Ưu đãi để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài: Trông người, và ngẫm đến ta...

VHO- Hợp tác sản xuất, thu hút các đoàn làm phim nước ngoài là con đường giúp điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, quảng bá đất nước, con người và thúc đẩy công nghiệp điện ảnh phát triển. Nhiều nước trên thế giới xem việc hợp tác sản xuất phim là lĩnh vực quan trọng nên đã có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt…

Ưu đãi để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài: Trông người, và ngẫm đến ta... - Anh 1

Một cảnh quay của phim “Đông Dương” được thực hiện ở vịnh Hạ Long

 Dự Luật Điện ảnh (sửa đổi) trên tinh thần này quy định: Tổ chức nước ngoài làm phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế, dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam. Tuy nhiên, về quy định này hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Thiếu cơ chế ưu đãi thuế

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, nhiều quốc gia coi hợp tác sản xuất phim là cách thức quan trọng nhất để phát triển điện ảnh, nên đã có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt cho phim hợp tác, dịch vụ. Không đâu xa, ngay trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan mỗi năm đón hàng trăm đoàn phim đến quay. Trông người lại ngẫm đến ta, sau 3 tác phẩm điện ảnh của các nhà làm phim Pháp quay tại Việt Nam đầu những năm 90 của thế kỷ XX là Đông Dương, Người tình Điện Biên Phủ, thì đã nhiều năm nay không có dự án lớn nào được thực hiện. Năm 2002, bộ phim Người Mỹ trầm lặng là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Mỹ quay tại Việt Nam, và phải đến năm 2017, bộ phim Hollywood đầu tiên là Kong - Đảo đầu lâu mới chọn Việt Nam làm bối cảnh; đây cũng là tác phẩm điển hình thường được nhắc đến như một minh chứng hợp tác hiệu quả với đoàn phim nước ngoài của nước ta những năm gần đây.

Là nghịch lý hay không khi Việt Nam hội đủ yếu tố để thu hút các đoàn phim, nhưng đến nay mảnh đất màu mỡ này vẫn đang để trống? Theo các chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng là do Việt Nam chưa có cơ chế ưu đãi thuế cho đối tác điện ảnh ngoại. “Chính sách quan trọng nhất để thu hút các hãng phim nước ngoài là ưu đãi sản xuất phim. Đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang xây dựng các chương trình ưu đãi ngày một hấp dẫn và hoàn thiện hơn, với mức 20-30% giá trị dự án phim…”, TS Ngô Phương Lan dẫn chứng.

NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải tại một diễn đàn góp ý cho dự Luật điện ảnh (sửa đổi) đã bày tỏ, những quy định về khuyến khích, ưu đãi về chi phí, thuế đối với phim hợp tác với nước ngoài là những quy định mới, chưa từng được áp dụng tại Việt Nam, nên cần hướng dẫn cụ thể hơn. Ngoài phần ưu đãi về thuế, thủ tục..., hiện nhiều nước có những chính sách rất mạnh mẽ để thúc đẩy công nghiệp điện ảnh bằng cách hợp tác với điện ảnh nước ngoài, thu hút việc quay phim tại đất nước họ nhằm phát triển cả kinh tế, công ăn việc làm và văn hóa xã hội…

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) cũng cho rằng, việc hợp tác làm phim với nước ngoài của Việt Nam chưa đạt được những bước phát triển đột phá là do ta chưa có bất kỳ chính sách ưu đãi, ưu tiên nào cho họ. Vì vậy, thời gian qua, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt trong việc hợp tác sản xuất phim.

Những nền điện ảnh lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Hàn Quốc… đều có nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án làm phim như miễn phí bối cảnh quay, hoàn tiền mặt đối với chi phí sản xuất, miễn giảm thuế... Tại Hoa Kỳ, gần 40 bang đã ban hành các biện pháp ưu đãi, cạnh tranh nhằm thu hút các đoàn làm phim đến quay tại địa phương. Theo báo cáo của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, bang North Carolina đã dành một khoản ưu đãi thuế lên tới 20 triệu USD cho ê kíp sản xuất bộ phim Iron Man 3, và cứ mỗi USD từ khoản tín dụng đó đã thu về gần 9 USD cho nền kinh tế, 6,50 USD đóng vào tổng sản phẩm của bang North Carolina.

Tại Pháp, các chính sách miễn giảm thuế và chế độ nhập khẩu dành riêng cho đạo cụ phim trường có thể giúp các đoàn làm phim giảm tới 50% chi phí sản xuất tại quốc gia này. Nhờ ưu đãi tài chính, thủ đô Budapest của Hungary cũng trở thành một trong những địa điểm quay phim phổ biến nhất châu Âu. Tương tự, Hàn Quốc luôn đi đầu trong việc thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài với mức tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các cảnh quay, chủ động cử các đoàn khảo sát tới các nước để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội. Các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan đều có chương trình ưu đãi hấp dẫn, trong đó Malaysia hoàn tiền lên tới 30% chi phí sản xuất; Thái Lan hoàn thuế 15% cho đoàn làm phim ngoại chi tiêu trên 50 triệu bath và thêm 5% nữa nếu sử dụng nhân công địa phương và quảng bá hình ảnh tích cực về nước họ.

“So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam ở thế bất lợi hơn khi cạnh tranh trở thành điểm đến cho các nhà làm phim quốc tế bởi chưa có các biện pháp ưu đãi, hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính…”, theo bà Nguyễn Phương Hòa.

Ưu đãi để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài: Trông người, và ngẫm đến ta... - Anh 2

 “Người Mỹ trầm lặng” là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Mỹ quay tại Việt Nam

Để Việt Nam trở thành điểm đến cho điện ảnh quốc tế

Ban soạn thảo dự Luật khẳng định quan điểm, quy định chính sách ưu đãi nhằm thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam là cần thiết.

Theo đó, dự luật quy định, tổ chức nước ngoài làm phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế, bao gồm giảm thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế, dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định này hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số cho rằng, quy định không tương thích với Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, bởi vậy, cần phải sửa luật thuế theo đúng phương án tại dự Luật điện ảnh (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị hai phương án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Một là, quy định tổ chức nước ngoài làm phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế bao gồm giảm thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam; Hai là, bỏ quy định này khỏi dự thảo Luật.

Ban soạn thảo cho biết, Chính phủ và cơ quan thẩm tra thống nhất giữ nguyên quy định này tại dự thảo Luật. Việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh, các ngành dịch vụ liên quan, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Vì vậy, các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam là rất cần thiết.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu, các đại biểu quan tâm làm sao để có một chính sách phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh tốt hơn. Trong dự luật, Ban soạn thảo đã cố gắng thiết kế, nghiên cứu xu thế chung. “Khi tiếp xúc, trao đổi với một số nhà làm phim quốc tế, họ mong muốn chính sách này chứ không phải đơn thuần là chính sách kiểm duyệt…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, thu hút các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam và phát triển sản xuất phim hợp tác với nước ngoài là mảnh đất màu mỡ, nhưng Việt Nam chưa quan tâm khai thác xứng tiềm năng. TS Ngô Phương Lan nhấn mạnh, cần một sự quyết tâm để tạo những cơ chế, điều kiện và sự chăm chút cho công việc nhiều hứng khởi, đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng chứa đựng nhiều phức tạp này. Phát triển sản xuất phim hợp tác với nước ngoài cũng có nghĩa là chúng ta đã hiện thực hóa được một trong năm quan điểm chỉ đạo của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030: “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. 

 …Việc hợp tác làm phim với nước ngoài của Việt Nam chưa đạt được những bước phát triển đột phá là do ta chưa có bất kỳ chính sách ưu đãi, ưu tiên nào cho họ. Vì vậy, thời gian qua, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt... So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam ở thế bất lợi hơn khi cạnh tranh trở thành điểm đến cho các nhà điện ảnh quốc tế bởi chưa đơn giản hóa các thủ tục hành chính cùng các chính sách ưu đãi…

(Bà NGUYỄN PHƯƠNG HÒA, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTTDL)

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc