Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Mở rộng thị trường sách Việt: Tìm kiếm cơ hội xuất ngoại

Thứ Sáu 22/04/2022 | 10:43 GMT+7

VHO- Hành trình đưa sách Việt ra thế giới ngày càng khởi sắc khi có nhiều tác phẩm “made in Vietnam” được mua bản quyền và xuất bản ngoài biên giới. Để con đường này ngày càng rộng mở, rất cần những chiến lược lâu dài, đặc biệt là sự quan tâm, ủng hộ, đầu tư của nhà nước, chính quyền và các cơ quan chức năng.

 “Chang hoang dã - Gấu” đã được nhượng quyền xuất bản ở 5 nước Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ

Con đường “xuất ngoại” sách đầy triển vọng

Xuất bản sách Việt tại các nước trên thế giới hiện là một thị trường mở, trống, thiếu hụt nhiều sản phẩm. Từ kinh nghiệm trong nhiều lần tham dự các Hội chợ sách quốc tế, từ Bắc Kinh (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia đến Frankfurt (Đức)… ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn (Saigon Books) nhận định, vẫn còn thưa vắng sự hiện diện của sách Việt trên các kệ sách ở nước ngoài, bao gồm cả sách Việt nguyên bản và sách Việt bán bản quyền được dịch ra các ngôn ngữ khác. “Đây là một thực tại đáng buồn, khiến cho những người làm sách tâm huyết như chúng tôi không khỏi suy nghĩ và trăn trở. Làm thế nào để đưa được sách Việt ra thế giới luôn là một trong những suy nghĩ, mong mỏi của tôi và đội ngũ Saigonbooks, Chibooks, Zenbooks”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nói.

Từ những trăn trở đó, gần đây hành trình mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội đưa sách Việt “xuất ngoại” đã được tự thân tác giả, các NXB cũng như các đơn vị phát hành sách quan tâm và đẩy mạnh. Xu hướng xuất bản song ngữ Việt-Anh, Anh-Việt của các tác giả trong nước được quan tâm đầu tư. Dòng sách này không chỉ đáp ứng nhu cầu đọc sách tiếng Anh, nâng cao trình độ ngoại ngữ của độc giả mà còn giúp thế hệ người Việt lớn lên ở nước ngoài tìm hiểu về tiếng mẹ đẻ, về văn hóa, lịch sử Việt Nam; giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Minh chứng cho hướng đi này là những ấn phẩm đã gây được tiếng vang như: Bộ truyện tranh song ngữ Anh-Việt Những chuyến phiêu lưu của mèo Tita phát hành trên toàn cầu gồm 5 tập của tác giả Búp Bê (Bùi Linh Giang) và họa sĩ Lam; cuốn du ký Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông của tác giả Nguyễn Huy Tâm, nằm trong danh mục sách du lịch châu Á bán chạy nhất trên hệ thống bán hàng trực tuyến Amazon; sách tranh Chang hoang dã - Gấu của Trang Nguyễn đã đoạt giải A Sách Quốc gia 2021 và được nhượng quyền xuất bản ở 5 nước/; Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.

Gần đây nhất là bộ truyện giả tưởng song ngữ Anh - Việt Biệt đội Ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại (Star Team: A Quest for the Greatest Power) của tác giả sinh năm 2009 Rosy Black - Nguyễn Hạnh Phương, kể về chuyến phiêu lưu của bốn đứa trẻ tìm lại chiếc hộp chứa sức mạnh vĩ đại từ tay Thần Chết để đem lại bình yên cho loài người. Tác giả viết 4 tập, trong đó tập 1 vừa được NXB Kim Đồng cho ra mắt vào tháng 2.2022, tạo thành “hiện tượng” trong giới xuất bản. Tác giả Nguyễn Hạnh Phương được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là “Học sinh viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh và xuất bản thành sách song ngữ Anh - Việt nhỏ tuổi nhất Việt Nam”. “Em đã đọc hơn 1.000 cuốn sách các thể loại, trong đó có khoảng 70% sách tiếng Anh. Vì thế, em rất yêu thích và muốn viết sách song ngữ để các bạn nhỏ trau dồi vốn liếng ngoại ngữ, có cảm hứng học và thực hành tiếng Anh. Bộ truyện Biệt đội Ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại (Star Team: A Quest for the Greatest Power) được em lên ý tưởng từ tháng 7.2019. Em viết nháp toàn bộ nội dung bộ truyện bằng tiếng Anh và sau khi hoàn thành em mới dịch sang tiếng Việt”, Nguyễn Hạnh Phương chia sẻ. Hiện tại, tác giả nhí này đang hoàn thiện tập 2 và dự kiến ra mắt cuối năm 2022.

Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho rằng, việc xuất bản sách song ngữ là cơ hội đưa sách Việt đi xa hơn, có thể xuất bản tại thị trường nước ngoài, tham gia vào đời sống xuất bản thế giới; góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng như nền văn học nước nhà đến với bạn bè quốc tế. Hiện nước ta có nhiều tác giả trẻ có thể sáng tác bằng ngoại ngữ. Cùng với đó, đội ngũ dịch thuật ngày càng trẻ, giỏi và đông đảo hơn.

Cần chiến lược lâu dài, kỹ lưỡng và dài hơi

Không chỉ xuất bản sách song ngữ của tác giả Việt để thúc đẩy ngành xuất bản Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế mà hiện nay họa sĩ, tác giả trẻ trong nước cũng rất năng động, việc tham gia các cuộc thi và được giải thưởng quốc tế là tiền đề cho việc bán bản quyền sách ra nước ngoài. Chủ tịch Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh nhấn mạnh, các NXB thế giới trước tiên quan tâm đến những đầu sách “bestseller” của mỗi nước, bởi ít nhiều chúng đã được sự kiểm chứng về doanh thu, về sự yêu thích của độc giả và sự phổ cập được thừa nhận. Do đó, những cuốn sách song ngữ của các tác giả Việt được độc giả trong nước đón nhận cũng như việc các họa sĩ, tác giả trẻ tích cực tham gia các cuộc thi và được giải thưởng quốc tế là một tín hiệu mừng để khẳng định tài năng của các họa sĩ, tác giả trẻ Việt được công nhận trên thế giới.

Tuy nhiên, Chủ tịch Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng cho rằng, việc chào bán bản quyền sách ra nước ngoài đòi hỏi khâu chuẩn bị kỹ lưỡng và dài hơi hơn rất nhiều. “Để sách Việt được mua bản quyền và xuất bản ngoài biên giới, cần có những yếu tố sau: Dòng sách văn hóa, văn học, ẩm thực, du lịch… cần đậm nét văn hóa bản địa. Nếu không làm rõ được nét riêng, nét đặc sắc của văn hóa Việt thì sẽ khó thu hút độc giả quốc tế. Sách Việt có kiến thức ở tầm cao, chất lượng đảm bảo, thiết kế đẹp mắt và đặc biệt được đầu tư dịch thuật ra tiếng Anh thì không phải e ngại gì trong việc chào bán bản quyền ra thế giới”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cho biết.

Việc “xuất ngoại” sách Việt cần có chiến lược lâu dài, đòi hỏi nhiều sức người, sức của, đặc biệt rất cần sự quan tâm, ủng hộ, đầu tư của nhà nước và chính quyền, các cơ quan chức năng. Chủ tịch Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng, “nếu chỉ vài đơn vị xuất bản như chúng tôi tự làm cũng rất khó có thể thành công bởi không thể đủ kinh phí đầu tư”. Khâu cần được đầu tư nhiều nhất, đắt đỏ nhất và cần kíp nhất chính là dịch thuật”. Năm 2015, chính phủ Indonesia đã chi 15 triệu USD để nước này trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên làm khách mời danh dự của Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Trong đó có nhiều triệu USD đã được đầu tư cho việc dịch thuật hơn 400 đầu sách ra tiếng Anh để chào bán bản quyền quốc tế. Từ cú hích này, ngành du lịch, văn hóa... của Indonesia tăng trưởng gấp đôi những năm trước đó. Rõ ràng, xuất khẩu sách không đơn thuần chỉ thu lợi về kinh tế mà còn là bước đi hữu hiệu trong việc quảng bá văn hóa, thương hiệu và khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế. 

 THANH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top