Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lưu giữ “kho báu” di sản âm nhạc Việt

Thứ Hai 25/04/2022 | 09:53 GMT+7

VHO- Thời gian gần đây, không ít cuốn sách về cuộc đời sáng tác và tác phẩm của các nhạc sĩ có dấu ấn sâu đậm trong lịch sử âm nhạc đã được ra mắt độc giả, giúp công chúng hiểu hơn về giá trị nghệ thuật âm nhạc, cũng như lưu giữ, quảng bá “kho báu” di sản âm nhạc của đất nước.

Nhiều cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của các nhạc sĩ Việt Nam đã được ra mắt công chúng Ảnh: ITN

Sống động và hấp dẫn câu chuyện lịch sử âm nhạc

Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ Nhất, NXB Kim Đồng vừa ra mắt cuốn sách Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau do TS Lê Y Linh, con gái nhạc sĩ chấp bút. Với cuốn sách này, tác giả đã giúp độc giả hiểu hơn về một nhạc sĩ Hoàng Vân trong đời sống và trong nghệ thuật. Công chúng sẽ được biết đến Hoàng Vân một cách đầy đủ, ngoài mảng ca khúc rất nổi tiếng là những tác phẩm khí nhạc, giao hưởng… Không chỉ kể câu chuyện lịch sử âm nhạc sống động và hấp dẫn, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân được đặt trong dòng chảy của lịch sử âm nhạc Việt Nam với các nhạc sĩ cùng thời.

Lần ngược lại thời gian để kể tìm lại các tác phẩm, tài liệu, ký ức của người thân, bạn bè, đồng nghiệp... của nhạc sĩ Hoàng Vân, TS Lê Y Linh đã phân tích và tổng kết các nguồn, đối chiếu thông tin, xác minh chéo, phân loại, sắp xếp bản viết, bản in, bản thu, truy tìm những tài liệu, nhạc phổ, bản thu còn thiếu. “Quá trình này có thuận lợi là nhiều người yêu quý nhạc sĩ Hoàng Vân và âm nhạc của ông, có nhiều người cùng thời còn đang sống và cung cấp cho gia đình tôi nhiều tư liệu. Tuy nhiên, khó khăn là công tác lưu trữ còn chưa được chú ý, nhất là lưu trữ nhạc, vì nhạc sĩ sáng tác xong sẽ đưa cho người biểu diễn, thu nhạc, có khi bản nhạc không còn. Có những bài hát chỉ có bản thu, tôi hát lại để em tôi là nhạc trưởng Lê Phi Phi phụ trách việc ghi thành nhạc phổ, hiệu đính, chỉnh sửa để bổ sung hoàn thiện kho tư liệu...”, TS Y Linh cho biết.

Sau 3 năm, chị và gia đình đã thống kê được hơn 700 tác phẩm, ước tính đã tập hợp được khoảng 70 - 80% số lượng tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân để lại. Hiện các tư liệu này đang dần dần được đưa lên trang web (hoangvan. org) - bảo tàng số của nhạc sĩ, để bảo quản và vẫn tiếp tục được bổ sung đều đặn.

Nhạc sĩ, nhà báo Tiến Mạnh đánh giá: “TS Y Linh đã tập hợp rất nhiều nguồn thông tin, tư liệu, báo chí, luận văn, các công trình nghiên cứu âm nhạc về nhạc sĩ Hoàng Vân. Bằng sự sắp xếp theo hệ thống một cách khoa học về tiến trình thời gian và lịch sử, phân tích kỹ lưỡng, đồng thời lưu giữ lại những dòng cảm nhận của các nhạc sĩ, nghệ sĩ về nhạc sĩ Hoàng Vân để hoàn thành cuốn sách. Khi đọc cuốn sách này, độc giả có thể thấy rõ được những giá trị quý báu mà tác giả của nó đã dày công sưu tập: Giá trị về mặt tư liệu, giá trị về bồi dưỡng thẩm mỹ âm nhạc, giá trị về giáo dục và đào tạo âm nhạc”.

 Ra mắt sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau”

Kho di sản âm nhạc Việt

Mới đây, NXB Kim Đồng cho ra mắt tập hồi ký, di cảo của nhạc sĩ Phong Nhã Đời tôi sóng nhạc bay lên. Cuốn sách được biên soạn tổng hợp lại từ các bản di cảo đánh máy, viết tay, bản photo, tư liệu gia đình và cả văn bản do người thân chép lại theo lời kể của tác giả khi còn sống. Không chỉ là hồi ký với ăm ắp kỷ niệm ân tình, bằng lời kể giản dị, Đời tôi sóng nhạc bay lên còn là những trang viết chân thật có thể bổ sung cho cuốn Biên niên sử của Đội Thiếu niên Tiền phong, của một người viết sử Đội bằng những khúc ca yêu quê hương và lớn lên cùng đất nước.

Trước đó, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 91 của nhạc sĩ Phạm Tuyên, NXB Hội Nhà văn ra mắt cuốn sách Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Tuyển tập 100 bài hát. Tác phẩm ghi dấu bề dày quá trình sáng tác suốt 55 năm, từ ca khúc Đường về trại, viết năm 1950 cho đến bài cuối Ngọn lửa Thùy Trâm năm 2005. Song hành cùng 100 ca khúc là những bài viết của PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, giúp độc giả có thêm thông tin, đến gần hơn những bài hát đi cùng năm tháng. NXB Văn học cũng đã cho ra mắt bộ sách 7 cuốn của tác giả Nguyễn Thụy Kha, khắc họa chân dung những tài danh âm nhạc Việt Nam, bao gồm các nhạc sĩ nổi tiếng như: Văn Cao, Hoàng Việt, Nguyễn Thiện Đạo, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Nguyễn Xuân Khoát...

Nhạc sĩ, nhà báo Tiến Mạnh cho rằng: Những cuốn sách như vậy là kho tài liệu quý giá, giúp cho những người nghiên cứu âm nhạc biết nhiều thông tin về thân thế, sự nghiệp cũng như tác phẩm của nhạc sĩ, biết thêm về hoàn cảnh ra đời, mạch nguồn cảm xúc khi viết tác phẩm, giúp các ca sĩ có thể hiểu và thể hiện các tác phẩm tốt hơn...

Thấy rằng các cuốn sách như vậy giúp người đọc hiểu hơn về giá trị nghệ thuật âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung nhận định, có thể thời nay quan niệm về mỹ học, thẩm mỹ âm nhạc đã khác, và những cuốn sách như vậy làm người đọc, nhất là lớp trẻ hiểu thêm về giá trị cũ. Quan trọng nữa là sách mang tính giáo dục, cho thế hệ sau thấy những nghệ sĩ, nhạc sĩ tài năng trước đây đã lao động nghệ thuật ra sao. “Cần có chiến lược để tiếp nối di sản như vậy, bởi còn rất nhiều nhạc sĩ có gia tài đồ sộ, là di sản âm nhạc cách mạng và âm nhạc Việt Nam. Nhưng không phải nhạc sĩ nào cũng được tập hợp tư liệu, viết thành những cuốn sách. Do đó, ngoài nỗ lực từ giới xuất bản và gia đình nghệ sĩ, cần có chiến lược rộng hơn để lưu giữ giá trị di sản âm nhạc Việt Nam, tránh tình trạng “đứt gãy” giữa thế hệ trẻ và giá trị xưa, nhiều di sản sẽ bị lãng quên, thậm chí biến mất khi không còn được lưu trữ”, nhạc sĩ Quốc Trung nói. 

THANH ĐÀO

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top