Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Phim nước ngoài quay tại Việt Nam: Vì sao cần thẩm định kịch bản đầy đủ?

Thứ Sáu 01/04/2022 | 10:36 GMT+7

VHO-  Tiếp tục thảo luận dự Luật Điện ảnh (sửa đổi), Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa diễn ra có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề thẩm định kịch bản phim nước ngoài quay tại Việt Nam. Một số cho rằng, hồ sơ xin cấp phép chỉ cần gửi kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết phân cảnh quay tại Việt Nam, thay vì kịch bản đầy đủ...

 “Người tình” được hãng Cinematic Hongkong tiến hành quay ở Việt Nam từ năm 1986-1990

 Ban soạn thảo khẳng định, tóm tắt phim chưa thể hiện hết được nội dung phim. Việc thẩm định kịch bản nhằm bảo đảm các nội dung có liên quan đến an ninh, chính trị cần phải được xem xét trên kịch bản đầy đủ. Đây là quan điểm được đưa ra từ thực tiễn công tác thẩm định kịch bản trong nhiều năm qua.

Ai chịu trách nhiệm?

Khoản 2 Điều 13 dự Luật Điện ảnh về Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội 2 phương án, gồm: Phương án 1 - Quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam; Phương án 2 - Quy định yêu cầu kịch bản đầy đủ.

Một số ý kiến chọn phương án 1, với những lý do: Kịch bản phim đầy đủ sẽ liên quan đến vấn đề bản quyền, ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Trong sản xuất phim, nên giữ bí mật để tránh bị đánh cắp hay sao chép. Mặt khác, quá trình làm phim, kịch bản chỉ là khung ban đầu, đạo diễn sẽ thêm bớt, sáng tạo thêm nên việc thẩm định kịch bản chi tiết không có nhiều ý nghĩa, chỉ cần cung cấp kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam là đủ. Ý kiến khác cho rằng, Việt Nam đang mong muốn thu hút các nhà làm phim nước ngoài sử dụng các bối cảnh của chúng ta để quảng bá ra thế giới, trong khi các quy định lại quá chặt chẽ; và rằng, quan trọng nhất là người làm phim, tác phẩm đó không vi phạm vào Điều 9, những điều cấm của Luật Điện ảnh, còn không nhất thiết phải quy định những vấn đề khác...

Thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ điện ảnh, và cũng là kênh quảng bá hữu hiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan. Để Việt Nam trở thành “viên nam châm” cuốn hút các đoàn làm phim nước ngoài, điện ảnh cần có nhiều chính sách ưu đãi, mời gọi. Tuy nhiên, tiếp sau cánh cửa đang dần rộng mở đó, việc thẩm định kịch bản đầy đủ khi cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài là điều cần thiết.

Vì sao? Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, quan điểm của Ban soạn thảo là mong muốn có được kịch bản toàn diện, hoàn chỉnh. Nhìn sang các nền điện ảnh phát triển ngay gần chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan…, họ đều bắt buộc trình kịch bản tổng thể. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu, có những bộ phim nước ngoài sau khi quay tại Việt Nam, khi về nước lại truyền tải một câu chuyện khác, có thể sai lệch. Có những bộ phim chúng ta không cho phép lưu hành tại Việt Nam, nhưng nó sẽ được lưu hành ở các quốc gia khác. “Nếu chúng ta không nắm được kịch bản tổng thể mà chỉ chấp nhận phân khúc ở Việt Nam, thì sau này những vấn đề quan trọng về an ninh chính trị, về quốc phòng an ninh, ai sẽ chịu trách nhiệm? Đây là một thực tế”, lãnh đạo Bộ VHTTDL nhấn mạnh.

Quan điểm của Ban soạn thảo được đúc rút từ thực tiễn công tác thẩm định kịch bản trong nhiều năm qua. Nhiều bộ phim do các nhà sản xuất nước ngoài đến thực hiện các cảnh quay tại Việt Nam, được dư luận chú ý với thành công vang dội, đều đã được cơ quan chuyên ngành điện ảnh thẩm định kỹ càng kịch bản nhằm đảm bảo các yếu tố nội dung chính xác. Kong: Skull Island là một ví dụ, ở thời điểm bộ phim đang làm mưa làm gió, nhà sản xuất Alex Garcia đã chia sẻ: “Được quay phim tại đất nước Việt Nam với

 những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là một đặc ân lớn lao đối với đoàn làm phim chúng tôi”. Gần đây, kịch bản phim Du lịch đến tình yêu (A tourist’s Guide to Love) cũng đã được Cục Điện ảnh thẩm định kịch bản chi tiết, dự kiến khởi quay trong tháng 4 tại nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam.

“Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo đây là Bộ luật phải đảm bảo hai mục tiêu: Vừa tạo điều kiện để phát triển nghệ thuật, vừa là ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo là phải làm sao cân đối được tiêu chí này để thiết kế các điều luật phù hợp với xu thế chung. Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi đã nghiên cứu, tham khảo 20 luật của các nước phát triển để khi ra sân chơi lớn chúng ta không bị lạc hậu”. 

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Như thế, hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài là một trong những vấn đề quan trọng để hiện thực hóa ước vọng đưa công nghiệp điện ảnh Việt Nam cất cánh. Nhưng, nhìn từ góc độ chuyên môn, các chuyên gia điện ảnh nhận định, tóm tắt phim chưa thể hiện hết được nội dung phim. Với những đặc thù của điện ảnh, mỗi tác phẩm là một chỉnh thể thống nhất thì việc thẩm định kịch bản nhằm bảo đảm các nội dung có liên quan đến an ninh, chính trị rõ ràng không thể chỉ dựa trên kịch bản tóm tắt mà cần được xem xét trên kịch bản đầy đủ. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhắc lại dự án phim nước ngoài muốn vào quay ở Sơn Đoòng, khi thẩm định kịch bản mới biết phim nói về một gia đình sống ở đó, nhưng Sơn Đoòng lại là của một nước khác chứ không phải của Việt Nam; có phim nói đến sự kiện lịch sử nhưng hoàn toàn sai lệch... Nếu không thẩm định kịch bản đầy đủ thì sẽ xảy ra những sai sót nghiêm trọng.

 Bộ phim “Kong: Skull Island” có bối cảnh quay tại Việt Nam đã được đề cử giải Oscar cho danh hiệu “Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất”

Để không lặp lại những bài học nhãn tiền

Nhà báo Trần Việt Văn (thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện) cho rằng, thực tế luôn là câu trả lời chính xác nhất. Trong lĩnh vực phim ảnh, thực tế là từ trước đến nay, chưa hề có chuyện lộ bí mật kịch bản chi tiết của nhà làm phim nước ngoài muốn sử dụng bối cảnh quay ở Việt Nam; nếu có, chắc chắn đã xảy ra những vụ kiện theo Luật quốc tế. Vì thế, ông Trần Việt Văn nhấn mạnh, mọi nỗi lo xa đều cần có minh chứng thuyết phục chứ không thể chỉ là nỗi lo cảm tính.

“Thẩm định kịch bản điện ảnh đôi khi chỉ lơ là vài giây hoặc một vài lời thoại cũng có thể xảy ra sai sót lớn. Nếu để tạo sự thông thoáng mà chúng ta bỏ qua khâu thẩm định kịch bản tổng thể thì không thể biết nội dung phim thế nào, có phản ánh sai lệch gì hay không. Điều đó rất nguy hiểm”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ.

Vậy, kịch bản đầy đủ có phải làm khó dễ các nhà làm phim ngoại quốc hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Việt Văn nêu, chúng ta đã từng có những bài học nhãn tiền khi buông lỏng khâu duyệt kịch bản. Năm 1989, phim Stars and Roses của đạo diễn Huỳnh Thái Lai (Taylor Wong), nội dung kịch bản được duyệt, đoàn làm phim quay nhiều ngày ở TP.HCM và một số tỉnh, sau đó họ mang về Hồng Kông làm hậu kỳ. Trong quá trình quay, có những cảnh đồng bào mình tụ tập xem khá đông và có cảnh sát giữ trật tự... Thế nhưng sau đó, phim về dựng lại là công an Việt Nam đàn áp dân chúng khi họ biểu tình đòi quyền tự do dân chủ! Hoặc, kịch bản phim Hollywood Pink Ville (Làng Hồng) về vụ thảm sát Sơn Mỹ, họ định sang Việt Nam quay nhưng kịch bản có yếu tố không đúng với sự thật lịch sử... Năm 2018-2019 cũng có phim Hollywood vào xin quay về cuộc tổng tiến công nổi dậy ở Huế - Tết Mậu Thân 1968, nhưng chúng ta không đồng ý vì kịch bản có đoạn nói Việt Cộng thảm sát dân Huế, chôn tập thể...

Ông Trần Việt Văn cũng cho rằng, từ thực tế đó, việc cung cấp kịch bản đầy đủ của các nhà làm phim ngoại quốc khi muốn sử dụng bối cảnh quay ở Việt Nam là hết sức cần thiết. Nhìn sang Thái Lan, đất nước mỗi năm đón hàng trăm đoàn phim quốc tế đến quay, tưởng như rất thông thoáng nhưng họ lại yêu cầu rất chặt chẽ kịch bản đầu tiên và kịch bản cuối cùng. Bên cạnh đó, họ cũng yêu cầu về lịch trình quay chi tiết từng ngày, từng khung giờ với các tòa nhà chính phủ, Công viên Quốc gia, các khu tôn giáo…; danh sách tên các thành viên đoàn làm phim, vai trò của họ và thông tin chi tiết về hộ chiếu; danh sách người VIP sẽ được phỏng vấn (nếu có) và thông tin chi tiết về những người phỏng vấn; danh sách các thiết bị sẽ được sử dụng trong vụ bắn súng, đặc biệt là hóa chất, vũ khí quân sự và chất nổ...

Việt Nam dù có nhiều thuận lợi về phong cảnh, danh thắng, đa dạng vùng miền và bề dày lịch sử - văn hóa, nhưng dường như lĩnh vực hợp tác và cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài vẫn còn thiếu vắng? - Đây là câu hỏi cần sớm được trả lời. Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng cho hay, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này. Nhưng rõ ràng, trên tinh thần của Luật Điện ảnh (sửa đổi) là tiếp cận điện ảnh từ góc độ vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa như một ngành công nghiệp văn hóa thì mỗi bộ phim, dù được sản xuất trong nước, hoặc hợp tác, cung cấp dịch vụ sử dụng bối cảnh cho đoàn phim nước ngoài đều cần được thẩm định đầy đủ, nhằm tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhân văn, giáo dục, quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới một cách sinh động, chân thực và đẹp đẽ… 

 Thực tế là từ trước đến nay, chưa hề có chuyện lộ bí mật kịch bản chi tiết của nhà làm phim nước ngoài muốn sử dụng bối cảnh quay ở Việt Nam; nếu có, chắc chắn đã xảy ra những vụ kiện theo Luật quốc tế. Vì thế, mọi nỗi lo xa đều cần có minh chứng thuyết phục chứ không thể chỉ là nỗi lo cảm tính.

(Nhà báo TRẦN VIỆT VĂN, thành viên Hội đồng TƯ thẩm định và phân loại phim truyện)

 

 Ý kiến “thẩm định kịch bản chi tiết làm mất bản quyền" là không có cơ sở

Những ý kiến cho rằng, việc thẩm định kịch bản phim chi tiết đối với các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam sẽ liên quan đến vấn đề bản quyền, ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, theo tôi, chuyện đó chưa từng có và cũng sẽ không bao giờ có. Mỗi quốc gia, mỗi đoàn phim khi thực hiện một bộ phim đều có ý tưởng của họ, đều luôn ý thức quy định của pháp luật về vấn đề bản quyền. Những người trong Hội đồng thẩm định càng không bao giờ làm những việc như vậy; đó là quy định chung và là nguyên tắc của công tác thẩm định kịch bản. Bởi thế, tôi cho rằng đó là những lo lắng không có cơ sở.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, hội nhập quốc tế nói chung và trong điện ảnh nói riêng là rất cần thiết. Thế nhưng, trên thực tế, có những bộ phim nước ngoài khi làm ở Việt Nam đã để lại cho chúng ta những bài học lớn, khi quay là A nhưng câu chuyện sau đó lại thành B. Thẩm định kịch bản chi tiết là điều nên làm và cần thiết, vấn đề là chúng ta không nên đi sâu, can thiệp vào kỹ thuật, ý tưởng sáng tác của họ. Điều quan trọng mà các nhà thẩm định cần quan tâm là những nội dung, cảnh quay đó họ đang quay cái gì, ý định của họ như thế nào, ý tưởng về nghệ thuật ra sao, có ảnh hưởng đến văn hóa và những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam hay không, có phù hợp với quy định pháp luật hay không. Nếu chỉ là kịch bản tóm tắt hay một vài phân đoạn quay tại Việt Nam thì không nên duyệt làm gì. Theo tôi, đã duyệt thì phải duyệt kịch bản hoàn chỉnh, chi tiết.

(GS.TS TRẦN THANH HIỆP, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim truyện)

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top