Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Văn chương Việt ở đâu trên bản đồ văn học thế giới?

Thứ Tư 02/02/2022 | 08:30 GMT+7

VHO- Mỗi năm, các nhà văn Việt Nam xuất bản tới vài ngàn đầu sách, nhưng số sách được dịch và xuất bản ở nước ngoài lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến với các Hội chợ sách lớn trên thế giới, hầu như không thấy, hoặc chỉ một vài cuốn sách Việt Nam tham gia, so với cả trăm đầu sách/quốc gia mạnh về văn học và ngôn ngữ, hoặc vài chục đầu sách/quốc gia trung bình khác. Đương nhiên, trên thị trường văn học thế giới, sách Việt không được mua -bán, thậm chí không có để mua-bán.

Sách thơ “Nguyễn Thanh Kim” xuất bản ở Romania

Câu hỏi đặt ra là: Văn học Việt Nam quá dị biệt, hay còn yếu, khiến thế giới khó tiếp nhận, hay vì lý do nào khác?

Còn thiếu sót trong việc quảng bá hình ảnh

Tiến sĩ Bích Ngọc Turner, đang giảng dạy Ngôn ngữ và văn học Việt Nam tại Mỹ, cho biết: “Hầu như thế giới chỉ biết đến văn học Việt Nam qua các tác phẩm về chiến tranh chống Pháp, Mỹ và chiến tranh lạnh. Phía Việt Nam cũng có chủ động dịch và giới thiệu một số tác phẩm về chiến tranh chống Pháp, Mỹ. Thời chiến tranh lạnh, nhiều người Việt ra nước ngoài, tiếp cận với bản xứ, viết, dịch, giới thiệu khiến thế giới biết thêm đến văn học Việt. Đặc điểm chung của văn học Việt dịch ra thế giới cho đến năm 2010 đều là chống chiến tranh và kể chuyện buồn: Chuyện cải cách ruộng đất, chiến tranh, tị nạn, ly tán, chết chóc, trầm cảm, sang chấn tâm lý, xung đột gia đình do khác biệt tư tưởng. Điển hình là tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, đượm màu sắc buồn và bi quan. Từ 2010 trở lại đây, các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nước ngoài có tính chất nhân đạo, nhẹ nhàng, tình cảm hơn…”.

Bản thân tôi cũng chứng kiến một cảnh tượng buồn thế này. Năm 2018 tôi đến nước Anh, khi đi thăm thành phố Cambridge, tôi lạc đường nên dừng một cặp vợ chồng người bản xứ lại để nhờ họ chỉ dẫn. Khi chỉ đường cho tôi xong, họ hỏi tôi từ đâu đến, khi tôi trả lời là tôi đến từ Việt Nam, thì người vợ đột nhiên nắm tay tôi, vẻ mặt đầy thương cảm, nói rằng bà rất thương Việt Nam, Việt Nam bị chiến tranh khổ quá, hẳn người Việt sống nhọc nhằn đau khổ lắm phải không… Tôi đã phải dừng lại khá lâu để giải thích cho vợ chồng người Anh đó rằng, chiến tranh đã qua lâu rồi, giờ đây người Việt Nam chúng tôi sống rất tốt, ông bà nên tới thăm Việt Nam… Họ mỉm cười giải thích rằng, do họ đọc sách toàn nói về Việt Nam trong chiến tranh nên bị ám ảnh như vậy mỗi khi nghe nhắc tới Việt Nam. Đây thực sự là một lỗi lớn của văn học nghệ thuật trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam.

       “Sông núi trên vai” gồm tác phẩm của 44 nhà thơ tiêu biểu xuất bản ở Italia

Nhà văn Việt Nam đâu kém tài!

 Có thể thấy rõ một điều rằng, các nhà văn Việt Nam đều vô cùng mong mỏi tác phẩm của mình được giới thiệu, xuất hiện ở nước ngoài, được bạn đọc nước ngoài quan tâm. Nhưng chỉ xét trong 10 năm trở lại đây, cũng chỉ mươi nhà văn trong số hơn 1.000 nhà văn Việt Nam có tác phẩm được giới thiệu ra nước ngoài như: Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Mai Văn Phấn, Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban. Những nhà văn này cũng chỉ có từ 1 đến 3 đầu sách từng được xuất bản ở nước ngoài. Trong khi đó, các nhà văn thế giới thì khá quan tâm đến việc sách của mình được phổ biến ở nước ngoài. Tại các sự kiện văn học thế giới, mỗi nhà văn đều có ít nhất 5 tác phẩm được dịch ra 5 ngôn ngữ khác nhau. Trong khi đó nhà văn Việt Nam tham dự, có tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, nhưng hầu như không có tác phẩm nào được dịch ra tiếng nước ngoài.

Các nhà văn Việt Nam cũng không phải kém tài. Xét về giá trị tác phẩm Việt Nam qua các giải thưởng văn học quốc tế uy tín, các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại như Viet Thanh Nguyen, Kim Thúy, Linda Le, Thuận, Trần Vũ, Đinh Linh… cũng đã xuất bản nhiều sách ở nước ngoài và được giải thưởng danh giá như giải Pulitzer, thậm chí nhà văn Kim Thúy còn được đề cử giải Nobel Văn học thay thế vào năm 2018…

Trong nước, nhà văn Bảo Ninh được nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh; tác phẩm Cánh đồng bất tận (được dịch sang tiếng Đức: Endlose Felder) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc nhằm ghi nhận những đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế; tập tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn của nhà văn Nguyễn Bình Phương được Nhà xuất bản Riveneuve của Pháp xuất bản với bản dịch của nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuel Poisson; nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai được trao giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình năm 2021…

Điểm yếu rõ ràng ở khâu đầu tư dịch tác phẩm và quảng bá tác phẩm ở nước ngoài. Từ năm 2019, Hội Nhà văn đã có đề án trình Chính phủ về dịch 100 tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam để quảng bá ở nước ngoài, nhưng đề án vẫn đang phải chờ xem xét. Các tổ chức phi chính phủ hoặc các Quỹ xã hội hóa cũng chưa vào cuộc trong việc đầu tư quảng bá văn học Việt Nam. Thời gian qua, mới chỉ có một số cá nhân các nhà văn biết ngoại ngữ, hoặc qua mối quan hệ, cầu nối văn chương, tự thân vận động, kết nối được với các dịch giả, biên tập viên, nhà xuất bản nước ngoài nên đã có tác phẩm xuất ngoại như Mai Văn Phấn, Nguyễn Phan Quế Mai, Trần Quang Đạo, Nguyễn Thanh Kim, Vũ Trọng Thái. Thậm chí có những nhà văn giỏi ngoại ngữ, sáng tác bằng ngoại ngữ, không cần thông qua bản dịch để xuất bản ở nước ngoài như Nguyễn Phan Quế Mai, Mộng Lan, Kiều Bích Hậu (tiếng Anh), Linda Lê (tiếng Pháp)... Được biết, hiện Bộ VHTTDL đang nỗ lực đưa ra các giải pháp để phát triển văn học, trong đó có việc phối hợp xây dựng Đề án phát triển văn học nghệ thuật nước nhà giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 để trình Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Nếu Đề án được thông qua, Chương trình sẽ tạo nên một cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà, trong đó có việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Đặc điểm chung của văn học Việt dịch ra thế giới cho đến năm 2010 đều là chống chiến tranh và kể chuyện buồn: Chuyện cải cách ruộng đất, chiến tranh, tị nạn, ly tán, chết chóc, trầm cảm, sang chấn tâm lý, xung đột gia đình do khác biệt tư tưởng, đượm màu sắc buồn và bi quan. Từ 2010 trở lại đây, các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nước ngoài có tính chất nhân đạo, nhẹ nhàng, tình cảm hơn…”.

(Tiến sĩ Bích Ngọc Turner, giảng viên ngôn ngữ và văn học Việt Nam tại Mỹ

 

KIỀU BÍCH HẬU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top