Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Khi người trẻ phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên Tiktok

Thứ Hai 11/04/2022 | 09:33 GMT+7

VHO-  Bằng sự dí dỏm, lối diễn xuất tự nhiên, hai bạn trẻ Nguyễn Thành Dân và Nguyễn Đức Trung (hay còn biết đến với cái tên Trung “thảo mai” và Anh Ba Dân) đã cho ra đời nhiều clip Tiktok triệu view. Đáng chú ý là những clip đó không chỉ đem lại tiếng cười mà còn đại diện cho tiếng nói của thế hệ trẻ, nêu thông điệp về bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc và bài học về ứng xử.

 Nguyễn Thành Dân (trái) và Nguyễn Đức Trung (phải) trong một clip Ảnh: NVCC

Tham gia Tiktok từ tháng 8.2020, Đức Trung nhanh chóng là cái tên được bàn tán trên khắp các diễn đàn với khả năng “sao y bản chính” giọng chị Nguyệt thảo mai trong bộ phim đình đám Phía trước là bầu trời. Từ đây, Trung được khán giả yêu mến và đặt cho biệt danh Trung “thảo mai”. Thành công càng đến khi Trung có được sự hỗ trợ từ người bạn diễn ăn ý Nguyễn Thành Dân.

Nhận được nhiều tình cảm từ khán giả, hai anh em bắt đầu thực hiện thêm nhiều clip hài khác. Tư duy khác biệt, cả Dân và Trung đều quyết định dùng văn hóa truyền thống để xây dựng ý tưởng, quay clip. Từ bối cảnh, trang phục cho đến lời thoại, diễn xuất… trong các clip của Thành Dân và Đức Trung đều mang đậm những nét đặc trưng của văn hóa, con người Bắc Bộ xưa. Không những vậy, cả hai cũng thường xuyên quay lại các clip biểu diễn làn điệu Quan họ cổ, lời mới để góp phần truyền bá tình yêu nghệ thuật đến người trẻ. Đây là một trong những nguyên nhân giúp các clip của Thành Dân và Đức Trung khiến khán giả ấn tượng.

Nhờ sự mới lạ, mỗi clip của nhóm Trung “thảo mai” - Anh Ba Dân khi “ra lò” đều nhận được sự chú ý của cộng đồng. “Cả Trung và anh Dân đều rất yêu văn hóa truyền thống, đặc biệt là dân ca Quan họ. Không giữ cho riêng mình, cả hai mong muốn lan tỏa tình yêu ấy tới nhiều bạn trẻ khác. Am hiểu về công nghệ, cả hai anh em tự nhủ tại sao không làm thêm những clip hài ngắn, lồng ghép vào đó yếu tố văn hóa truyền thống và đăng tải lên Tiktok. Đối tượng sử dụng nền tảng này chủ yếu là giới trẻ. Cách truyền thông như vậy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tìm hướng đi mới để gây dựng tình yêu của thế hệ trẻ với văn hóa truyền thống”, Nguyễn Đức Trung bày tỏ.

Thực tế, hiệu quả đã đến khi nhiều khán giả sau khi xem clip bình luận, họ hiểu và yêu hơn về văn hóa dân tộc. Theo chia sẻ của Nguyễn Thành Dân, đã có khán giả hỏi để tìm hiểu về trang phục truyền thống được cả hai sử dụng trong các tiểu phẩm. “Có người hỏi cặn kẽ để tìm hiểu, cũng có người hỏi chỉ để đi thuê về chụp ảnh. Nhưng dù có thế nào thì đây đều là những tín hiệu tích cực về một thế hệ trẻ đang có xu hướng tìm về cội nguồn. Văn hóa truyền thống không hề nhàm chán, vấn đề là nó có được khơi dậy đúng cách hay không?”, Thành Dân cho biết.

Không chỉ dừng lại ở quảng bá văn hóa truyền thống, nhiều clip của Trung “thảo mai” - Anh Ba Dân còn hàm chứa thông điệp nhân văn về văn hóa ứng xử. Thành Dân cho hay: “Nếu đơn thuần là clip xem xong chỉ để cười cho vui thì sẽ khá nhạt. Mục đích của cả hai khi xây dựng clip là ngoài cười, người xem có thể tự rút ra bài học về văn hóa ứng xử, lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cộng đồng”. Hiện tại, nhiều video của hai bạn có nội dung hài hước, khéo léo lồng vào đó bài học mang tính giáo dục như không sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề; nhường nhịn nhau khi làm trong môi trường tập thể; mẹ chồng bảo vệ nàng dâu…

Cũng theo Thành Dân: “Với tư duy mới mẻ, giới trẻ hiện nay hoàn toàn có thể vận dụng sự sáng tạo để cho ra những nội dung giải trí văn minh, lành mạnh. Đây cũng là cách thế hệ trẻ ngày nay thể hiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Khi có nhiều nội dung bổ ích xuất hiện, tự khắc những nội dung bẩn, vô bổ không còn đất sống. Nhờ đó sẽ tạo dựng môi trường văn hóa tích cực, hành vi ứng xử chắc chắn cũng sẽ tốt lên”.

ĐÌNH TOÁN

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top