Về tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Khu du lịch Hồ Mây : Sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia

VHO- Liên quan đến thông tin về tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại Khu du lịch Hồ Mây (TP Vũng Tàu) “nhái” theo một số nhân vật lịch sử nước ngoài, phóng viên Văn Hóa đã đến tìm hiểu trực tiếp tại bức tượng nói trên.

Về tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Khu du lịch Hồ Mây : Sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia - Anh 1

 Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm bên tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

 Ghi nhận thực tế của chúng tôi, toàn bộ khối tượng cao khoảng 3m, chất liệu bằng xi măng cốt thép, sơn nhũ vàng. Bên cạnh khối tượng có dựng một bia đá khắc nội dung “Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, 1228 - 1300”; dưới chân khối tượng gắn bảng nội dung tóm tắt tiểu sử, công lao hiển hách của Trần Hưng Đạo. Theo đó, nội dung của toàn bộ khối tượng là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mặc áo giáp cưỡi ngựa oai phong, tay cầm trường đao, chân đeo kiếm. “Tận mục sở thị”, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và chụp ảnh lưu niệm bên bức tượng.

Ngoài tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tại đây còn có khu đền thờ 14 vị anh hùng dân tộc, khu tưởng niệm Đại tượng Võ Nguyên Giáp được xây dựng khang trang. Trong đó có tượng Quốc tổ Hùng Vương, tượng các vị vua Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Hoàng đế Quang Trung, Lê Thái Tổ cùng các tượng Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Đinh Bộ Lĩnh, Hai Bà Trưng… Qua trao đổi, ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu (chủ Khu du lịch Hồ Mây) cho biết, tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được xây dựng vào khoảng tháng 4.2018, đặt tại khu văn hóa lịch sử (thuộc Khu du lịch Hồ Mây) đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch 1/500 và cấp phép xây dựng. Bức tượng do một nhóm nghệ nhân ở miền Trung vào thực hiện trong khoảng 4 tháng. Từ khi hoàn thành đến nay, đã có hàng chục ngàn du khách đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm, trong đó chưa có ý kiến nào của du khách phản ánh hay phàn nàn về nội dung bức tượng. Những ngày gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện bài viết của một cá nhân cho rằng, bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại Khu du lịch Hồ Mây “nhái” theo một số nhân vật lịch sử nước ngoài. Trên tinh thần cầu thị của người làm du lịch, chúng tôi ghi nhận ý kiến trên, dù đây là ý kiến chủ quan của một cá nhân chưa từng đến tham quan trực tiếp bức tượng”, ông Anh chia sẻ.

Theo ông Anh, trước khi xây dựng, đơn vị đã thận trọng tìm hiểu và tham khảo các tư liệu về sử học, từ trang phục đến khuôn mặt, hàm râu, sắc thái… để thực hiện không trái với truyền thống lịch sử của dân tộc. Mục đích nhằm vừa tạo điểm nhấn cho khu lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan phong phú cho du khách, vừa góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ khi đến tham quan, trải nghiệm tại đây. “Nếu các nhà nghiên cứu, chuyên gia hay hội đồng nghệ thuật có ý kiến góp ý phù hợp cùng với những căn cứ sử liệu khoa học, chính xác thì chúng tôi rất cảm ơn và cầu thị tiếp thu để có hướng tu sửa cho đúng”, ông Anh khẳng định.

Về tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Khu du lịch Hồ Mây : Sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia - Anh 2

 Khu Đền thờ 14 vị anh hùng dân tộc tại Khu du lịch Hồ Mây

Trao đổi với Văn Hóa, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Khắc Thuần, tác giả của các bộ sách: Trần Hưng Đạo - Tiểu sử, sự nghiệp và tác phẩm; Danh tướng Việt Nam; Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam; Lịch sử trung đại Việt Nam… nhấn mạnh, đến thời điểm này chúng ta không có hình vẽ nào về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. “Tuy nhiên, thông qua các thư tịch cổ, đặc biệt là những tư liệu ngoài chính sử như các sắc phong, các thành tích… thì tôi thấy rằng đây là con người đặc biệt, cho nên chúng ta đừng bao giờ lấy tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng (TP.HCM) làm chuẩn, để rồi so sánh với các tượng khác, vì tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng hiện nay cũng chưa đúng, là bởi vì cuộc đời Trần Hưng Đạo có mấy giai đoạn”, ông Thuần nói. Cụ thể, giai đoạn khi ông còn là vị tướng trẻ và có công lớn trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1258, lúc bấy giờ ông tuy còn trẻ tuổi nhưng đã là tư lệnh một khu vực rộng lớn. Bấy giờ ta thấy rằng ông sử dụng chủ yếu là ngựa chứ không phải voi. Bởi vì lúc đó chúng ta có bộ binh, thủy binh, tượng binh và kỵ binh. Kỵ binh của chúng ta nhỏ, không phải lão luyện, nhưng khi đi ở vùng rừng núi và trung du thì kỵ binh là tiện lợi nhất. Đó là điều không thể quên.

Đề cập đến tượng Trần Hưng Đạo ở Khu du lịch Hồ Mây, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Khắc Thuần cho rằng, vấn đề cần xem lại là bức tượng này mô tả Trần Hưng Đạo ở giai đoạn ông bao nhiêu tuổi? Vì về sau, khi ông lớn tuổi thì ông không cưỡi ngựa nữa, mà chủ yếu đi thuyền hoặc đi bộ. Và khi cần thiết lắm, tức là vào năm 1288, trong trận đánh thứ ba thì ông cưỡi voi… Cho nên nếu làm tượng Trần Hưng Đạo mà ông ấy cưỡi ngựa, cầm gươm hay cầm đao thì đó cũng là điều bình thường, không có gì đáng bận tâm cả. “Chúng ta lấy gì làm chuẩn để nói rằng giống hay không giống? Tôi đã tìm hiểu và viết rất nhiều sách về Trần Hưng Đạo, trong bộ Danh tướng Việt Nam, tôi dành nhiều dung lượng viết về Trần Hưng Đạo và các bộ sách về văn hóa, sử học cũng vậy, tôi đọc dịch từ các tư liệu cổ, từ đó rút ra kết luận sát với thực tế và có nhận định như vậy”, ông Thuần khẳng định.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong hôm nay (18.4), đoàn công tác của Sở, trong đó có cả hội đồng nghệ thuật sẽ trực tiếp đến kiểm tra thực tế hiện trạng, sau đó sẽ có thông tin chính thức. Đề cập đến tính pháp lý của việc dựng bức tượng, ông Dũng cho biết, đơn vị thực hiện được cấp phép về quy trình xây dựng, quy hoạch… Tuy nhiên, riêng về công tác quản lý mỹ thuật, trước khi dựng tượng, đơn vị thực hiện chưa gửi hồ sơ cho Sở thẩm định về nội dung mỹ thuật. Do đó, Sở đã yêu cầu khu du lịch thực hiện lại công việc này để Sở thẩm định. 

 HOÀNG HẢI - THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc