Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I - năm 2022 tại TP.HCM

VHO - Tối 19.4, Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I - năm 2022 do Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và UBND TP.HCM tổ chức, đã khai mạc tại Đường đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM.

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I - năm 2022 tại TP.HCM - Anh 1

Các đại biểu thực hiện nghi thức chạm quả cầu điện tử khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I - năm 2022

Tham dự lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy.

Phát biểu khai mạc, Thứ Trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, ở Việt Nam, nhận thức tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, ngày 24.2.2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284 lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm tôn vinh những người làm sách, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Qua 8 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng đối với người làm công tác xuất bản và những người yêu sách cả nước. Năm 2021, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát triển văn hoá và con người Việt Nam, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ VHTTDL cùng các cơ quan liên quan đã đề xuất với Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 284 nhằm mở rộng không gian tổ chức ngày sách, nâng nhận thức xã hội về sách và văn hoá đọc lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, Ngày Sách trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc. Trên cơ sở tham mưu của hai Bộ, ngày 4.11.2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1862/QĐ-TTg về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I - năm 2022 tại TP.HCM - Anh 2

Đại biểu tham quan các hoạt động tại chương trình

Lễ khai mạc năm nay kết hợp đồng thời với khai mạc Hội Sách tại TP.HCM và khai mạc Hội sách trực tuyến Quốc gia với mong muốn thực hiện và lan tỏa 3 mục tiêu quan trọng của việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc được xác định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là: Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Đồng thời, tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Hội sách năm nay còn là dịp khẳng định những bước phát triển xuất bản và văn hóa đọc của thành phố mang tên Bác; khẳng định xu hướng chuyển động mạnh mẽ của ngành xuất bản trước yêu cầu chuyển đổi số.

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I - năm 2022 tại TP.HCM - Anh 3

Không gian sinh hoạt Đờn ca tài tử là một trong những điểm nhấn tại Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I

Ngoài ra, trong dịp này, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động khác chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam như: Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc của Bộ VHTTDL; Lễ phát động phong trào đọc sách của Hội Xuất bản Việt Nam và các hoạt động khác do nhiều bộ, ngành, địa phương đồng loạt tổ chức…
“Tất cả nhằm hướng đến phát triển phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, tạo dựng một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I - năm 2022 tại TP.HCM diễn ra tại Đường đi bộ Nguyễn Huệ trong 6 ngày, từ ngày 19-24.4, tập trung với 3 không gian: “Không gian chuyển đổi số”, “Không gian Thành phố Sách”, “Không gian mô hình văn hóa đọc”. Ngoài ra còn có các hoạt động giới thiệu các tựa sách hay, bổ ích đa dạng về nhiều thể loại, phong phú với nhiều chủ đề; các chương trình giao lưu với tác giả, tọa đàm; giao lưu văn hóa nghệ thuật, âm nhạc; trình diễn các bài hát trong phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nghệ thuật…

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc