Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hai tấm bia đá cổ tại xã Xuân Thiên, Thọ Xuân, Thanh Hóa: Một bị trưng dụng làm tường rào, một bỏ hoang

Thứ Hai 11/04/2022 | 09:54 GMT+7

VHO- Là những tấm bia cổ được tạo tác từ hàng trăm năm qua, và mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nhân vật lịch sử…, nhưng đáng tiếc thay gần như không được ai trông coi, tổ chức bảo quản trong suốt một thời gian dài, khiến hai hiện vật quý này bị xâm hại ở mức độ rất nghiêm trọng.

Tấm bia ký Khai quốc công thần Lê Sao, nằm trơ trọi trong khu vườn cây rậm rạp, hầu hết chữ khắc trên bia đã bị rêu đen

 Cả hai tấm bia hiện tọa lạc tại thôn Hiệp Lực (xã Xuân Thiên, Thọ Xuân, Thanh Hóa), trong đó có một tấm bia bị người dân vô tư “trưng dụng” để làm… tường rào.

Nhìn đã thấy… xót xa

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy một tấm bia cổ được dựng năm 1494, ghi lại tiểu sử của nhân vật bà Thụy Hoa Công chúa được dựng trên lưng rùa đang bị trưng dụng để làm tường rào, một số chỗ trên bề mặt tấm bia cổ này đã bị trát lại bằng vôi vữa. Mặt tấm bia có khắc chữ và đầu rùa quay hướng ra đường giao thông của thôn trông rất phản cảm, phần bia còn lại nằm trong khu vườn của khu nhà bỏ hoang. Một tấm bia khác là bia Khai quốc công thần Lê Sao được dựng năm Quang Thuận thứ 3 (1462).

Theo báo cáo của UBND xã Xuân Thiên, khu nhà bỏ hoang vốn trước đây là đền thờ bà Thụy Hoa Công chúa, đến năm 1962 thì bị tháo dỡ để xây dựng thành nhà kho và sân hợp tác xã, làm nhà mẫu giáo. Từ năm 2005 đến nay, khu nhà bỏ hoang được nhân dân địa phương lập bát hương ở ngoài hiên để thờ cúng bà Thụy Hoa Công chúa vào ngày mồng 1 và ngày Rằm hằng tháng. Hiện khu nhà đang mục nát theo thời gian. Nằm cách tấm bia cổ này khoảng 2 km là tấm bia thần đạo Khai quốc công thần Lê Sao, được dựng vào năm Quang Thuận thứ 3 (1462), hiện cũng đang đứng trơ trọi trong vườn cây rậm rạp, không nhà bia, không mái che, hầu hết các chữ trên tấm bia cổ đều đã bị mờ và rêu phủ. Tình trạng xuống cấp của tấm bia cổ đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng dường như chính quyền sở tại không có giải pháp để bảo vệ, khiến cho người dân, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa không khỏi xót xa, bức xúc.

Theo tư liệu được đề cập trong sách “Văn bia Thanh Hóa, văn bia thời Lê Sơ”, do Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2013, tấm bia cổ tại thôn Hiệp Lực, xã Xuân Thiên có nội dung ghi lại tiểu sử và công đức của bà Thụy Hoa Công chúa, con gái thứ ba của vua Lê Thánh Tông, lấy chồng phò mã họ Nguyễn. Công chúa mất năm Hồng Đức thứ 25 (1494), lúc 32 tuổi. Bia được dựng cùng năm 1494. Bia một mặt khổ 120 x 180cm, khắc khoảng 800 chữ, trán bia chạm hai chim phượng chầu mặt trời, diềm bên chạm hoa văn dây leo, nét khắc nổi. Văn bia do chưởng Hàn lâm viện sự Nguyễn Xung Xác soạn, Nguyễn Nhân Huệ viết chữ Triện, Phạm Bảo Chức Ngự dụng giám san thư cục Cục chính khắc bia.

Bia cổ gần 600 năm tuổi ghi lại tiểu sử của bà Thụy Hoa Công chúa, là con gái thứ ba của vua Lê Thánh Tông

Nếu khôi phục sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch đất đai của xã?

Còn tấm bia cổ thứ hai, qua các tài liệu như Khởi nghĩa Lam Sơn (trang 38 - 39); Những bi ký điển hình ở Thanh Hóa; Lịch sử xã Xuân Thiên; Lý lịch DTLSVH đình làng Quảng Thi, Gia phả họ Lê Bá, xã Xuân Thiên; Dư địa chí Thọ Xuân, kết hợp với bản dịch của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Thanh Hóa cho thấy, bia ký Khai quốc công thần Lê Sao tại thôn Hiệp Lực, xã Xuân Thiên được dựng năm Quang Thuận thứ 3 (1462), đời Lê Thánh Tông. Lê Sao người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (nay là xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), là một trong những khai quốc công thần có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông mất khoảng đầu đời Quang Thuận (1460 - 1462). Vua sai Nguyễn Bá Ký soạn văn bia về khai quốc công thần Lê Sao ( Hoàng việt khai quốc công thần Lê Sao) và khắc dựng năm Quang Thuận thứ 3 (1462) tại quê hương để lưu truyền hậu thế.

Bia ký Khai quốc công thần Lê Sao thuộc loại lớn gần giống với kích thước các bia ở Lam Kinh, làm bằng đá trầm tích biển. Trán bia vòng cung, bia cao 1m70, rộng 1m05, dày 19cm được đặt trên lưng rùa cao 40cm, dài 1m80, rộng 1m10. Rùa được tạo kiểu rùa mai mềm, phần mai tràn hơn thân, đuôi vắt xuống, bốn chân lộ rõ, mắt chạm lồi, mũi sâu, sống mũi gồ lên. Bệ mặt gộp “mai” rùa trang trí hình hoa sen và các đài hình quạt. Trán bia mặt dương lượn hình bán nguyệt khắc 2 con phượng hóa. Diềm bia chạm khắc hoa cúc leo, diềm đáy chạm 3 lớp hoa văn sóng nước, lớp trên có ngọn hình nấm cao, tượng như hình người, 2 lớp còn lại là các bước sóng chồng lên nhau. Trán bia khắc theo lối chữ Triện, nội dung bia khắc chữ Khải chân.

Trao đổi với chúng tôi về những tấm bia cổ này, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thanh Hóa, người đã từng dịch và nghiên cứu về hai tấm bia cổ trên cho biết, toàn bộ nội dung, hoa văn họa tiết được khắc trên hai tấm bia cổ tại xã Xuân Thiên đều thuộc thời Lê Sơ, hiện nay bia vẫn được giữ nguyên, không hề có sự thay đổi về kiểu dáng.

Có niên đại gần 600 năm nhưng thay vì được bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị theo đúng Luật Di sản văn hóa thì hai tấm bia cổ này lại đang bị xâm hại nghiêm trọng, bỏ hoang trong suốt một thời gian dài. Đáng nói là, chính quyền xã Xuân Thiên không hề có báo cáo cụ thể với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, mặc dù lãnh đạo xã biết rất rõ giá trị và niên đại của hai tấm bia cổ này. Qua sự việc có thể thấy rõ trách nhiệm và công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương sở tại “có vấn đề”. Liên quan đến vụ việc, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thiên Ngô Doãn Luyến cho biết, tấm bia cổ bị “trưng dụng” để trong bức tường đã tồn tại từ xưa, trước đây xã đã một, hai lần báo cáo lên Phòng Văn hóa huyện nhưng chỉ bằng miệng. Mãi đến ngày 5.4.2022 xã mới có văn bản báo cáo chính thức lên UBND huyện Thọ Xuân để xin ý kiến về phương án bảo tồn hai tấm bia cổ này. “Cái tường rào đó đã có từ năm tám mấy rồi, trước đây không báo cáo hay làm gì cả vì giữ nguyên hiện trạng, tới đây nếu cơ quan cấp trên đồng ý thì sẽ bảo tồn lại”, ông Luyến lý giải.

Đối với khu nhà bỏ hoang trước năm 1962 là đền thờ bà Thụy Hoa Công chúa, con gái thứ ba của vua Lê Thánh Tông, nơi tọa lạc của tấm bia cổ gần 600 năm, hiện nay cũng không được địa phương này quan tâm, bảo tồn. Với lý do, ở địa phương còn nhiều di tích tương tự bị phá bỏ trước năm 1962 để làm các công trình phúc lợi. Lãnh đạo xã Xuân Thiên cho rằng, nếu cho khôi phục lại điểm di tích này có thể kéo theo nhiều di tích khác cũng xây dựng lại và làm ảnh hưởng đến quy hoạch đất đai trên địa bàn xã.

Khi nghe cách giải thích của lãnh đạo xã Xuân Thiên, chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sự ứng xử thiếu tôn trọng đối với lịch sử, bởi đây là di sản cần được kiểm kê, bảo vệ, bảo tồn và phát huy theo Luật Di sản văn hóa chứ không phải “phân lô bán nền” mà ảnh hưởng đến quy hoạch đất đai của xã. Để có kế hoạch và giải pháp bảo vệ, tôn tạo đúng với giá trị của hai tấm bia cổ này, đồng thời làm rõ khu đền thờ đã có trước năm 1962 để có cơ sở bảo tồn, trong thời gian tới các cấp, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc vì các tấm bia cổ này và khu đền thờ tại xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân hằng ngày vẫn đang phải đối mặt với thực trạng bị xâm hại và xuống cấp, hư hỏng bởi sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên địa bàn. 

 Đối với khu nhà bỏ hoang trước năm 1962 là đền thờ bà Thụy Hoa Công chúa, con gái thứ ba của vua Lê Thánh Tông, nơi tọa lạc của tấm bia cổ gần 600 năm, hiện nay cũng không được địa phương này quan tâm, bảo tồn. Với lý do, ở địa phương còn nhiều di tích tương tự bị phá bỏ trước năm 1962 để làm các công trình phúc lợi. Lãnh đạo xã Xuân Thiên cho rằng, nếu cho khôi phục lại điểm di tích này có thể kéo theo nhiều di tích khác cũng xây dựng lại và làm ảnh hưởng đến quy hoạch đất đai trên địa bàn xã.

 

 Để xảy ra sai phạm trong quản lý và tu bổ di tích, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Người đứng đầu cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn. Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn tại văn bản về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Theo đó, yêu cầu cơ quan chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án, không để xảy ra sai phạm rồi mới xử lý; tuyệt đối không để xảy ra việc các địa phương, đơn vị tự ý thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc bổ sung tượng thờ, đồ thờ vào di tích khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định,... để bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích.

Hằng năm tổng hợp và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn theo quy định. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa, quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng có liên quan và văn bản chỉ đạo, thẩm định, hướng dẫn của Bộ VHTTDL… N. LINH

 NGUYỄN LINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top