Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Dấu ấn Người trên khắp năm châu

Thứ Tư 11/05/2022 | 10:54 GMT+7

VHO- Hai trăm bức ảnh tư liệu đặc biệt giá trị về những di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới đang được trưng bày tại cuộc triển lãm cùng tên, diễn ra tại di tích Đường Xoài, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

 Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình

 Mỗi một di tích, nơi Bác từng sống, từng đi qua, cho đến nay vẫn còn lưu lại dấu chân và hơi ấm của Người.

Những di tích lưu dấu chân Người

Ông Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc phụ trách Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, triển lãm “Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỷ niệm 35 năm UNESCO tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất (1987-2022) và thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Hai trăm ảnh tư liệu được trưng bày trong một không gian đặc biệt của Khu Di tích, nơi gắn với 15 năm cuối trong cuộc đời của Bác, mang đến cho người xem thật nhiều xúc cảm. Trưng bày gồm 2 phần: Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam; Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới. Ông Đỗ Hoàng Linh nhấn mạnh, hiếm có một vĩ nhân ở thời đại chúng ta ngay từ khi sinh thời cũng như sau khi qua đời mà tên tuổi và sự nghiệp lại được cả thế giới biết đến, đánh giá cao và ca ngợi bằng những ngôn từ đẹp đẽ và cao quý nhất như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Với cả cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang, tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi nhớ, tôn vinh tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới như một trong những nhân vật đã để lại dấu ấn sâu sắc trong thế kỷ XX, với những cống hiến trọn đời cho lý tưởng nhân đạo, tự do, dân chủ, công bằng xã hội…”. Cho tới nay, Việt Nam có khoảng 700 di tích, 30 tượng đài, quảng trường và hơn 100 công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các địa phương trong cả nước, hằng năm những di tích này đón tiếp hàng chục vạn khách đến tham quan, tưởng niệm. Đặc biệt, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch từ năm 1969 đến nay đã đón 73 triệu lượt khách trong nước và 12 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, học tập.

Trên thế giới có 35 công trình, tượng đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nơi tổ chức các sự kiện văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những địa điểm ở các nước mà Người từng sống, học tập, làm việc hoặc đến thăm được đặt bia, khắc tượng đồng tưởng niệm. Nhiều quốc gia đã đặt tên công viên, trường học, đường phố, quảng trường, nhà máy, đội sản xuất, CLB, vườn trẻ mang tên Người. Các học giả, nhà văn, nhà báo, đạo diễn nước ngoài đã có hơn 40 đầu sách giới thiệu về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyển tập Hồ Chí Minh, Di chúc, tập thơ Nhật ký trong tù, xây dựng các bộ phim tư liệu, sáng tác thơ, bài hát, phát hành mẫu tem chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức ở Việt Nam và các nước.

Đặc biệt, một số thư viện quốc gia, trường đại học quốc tế còn sáng tạo các hình thức xây dựng Không gian Hồ Chí Minh để trưng bày hình ảnh, ấn phẩm về cuộc đời, sự nghiệp của Người; tổ chức các đêm thơ, đêm nhạc giới thiệu về Việt Nam - Hồ Chí Minh vào các dịp kỷ niệm sinh nhật Người…

 Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại Công viên Hồ Chí Minh (quận Cerro Navia, Thủ đô Santiago, Chile)

Người vẫn còn sống mãi

Khách tham quan triển lãm có cơ hội được theo dấu chân Bác, tìm về những địa danh lịch sử, đơn sơ, gần gũi và vẫn luôn lưu giữ hơi ấm của Người. Những hình ảnh mang đến nhiều cảm xúc ấy được tái hiện một cách giản dị, thân thương.

Người xem cũng một lần nữa như được nhìn thấy hình bóng của Người tại những điểm di tích vô cùng quan trọng, như ngôi nhà quê ngoại, nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; ngôi nhà quê nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống cùng gia đình ở làng Sen, xã Kim Liên; ngôi nhà số 112 Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh sống từ năm 1895-1901; nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ ngày 26.8.1945 đến 2.9.1945; ngôi nhà ở xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc năm 1947; nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Xuyên Dương, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, từ ngày 19.12.1946 đến 13.1.1947; Đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là địa điểm đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở, làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ 20.5.1947 đến 11.10.1947; Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tỉn Keo, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi ở và làm việc của Người từ năm 1951-1953; Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Bác đã sống 15 năm cuối của cuộc đời…

Tại phần trưng bày di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới, nhiều hình ảnh về các địa điểm di tích gắn với Bác Hồ được giới thiệu như: Biển tên được gắn tại tòa nhà xây trên nền khách sạn Carlton cũ, Vương quốc Anh, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thuê kiếm sống và hoạt động giai đoạn 1914-1917; Nhà số 6 phố Villa Des Gobelins, quận 13, Paris, Pháp, trụ sở của Hội những người Việt Nam yêu nước, nơi Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động từ tháng 7.1919 đến tháng 7.1921; Trụ sở Quốc tế cộng sản trong những năm 1923-1924 tại nhà số 1, phố Vozdvizhenka, Moskva, Liên bang Nga; Nhà Hợp tác tại Nakhon Phanom, Thái Lan, một trong những địa điểm Nguyễn Ái Quốc đã ở và vận động phong trào yêu nước của kiều bào Việt Nam ở Thái Lan, những năm 1928- 1929; Bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bờ sông Singapore, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến vào năm 1933; Nhà số 13, phố Tverskaya - Yamskaia, Moskva - khu tập thể của học viên Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, nơi Nguyễn Ái Quốc đã ở và học tập trong những năm 1936-1938…

 Các đại biểu tham quan triển lãm

Ông Đỗ Hoàng Linh chia sẻ, qua cuộc triển lãm, Khu di tích mong muốn góp phần giới thiệu thêm về hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế với Người. “Qua những hoạt động sôi nổi trong nước và quốc tế đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra, có thể thấy rõ ràng rằng, Hồ Chí Minh là một con người của truyền thuyết và của mọi thời đại. Một nhân vật như vẫn đang sống cùng chúng ta ngày nay. Hồ Chí Minh không phải là ký ức của quá khứ. Sự vĩnh hằng trong tư tưởng Hồ Chí Minh làm cho Người trở thành bất tử...”, ông Đỗ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Triển lãm “Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới” khẳng định công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đồng thời, triển lãm thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân Việt Nam và tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân thế giới đối với Người.

Triển lãm mở cửa từ ngày 9.5 đến hết ngày 30.10.2022. 

 Qua những hoạt động sôi nổi trong nước và quốc tế đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra, có thể thấy rõ ràng rằng, Hồ Chí Minh là một con người của truyền thuyết và của mọi thời đại. Một nhân vật như vẫn đang sống cùng chúng ta ngày nay.

Hồ Chí Minh không phải là ký ức của quá khứ. Sự vĩnh hằng trong tư tưởng Hồ Chí Minh làm cho Người trở thành bất tử...

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top