Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Kon Tum: Người dân mòn mỏi “ngóng” tiền đền bù sau gần 10 năm nhường đất cho thủy điện

Thứ Hai 11/04/2022 | 14:20 GMT+7

VHO - Mặc dù dự án thủy điện Đăk Đring do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh (thuộc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động gần 10 năm nay, tuy nhiên, đến nay hàng chục hộ dân ở địa bàn xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) vẫn chưa nhận được tiền đền bù, hỗ trợ tái định canh định cư với tổng số tiền trên 27 tỉ đồng. Không có đất sản xuất vì đã nhường đất cho thủy điện, cộng với việc không được nhận tiền đền bù, hỗ trợ khiến cho đời sống người dân nơi đây rơi vào cảnh túng quẩn, nghèo khổ...

Sau gần 10 năm nhường đất cho thủy điện Đăk Đring, anh A Hương (giữa) mới chỉ nhận 1 triệu đồng tiền đền bù

 

Mòn mỏi “ngóng” tiền đền bù

Trước đây, gia đình anh A Hương ở thôn Tu Rét, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông có 5 thửa đất rẫy và 3 thửa đất ruộng để sản xuất với tổng diện tích 4,4 ha. Năm 2013, vì tiến độ thi công gấp rút của Dự án thủy điện Đăk Đring, toàn bộ diện tích của gia đình anh Hương bị thu hồi với số tiền đền bù 565 triệu đồng (thời điểm 2013 - PV). Song, trong số tổng giá trị bồi thường được phê duyệt, anh Hương chỉ mới nhận đúng 1 triệu đồng tiền khai hoang 3 thửa đất lúa. Số tiền còn lại gần 10 năm nay gia đình anh vẫn từng ngày “ngóng đợi” trong vô vọng. Không có tiền đền bù, đất đai sản xuất không có khiến gia đình anh rơi vào cảnh túng quẩn.

“Thủy điện còn nợ trên 500 triệu, bây giờ gia đình mong muốn nhà nước trả sớm cho gia đình để sau này gia đình làm ăn, nuôi con cái học hành. Với lại bây giờ muốn làm ăn trồng mì này kia cũng không có đất. Muốn phát lại cái rẫy bên kia mà nhà nước không cho phép. Bây giờ làm ruộng cũng không tốt bao nhiêu, đói lắm”, anh A Hương nói trong vô vọng.

Anh A Hrum, Trưởng thôn Tu Rét cho biết, trong thôn có 36 hộ dân có đất bị thu hồi để xây dựng khu tái định canh, định cư cho các hộ dân thôn Vương và Xô Luông bị ngập lòng hồ phải di dời. Đến nay chỉ có 14 hộ được nhận một phần tiền đền bù hỗ trợ, còn lại hầu hết là chưa được nhận. Hộ nhiều nhất chưa nhận là 500 - 600 triệu đồng, hộ ít nhất là 50 triệu. Do chưa được thủy điện chi trả tiền đền bù, đất đai sản xuất thiếu thốn, các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần không được giải quyết nên đã tranh giành lại đất cũ đã được cấp cho bà con khu tái định canh, định cư khiến tình trạng an ninh trật tự trên địa bàn bị xáo trộn.

“Chúng tôi cũng cố gắng hiến đất để phục vụ cho công trình chung của cộng đồng. Đến giờ này chúng tôi vẫn chưa nhận tiền đền bù hỗ trợ tái định canh, nương rẫy của hai thôn Xô Luông và thôn Vương tại điểm lòng hồ. Mong muốn các cấp các ngành giải quyết càng sớm càng tốt”, A Hưm kiến nghị.

 

Thiếu đất sản xuất, không được nhận tiền đền bù hỗ trợ, đời sống của người dân vô cùng khó khăn

 

Theo ông Ka Ngọc Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, vì thủy điện Đăk Đrinh, vì năng lượng điện quốc gia, năm 2013 xã Đăk Nên có 7 thôn, làng phải rời xa nơi ở cũ, nhường đất cho lòng hồ thủy điện để lên khu tái định cư mới. Tuy nhiên, do chưa nhận được tiền đền bù, người dân thôn Tu Rét thường xuyên quay về tranh giành đất cũ với người dân các thôn khác, đỉnh điểm nhất vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. “Trong thời gian vừa qua UBND xã cũng đã mời thôn Tu Rét và Xô Luông có tranh chấp đất đai lên để chia sẻ những khó khăn của 2 thôn cũng như của xã. Trong đó, thôn Tu Rét và thôn Xô Luông các hộ dân cũng chia sẻ lẫn nhau cùng sản xuất trên 1ha là 50-50. Các hộ dân của hai thôn cũng mong Thủy điện sớm chi trả tiền đền bù đất cho thôn Tu Rét để thôn Xô Luông có đất sản xuất”, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho hay.

Vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm

Theo tìm hiểu của Văn Hóa, Dự án Thủy điện Đăk Đrinh do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh thuộc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án khởi công từ tháng 9-2009 và hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2013. Trong đó, dự án thành phần di dân, tái định canh định cư tại huyện Kon Plông được Chính phủ giao UBND tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư và được UBND tỉnh ủy quyền UBND huyện Kon Plông thực hiện.

Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, hiện nay chủ đầu tư thủy điện Đăk Đring đang còn nợ các hộ dân tổng số tiền 27,8 tỉ đồng. Ngoài số tiền trên, do chủ đầu tư Thủy điện Đăk Đrinh chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương, dẫn đến phải di dời khẩn cấp gần 200 hộ dân trong thời điểm công trình chuẩn bị hoàn thành, làm cho chi phí bồi thường, hỗ trợ phát sinh tăng thêm trên 33 tỉ đồng.

“Mặc dù khởi công từ năm 2009 nhưng đến năm 2011 chủ đầu tư mới ngồi làm việc với UBND huyện và thống nhất một số nội dung trong khung đền bù. Công tác tổ chức tái định canh tái định cư, quy hoạch cũng như tổ chức di dời thời gian rất là ngắn cho nên có nhiều áp lực trong công tác bố trí định canh định cư và di dời dân. Đến tháng 7-2013 thì công trình cơ bản hoàn thành và chuẩn bị tích nước. Trên cơ sở đó nếu không di dời dân thì nước vẫn dâng vì bờ đập đã hoàn thành rồi. Trước những áp lực như vậy, được sự chỉ đạo chung của UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện thống nhất di dời dân lên, tạm thời. Lúc đó thì nhà cửa dân cũng chưa xong, di dời một phần nhà cũ lên để có nơi cho người dân ở tại khu vực định canh định cư đó. Đồng thời đẩy nhanh cái việc tái định canh định cư mới cho dân”, ông Tín cho biết.

 

Khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Đring

 

Cũng theo Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông, mặc dù số tiền phát sinh thêm trên 33 tỉ đồng đã được Thủy điện Đăk Đrinh chi trả cho người dân, tuy nhiên để có cơ sở quyết toán số tiền này cần phải có ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ. Trong khi chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Thủy điện Đăk Đrinh đã giữ lại số tiền trên 27 tỷ đồng tiền đền bù hỗ trợ thu hồi đất của các hộ dân để xây dựng các khu tái định canh định cư, gây khó khăn cho người dân.

“Trong thời gian qua UBND huyện cùng với công ty cũng như một số Sở, ngành của tỉnh tích cực thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh có báo cáo rõ từng nội dung và đăng ký với Văn phòng Chính phủ để làm việc với Thủ tướng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có nhiều việc, rồi ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên đến bây giờ cũng chưa có cuộc làm việc cho rõ ràng được”, ông Tín thông tin. 

Chưa thể khẳng định trách nhiệm trong việc chậm chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân thuộc về chính quyền địa phương hay chủ đầu tư thủy điện Đăk Đring. Song, chắc chắn một điều, việc để người dân mòn mỏi đợi chờ tiền đền bù trong suốt gần 10 năm qua là điều khiến người dân và dư luận không thể chấp nhận. Thiết nghĩ, các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Kon Tum cần sớm tìm ra giải pháp giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất để người dân yên tâm an cư lập nghiệp.

NGỌC HÒA

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top