“Tiếp lửa” cho những “báu vật nhân văn sống”

VHO- Sở hữu khối lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn nhất cả nước, Hà Nội cũng có số lượng nghệ nhân đông đảo - những “báu vật nhân văn sống” luôn bền bỉ gìn giữ, trao truyền vốn di sản trong cộng đồng, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Chế độ tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, góp phần “tiếp lửa” cho hoạt động bảo tồn và phát huy những di sản vô giá của dân tộc nhiều năm qua dù đã được Hà Nội triển khai, nhưng thực tế vẫn bộc lộ không ít khó khăn, thách thức.

“Tiếp lửa” cho những “báu vật nhân văn sống” - Anh 1

Hát Dô, một loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc của xứ Đoài

 Tại cuộc tọa đàm mới đây do Sở VHTT Hà Nội tổ chức về xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, nhiều câu chuyện đã được chính người trong cuộc cất tiếng, cho thấy yêu cầu cần lấp đầy khoảng trống, tiếp sức cho những nghệ nhân nắm giữ hồn di sản trong công cuộc trao truyền cho các thế hệ. Sở VHTT Hà Nội cho biết, Hà Nội sở hữu số lượng di sản văn hóa phi vật thể đứng đầu cả nước, với 1.743 di sản ở các loại hình. Cùng với đó là số lượng nghệ nhân đông đảo, có bề dày thực hành lâu năm. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện đang đặt ra vô số khó khăn, thách thức trong gìn giữ, bảo tồn và trao truyền các di sản truyền thống.

Một trong những trăn trở là nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa nhiều, chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa. Nguồn kinh phí tôn vinh, khen thưởng cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản còn hạn chế, mức khen thưởng thấp. Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VHTT Hà Nội: “Các CLB di sản văn hóa phi vật thể tuy có sự hỗ trợ một phần của địa phương, song chủ yếu vẫn do các thành viên tự đóng góp, dẫn đến kinh phí mua sắm trang phục, đạo cụ luyện tập còn thiếu thốn. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí để truyền dạy, giao lưu, tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng”.

Người trong cuộc - những nghệ nhân nắm giữ bí quyết, linh hồn của di sản nhiều năm qua vẫn miệt mài, bền bỉ giữ lửa nghề. Thế nhưng, những nghệ nhân này hầu hết chưa nhận được sự đãi ngộ thường xuyên, trong khi hầu hết đều là người cao tuổi, thu nhập thấp, cuộc sống không ổn định. Một số nghệ nhân ở độ tuổi xưa nay hiếm, không có điều kiện kinh tế, khả năng trao truyền giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ còn khó khăn.

Cũng theo Sở VHTT Hà Nội, trong số những nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT, có 47 người không có lương hay thu nhập ổn định. Trong số người đang chờ quyết định phong tặng danh hiệu, có 53 người không có lương và thu nhập ổn định. NNƯT Phan Thị Kim Dung, Chủ nhiệm CLB dân ca làng Mọc Quan Nhân (quận Thanh Xuân) cho biết, dù đã ở tuổi 70 nhưng chưa khi nào bà được nhận kinh phí từ CLB. Tuy nhiên, với tâm huyết cùng nghệ thuật xẩm, chèo, trong những năm qua bà vẫn miệt mài với hoạt động duy trì, truyền dạy di sản. Nghệ nhân Kim Dung chia sẻ, nếu được quan tâm, các nghệ nhân sẽ có thêm nguồn động viên, khuyến khích để tiếp tục gìn giữ, phát huy di sản cũng như truyền lửa đam mê tới cộng đồng.

Trước thực tế này, các chuyên gia hàng đầu về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đều cho rằng, việc sớm ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân là điều cần thiết. TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân và các CLB cần được quan tâm để nghệ nhân đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia khẳng định: “Đây là thông lệ trên thế giới, bởi nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống. Việc có chính sách đãi ngộ, như mức phụ cấp thường xuyên hằng tháng giúp nhiều nghệ nhân đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống, cảm thấy được động viên, khuyến khích, do đó yên tâm hơn, trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản”.

Hiện, Sở VHTT Hà Nội được UBND thành phố giao xây dựng dự thảo về chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể để đề xuất HĐND thành phố ban hành Nghị quyết thông qua. Ngoài mức trợ cấp theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ dành cho NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, Sở VHTT Hà Nội dự kiến đề nghị thành phố có mức hỗ trợ riêng để kịp thời động viên, khích lệ nghệ nhân, tạo điều kiện tốt nhất cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo đó, Sở VHTT đề xuất 4 mục hỗ trợ, đãi ngộ, gồm: Chế độ hỗ trợ, đãi ngộ dành cho nhóm đối tượng NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với các CLB hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ tập luyện, biểu diễn, tham gia hoạt động của các nghệ nhân, CLB; mức giải thưởng khi tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan.

Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội khẳng định, việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân sẽ tiếp sức rất lớn cho đội ngũ nghệ nhân trên hành trình lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của Thăng Long - Hà Nội, sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên nền tảng văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc