Bóng đè liệu có vượt “bom tấn” để làm nên chuyện?

VHO- Ra mắt vào thời điểm đang có sự hiện diện của một số “bom tấn” nước ngoài, lại không có những “sao” phòng vé, thế nhưng sau hơn 3 tuần công chiếu (từ 18.3), phim điện ảnh Bóng đè vẫn đạt khả quan về doanh thu với con số trên 36 tỉ đồng.

Bóng đè liệu có vượt “bom tấn” để làm nên chuyện? - Anh 1

 Cát Vi và Lâm Thanh Mỹ có vai diễn nổi bật trong “Bóng đè”

 Mặc dù vậy, bộ phim đề tài tâm linh này đang đối mặt với những luồng ý kiến khen chê, và liệu có vượt qua các tranh cãi để trở thành “bom tấn” phim Việt trong năm nay?

Chuyện phim Bóng đè xoay quanh một gia đình nhỏ của người đàn ông góa vợ tên Thành (Quang Tuấn) cùng hai cô con gái nhỏ Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi).

Sau khi vợ mất, vì không muốn con gái út bị ám ảnh bởi cái chết của mẹ mà thường xuyên mơ thấy ác mộng, nên Thành đã đưa hai con về sống tại một căn nhà cổ ở vùng quê. Tưởng chừng họ sẽ có cuộc sống bình yên, thế nhưng khi về nơi ở mới, họ liên tục gặp những hiện tượng kỳ quái, từ những cái bóng lẩn khuất cho tới những “vị khách không mời” đầy ghê rợn… Bóng đè được đạo diễn bởi Lê Văn Kiệt, người từng thành công với phim hành động Hai Phượng (2019), do đó khán giả luôn có tâm lý háo hức, đặc biệt khi đây là tác phẩm điện ảnh Việt đầu tiên khai thác hiện tượng bóng đè, một đề tài còn gây nhiều tranh cãi. Theo nhà sản xuất, “bóng đè” có thể tạm hiểu là trải nghiệm xảy ra khi tâm tríđãthức giấc nhưng cơ thểvẫn còn trong giấc ngủ. Đa sốtrường hợp không thểphân biệt được giữa thực vàmơ. Theo thống kê, 40% dân sốthếgiới từng bịbóng đèít nhất một lần trong đời, do đó bộ phim dễ tạo tâm lý đón nhận nơi người xem. Trước đó, phim nhiều lần phải lỡ hẹn vì dịch Covid-19.

Chính những hiệu ứng truyền thông và ê kíp đáng tin cậy, Bóng đè được xem như một bảo chứng về triển vọng đáng chờ đợi của bộ phim thể loại kinh dị với khán giả trong nước và quốc tế. Khi còn chưa ra rạp, phim đã có hơn 20 quốc gia mua bản quyền. Đến nay, theo thông tin từ nhà sản xuất, Bóng đè đã bán bản quyền cho 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây là một kỷ lục chưa từng thấy đối với phim Việt, đã tạo cho phim độ “hot” cần thiết để khán giả mong muốn trải nghiệm.

Dù không được công chiếu vào thời điểm nghỉ lễ đặc biệt, Bóng đè vẫn trụ top 1 vòng vé trong thời gian dài, đến nay sau hơn 3 tuần công chiếu, phim đứng vị trí số 6 với doanh thu trên 36 tỉ đồng, một con số đáng kể so với mặt bằng chung phim Việt.

Đóng phim kinh dị 18+, Mai Cát Vi và Lâm Thanh Mỹ ghi điểm với vai hai đứa trẻ bị “bóng đè”, lấn át diễn xuất Quang Tuấn và Diệu Nhi.

Từng đóng bé Mai, con gái nhân vật Hai Phượng trong phim cùng tên, Cát Vi tiếp tục là lựa chọn đắt giá của đạo diễn trong phim mới. Cát Vi chứng tỏ khả năng biến chuyển tâm lý linh hoạt. Đặc biệt ở các phân đoạn Yến bị bóng đè, đoạn Yến rơi vào giếng sâu đầy chuyện kinh quái, cô bé đã nhập vai tốt, vừa tỏ vẻ sợ hãi nhưng cũng mạnh mẽ để khám phá sự thật đằng sau những điều em đang tò mò… Tương tự, so với vai Mận trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015, Victor Vũ đạo diễn), Lâm Thanh Mỹ cho thấy độ chín hơn trong nghề. Vai của Linh là một cô bé chuyển biến tâm lý từ đứa trẻ vừa dậy thì, nhưng lại là một người chị luôn phải bao bọc, làm chỗ dựa tinh thần cho em, quán xuyến nhà cửa sau khi mẹ mất… Tuy nhiên bên cạnh đó, cô bé cũng thể hiện một chút ngây ngô của đứa trẻ mới lớn với những suy đoán còn cảm tính... Lâm Thanh Mỹ có lối diễn chừng mực, ánh mắt có chiều sâu, lột tả được nhân vật.

Nếu đất diễn và những chuyển biến tâm lý hai nhân vật Linh - Yến rõ nét, khá thuyết phục người xem thì vai diễn của Quang Tuấn và Diệu Nhi mang tính khiên cưỡng, nếu không muốn nói là gây ức chế người xem vì nhiều tình tiết thiếu logic, chuyển biến tâm lý vội vã. Diệu Nhi vào vai Hạnh, bác sĩ tâm lý được Thành mời tới để chữa trị cho gia đình anh. Tuy nỗ lực thoát khỏi mác chuyên đóng hài, Diệu Nhi vẫn chưa đột phá, nhất là vai này có phần tương tự vai bác sĩ tâm lý của cô trong Bẫy ngọt ngào vừa công chiếu trước đó không lâu, khiến khán giả không cảm thấy sự mới mẻ. Điều tiếc nuối hơn là ở cuối phim, kết cục của Hạnh bị bỏ lưng chừng, trong khi ở nửa đầu phim, vai Hạnh tạo cho người xem đây là nhân vật thần bí, khán giả đang mong chờ sẽ là nhân tố quan trọng trong việc dẫn dắt, kết nối mạch truyện cũng như mở ra nhiều nút thắt của phim.

Bóng đè với ý tưởng đắt nhưng cách triển khai còn lỏng lẻo. Phim đặt ra vấn đề, có những cú twist (tạm hiểu: Nút thắt gây bất ngờ trong phim) nhưng cách giải quyết đơn giản. Nếu như phim bắt đầu bằng hiện tượng “bóng đè” thì về sau, phim mặc nhiên “bẻ lái” sang các bệnh nhân tâm thần phân liệt, người đa nhân cách, chấn thương tâm lý và có cả bị “ma nhập”, dẫn đến người cha suýt giết chết con mình. Trong phân đoạn này, chi tiết gây tranh cãi còn nằm ở nhân vật trong vai người mẹ (Lê Bê La đóng), đạo diễn đã tạo cho nhân vật không giống hình mẫu của một phụ nữ Việt thường thấy. Kết phim, gia đình ba thế hệ với gen di truyền từng bị hội chứng bóng đè bỗng thoát khỏi hiện tượng này, nhưng tác giả chưa có lời giải đáp thỏa đáng, phần nào tạo cảm giác hụt hẫng, khiến khán giả ngơ ngác.

 TÙNG THƯ

Ý kiến bạn đọc