“Bố ơi, bố làm gì để diệt con virus đi!”

VHO- Là TS Hóa học, tưởng chừng không liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các y, bác sĩ tuyến đầu, nhưng lời đề nghị có vẻ vu vơ “Bố làm gì để diệt con virus đi” của cậu con trai 10 tuổi đã thôi thúc PGS.TS Phan Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) phải làm điều gì đó.

“Bố ơi, bố làm gì để diệt con virus đi!” - Anh 1

PGS.TS Phan Trung Nghĩa

Thời điểm tháng 5 - 6.2021 khi tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang đang vào thời kỳ đỉnh điểm với số bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh, y, bác sĩ phải căng mình chống dịch trong cường độ công việc gấp 200% sức lực và cái nắng nóng 39-40 độ C càng làm họ kiệt sức. Hằng ngày, hình ảnh những y, bác sĩ bị ngất xỉu, bị rộp cả lưng hay bàn tay bủng beo vì phải “tắm” trong mồ hôi và bộ bảo hộ phòng dịch kín mít xuất hiện liên tiếp trên mạng xã hội và các kênh truyền thông đã thôi thúc PGS.TS Phan Trung Nghĩa sáng chế một cái máy làm mát cho y bác sĩ. Từ ý tưởng, PGS.TS Phan Trung Nghĩa cùng đồng nghiệp và sinh viên Trường Đại học Bách khoa đã chế tạo ra hệ thống lọc khí sạch và cung cấp khí sạch làm mát và làm khô mồ hôi cho y, bác sĩ.

“Máy này rất đơn giản, chỉ cần gắn với một hệ thống động cơ có màng lọc để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và cung cấp khí sạch qua vòi xịt áp lực mạnh. Các y, bác sĩ có thể dùng để xịt không khí sạch với tốc độ mạnh vào người giúp làm mát cơ thể và nhanh chóng khô mồ hôi”, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su chia sẻ.

Gần 10 cái máy gọn nhẹ, giá thành chỉ khoảng 10 triệu đồng/chiếc được sản xuất kịp thời để gửi đến Bắc Ninh, Bắc Giang hỗ trợ y, bác sĩ vào đúng lúc thời tiết mùa hè oi ả nhất. Đây chỉ là một trong chuỗi sản phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch đảm bảo an toàn, sức khỏe cho y bác sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Nói về bước ngoặt “rẽ ngang” từ chuyên môn nghiên cứu về hóa học cao phân tử sang thiết kế các sản phẩm hỗ trợ chống dịch mang thương hiệu “made in Vietnam”, PGS.TS Phan Trung Nghĩa chia sẻ, ở nhà anh có hai cậu con trai, trong đó cậu lớn 10 tuổi. Cậu phải ở nhà học online, không được đến trường và thường xuyên nghe nói về dịch Covid-19, về virus SARS-CoV-2. Một hôm, cậu nói với bố: “Bố ơi, bố làm gì để diệt con virus đi!”. Câu nói lúc đầu thì có vẻ vu vơ, không liên quan đến chuyên môn hóa học anh đang làm. Nhưng lâu lâu cậu lại lặp lại một lần, cùng với phong trào phát động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chung tay phòng, chống dịch Covid-19, nên anh bắt đầu suy nghĩ về ý tưởng phải thiết kế sản phẩm nào đó góp sức cùng cả nước chống dịch.

Sản phẩm đầu tiên là băng ca áp lực âm dành cho việc vận chuyển bệnh nhân được bắt tay nghiên cứu từ tháng 6.2020. Băng ca áp lực âm được cấu tạo gồm 4 bộ phận chính là băng ca khiêng bệnh nhân vào buồng chứa, buồng cách ly áp lực âm hình vòm, hệ thống điện tử và hệ thống lọc. Bên trong buồng cách ly có gắn thêm hệ thống lọc khí, giúp ngăn cản các hạt dịch siêu nhỏ chứa virus thoát ra môi trường bên ngoài. Sản phẩm này trở thành 1 trong 4 sáng kiến của Việt Nam vượt qua gần 2.000 dự án từ 92 quốc gia để nhận giải thưởng trị giá 1 triệu USD từ cuộc thi sáng tạo của Quỹ ứng phó Covid-19 thuộc Đại học Pháp ngữ (AUF) vào tháng 10.2020.

“Bố ơi, bố làm gì để diệt con virus đi!” - Anh 2

 Xe lăn di động áp lực âm

Từ sản phẩm này, thầy trò PGS.TS Phan Trung Nghĩa đã thiết kế, tạo ra phòng áp lực dương để y, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ ngơi, dưỡng sức trên chuyến bay hàng chục giờ “giải cứu” 129 công dân từ Guinea Xích đạo về nước hồi tháng 7.2020. “Dù không có dự án nào tài trợ, nhưng khi các y, bác sĩ đặt hàng cần có sản phẩm gì đó để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế thì thầy trò Trường Đại học Bách khoa cùng say sưa nghiên cứu, sản xuất thành chuỗi các sản phẩm. Các thầy, cô bỏ tiền nguyên vật liệu, sinh viên bỏ công sức nhưng ai cũng vui vì đã góp được sức mình cùng Nhà nước và nhân dân trên trận chiến chống dịch”, tác giả của nhiều sản phẩm chống dịch chia sẻ.

Một điểm nội trội trong các sản phẩm do nhóm của thầy trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sáng tạo ra là vật liệu được sử dụng có giá thành rẻ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, dễ sử dụng, phù hợp với thời tiết, khí hậu, thể trạng của người Việt Nam và có khả năng tái sử dụng nhiều lần sau khi đã khử khuẩn toàn bộ. Chẳng hạn, trong khi giá thành của băng ca áp lực âm được rao bán trên trang thương mại điện tử Amazon khoảng 250-300 triệu đồng/chiếc thì của Việt Nam chỉ khoảng 45-50 triệu/chiếc... Chất lượng tốt, giá thành hợp lý nên các sản phẩm của thầy trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có mặt trong các ca phẫu thuật, hay các điểm nóng của dịch từ Điện Biên, Bắc Ninh, Bắc Giang cho đến tận TP.HCM và các tỉnh, thành miền Nam.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc