Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam

VHO-Chiều nay 19.4, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, BTC triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” phối hợp với Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Đồng Tháp đồng tổ chức Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam. Cũng trong dịp này đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa BTC và lãnh đạo UBND 13 tỉnh, thành phố tại khu vực Tây Nam Bộ.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam - ảnh 1

Các đại biểu tham dự Bội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam

Đại diện tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đoàn Tấn Bửu cho rằng: “Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình, góp phần tạo nên sức mạnh lớn lao của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp còn góp phần quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu, thu hút và giữ chân người tài, hướng đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Với tầm quan trọng như vậy, Đồng Tháp luôn quan tâm đến việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng và hình thành văn hóa trong kinh doanh thông qua các hoạt động truyền thông, các lớp tập huấn về văn hoá doanh nghiệp và tạo dựng thương hiệu. Kết quả, qua 5 năm triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả tích cực. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa diễn ra sôi nổi. Qua các năm, danh hiệu này luôn đạt tỷ lệ cao, trung bình trên 96%. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa luôn nâng cao kỷ cương, nề nếp, phát huy dân chủ ở cơ sở; xây dựng môi trường làm việc theo hướng văn minh, hiện đại, chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân trong các khu, cụm công nghiệp. Ngay sau hội nghị này, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai rộng rãi Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam và Quy chế xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam - ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trao quà lưu niệm cho các đại biểu

Tại Hội nghị, Ban tổ chức 248 đã giới thiệu Bộ tiêu chí văn hóa Việt Nam và Quy chế xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”, hướng dẫn trao đổi việc tổ chức thực hiện và cách thức đăng ký tham gia xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Theo ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ban, ngành trung ương gia tham gia xây dựng, có sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học, cách doanh nghiệp, doanh nhân và báo chí truyền thông. Xây dựng văn hóa kinh doanh là nền tảng phát triển bền vững, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, là linh hồn của thương hiệu và là tài sản vô giá của doanh nghiệp. “Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ tại lễ phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam đã khẳng định “Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh của doanh nghiệp mà còn là hình ảnh của quốc gia”, ông  Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng trong dịp này, Hội nghị đã vinh danh 10 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam được lựa chọn và công bố năm 2021. Cùng với đó là những chia sẻ trong chuyên đề Triết lý “Win – Win” trong Văn hóa kinh doanh và tọa đàm “Văn hóa kinh doanh - Nền tảng của phát triển bền vững”, với sự quan tâm của các cơ quan ban ngành cũng như các doanh nghiệp tham gia.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam - ảnh 3

Lễ ký kết triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa trưởng BTC 248 và đại diện lãnh đạo UBND 13 tỉnh Tây Nam Bộ

Đặc biệt, lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa trưởng BTC 248 và đại diện Lãnh đạo UBND 13 tỉnh Tây Nam Bộ đã mở ra những hy vọng mới. Thực tế cho thấy, có sự tương tác giữa thương hiệu quốc gia với thương hiệu doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp rất mạnh mẽ. Với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, thách thức lớn nhất là nguy cơ tụt hậu, là hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh thấp. Văn hóa kinh doanh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp cho doanh nghiệp, doanh nhân đạt được mục tiêu. Do đó, việc bộ tiêu chí ra đời giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ những hạn chế, bất cập trong văn hóa kinh doanh, từ đó tìm ra hướng đi cho các doanh nghiệp, doanh nhân để có thể tích cực, chủ động trong hội nhập, đảm bảo xây dựng một nền văn hóa kinh doanh tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế khu vực Tây Nam Bộ cũng như các vùng trên cả nước.

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc