hiện đại, không chỉ có thông tin mà còn có những bức vẽ, không chỉ truyền tải giá trị của quá khứ, mà còn đưa câu chuyện mang âm hưởng của thời đại, giúp kết nối được với thế hệ trẻ Việt Nam. 

 TRUNG NGHĨA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top