Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cửa đã mở, nhưng quảng bá chưa tới tầm

Thứ Tư 18/05/2022 | 10:30 GMT+7

VHO- “Cửa” đã “mở hết nấc” nhưng lời mời chào chưa thực sự hấp dẫn, chưa được chuyên nghiệp để khách hiểu hơn về du lịch Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp đang phải tự quảng bá và thông qua đối tác để xúc tiến điểm đến…

 Chính sách mở cửa của Việt Nam cần được quảng bá rộng rãi tới du khách quốc tế

 Đòi hỏi cấp bách lúc này là phải có chiến dịch quảng bá thật bài bản, chuyên nghiệp, dài hơi, đầu tư xứng tầm để nâng cao lợi thế cạnh tranh và khôi phục phát triển.

Kịch bản nào để đón 5 triệu khách quốc tế?

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, tính chung 4 tháng đầu năm chúng ta đã đón 102.358 lượt khách du lịch quốc tế. Để đạt được mục tiêu năm 2022 là đón trên 5 triệu lượt khách nước ngoài, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đặt giả định tỷ lệ phục hồi tăng dần qua các tháng và ước tính sao cho đến tháng 12.2022, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu như dự kiến. Cụ thể, số lượt khách tới qua các tháng từ tháng 3 đến tháng 12 lần lượt như sau: 40.000 - 160.000 - 200.000 - 335.000 - 465.000 - 645.000 - 695.000 - 760.000 - 835.000 - 865.000 lượt.

Có thể thấy, kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam từ ngày 15.3 là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành, tuy nhiên, chúng ta mới đạt được 50% con số ước tính. Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ quan là do các sự kiện truyền thông và xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được đẩy mạnh. Hiện nay, việc truyền thông và cung cấp thông tin cho đối tác quốc tế chủ yếu là các doanh nghiệp tự thực hiện. Trang web www.vietnam.travel được xem là trang chính thức sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để giới thiệu về du lịch Việt Nam có lượng khách truy cập trang luôn luôn đạt mức trên 80% kể từ khi được thiết lập; tuy nhiên, nếu so sánh các chỉ số phân tích trang web với các quốc gia cạnh tranh thì Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Theo các chuyên gia, để truyền thông du lịch Việt Nam ra thế giới hiệu quả, các nội dung quan trọng cần được làm nổi bật, ngắn gọn và trực quan. Trong khi phần lớn các nước cung cấp thông tin đồ họa cho du khách (vì thông tin cần cô đọng, dễ hiểu và có hình ảnh minh họa dễ nhớ, phân chia theo từng bước thực hiện) thì trang www.vietnam.travel của chúng ta lại chưa có thông tin đồ họa tương tự để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách quốc tế; nội dung hình ảnh về điều kiện nhập cảnh không ở trang chủ mà ở các trang sau (trang “Plan your trip” và “Visa requirements”).

Nhìn sang Thái Lan, trang web du lịch của quốc gia này đăng ngay trên đầu trang chủ tuyên bố dỡ bỏ quy định yêu cầu khách quốc tế phải xét nghiệm khi nhập cảnh. Trong khi đó, trang tiếng Nhật của www. vietnam.travel hình ảnh rất đẹp, clip rất hấp dẫn, nội dung về điểm đến, về dịch vụ rất phong phú khiến khách nhìn vào chỉ muốn đến Việt Nam ngay nhưng lại hiện diện một số thông tin về chính sách visa, nhập cảnh, mở cửa, phòng chống dịch cũ. Chính những thông tin lỗi thời này sẽ hạn chế khách du lịch Nhật đến Việt Nam. Trên thực tế, từ 0h ngày 15.5, Việt Nam “mở khoá” cuối cùng, tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh.

Quảng bá, xúc tiến phải trúng và đúng

Ngoài ra, thông tin cập nhật tình hình du lịch Việt Nam còn thiếu ở các trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới. Mặt khác, trên các trang web này thường rất khó tìm thấy thông điệp rõ ràng về việc Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế. Nếu các thông tin trên được khái quát bằng đồ họa thì khách nước ngoài, và có lẽ kể cả người Việt, cũng sẽ thấy dễ hiểu hơn. Đặc biệt, chúng ta cần nhiều bài viết thuyết phục khách và cập nhật thường xuyên trên các trang mạng xã hội, đồng thời khai thác yếu tố ảnh hưởng tới công chúng từ những người nổi tiếng.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, để tăng hiệu quả quảng bá du lịch tới du khách nước ngoài, thông qua các sự kiện quảng bá du lịch, Việt Nam cần phổ biến rộng rãi hơn nữa chính sách mở cửa. Bên cạnh đó, để đảm bảo phát triển bền vững, Chính phủ đã xác định cần phải đa dạng hóa các thị trường nguồn và đầu tư vào các chiến dịch tiếp thị. Đây là một thách thức đối với việc tìm kiếm thị trường nguồn gửi khách thay thế các thị trường bị mất hoặc các thị trường đang tạm dừng do chiến tranh, dịch bệnh…

Các doanh nghiệp đang rất trông chờ vào hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch với mong muốn quảng bá xúc tiến du lịch được đầu tư nhiều hơn và cho rằng, truyền thông quốc tế, tiếp thị du lịch về điểm đến Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa khi mùa khách quốc tế đang tới gần. Trong đó, cần tiếp tục tổ chức các chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế tại các thị trường trọng điểm, như tổ chức các Roadshows, Sales Calls, tham dự hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức các sự kiện Việt Nam (Vietnam Days) ở nước ngoài như trước đây đã từng làm rất tốt.

Thúc đẩy việc mở lại và vận hành các văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Trước mắt, Tổng cục Du lịch và TAB phối hợp để thí điểm mở lại Văn phòng xúc tiến du lịch ở Anh, chuẩn bị cho việc mở Văn phòng ở Úc; kết hợp với các hãng hàng không xây dựng các chương trình tiếp thị chung, các sự kiện xúc tiến đường bay tới thị trường trọng điểm; mời đại diện các công ty lữ hành lớn, báo chí, người có tầm ảnh hưởng của từng thị trường trọng điểm đến Việt Nam khảo sát và viết bài quảng bá điểm đến của Việt Nam; tổ chức các chiến dịch truyền thông quốc tế, tăng cường hoạt động e-marketing. Tổng cục Du lịch cần có một nhóm chuyên nghiệp để sẵn sàng cập nhật, trả lời và tương tác với khách quốc tế qua mạng xã hội của Tổng cục Du lịch (Facebook, Instagram, Twitter) hoặc đường dây nóng (email, hotline) cung cấp trên trang web www.vietnam. travel. Đồng thời, xây dựng kế hoạch truyền thông kỹ lưỡng để đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều hiểu rõ về chiến dịch mở cửa du lịch của chúng ta, và quan trọng nhất là xây dựng chiến lược marketing và bộ thương hiệu mới cho du lịch Việt Nam. 

  Trang tiếng Nhật của www.vietnam.travel hình ảnh rất đẹp, clip rất hấp dẫn, nội dung về điểm đến, về dịch vụ rất phong phú khiến khách nhìn vào chỉ muốn đến Việt Nam ngay nhưng lại hiện diện một số thông tin về chính sách visa, nhập cảnh, mở cửa, phòng chống dịch cũ. Chính những thông tin lỗi thời này sẽ hạn chế khách du lịch Nhật đến Việt Nam.

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top