Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hội đồng tư vấn du lịch, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân... đề xuất Cho phép mở cửa du lịch quốc tế từ 1.5

Thứ Hai 24/01/2022 | 11:17 GMT+7

VHO- Trong thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề xuất người đứng đầu Chính phủ cho phép công bố chính thức việc mở cửa biên giới quốc tế của Việt Nam, từ 1.5.2022.

 Thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam đã thu được kết quả bước đầu Ảnh: KHÁNH MẠNH

Theo 3 tổ chức trên, những quy định được áp dụng trong gần 2 năm qua liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 gần như đã “đánh gục” ngành Du lịch, một ngành mà trước đại dịch đã có đóng góp rất lớn vào GDP và việc làm.

Mở cửa để “cứu” doanh nghiệp

Từ quan điểm của giới đầu tư, kinh doanh ngành Du lịch và lữ hành, TAB, Ban IV và VBF cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần xác định thời điểm trở lại trạng thái “bình thường”. Mặc dù cho biến chủng Omicron có thể sẽ gây nguy hiểm nhưng Việt Nam có những điều kiện để mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế, vượt qua được cơn sóng dịch này.

Tuy nhiên, trước những thách thức lớn vẫn đang tồn tại, TAB, Ban IV và VBF đề xuất với Thủ tướng cùng Chính phủ một số giải pháp phù hợp để phục hồi và phát triển du lịch. Vì hiện nay, dù các bước thí điểm đã thu được một số kết quả nhưng về tổng thể, các hạn chế được áp dụng trong gần 2 năm qua gần như đã khiến ngành Du lịch gặp vô vàn khó khăn. Trong khi đó, có thể thấy thực tế là Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã được thực hiện ở một số địa phương mà không tạo ra thách thức gì đáng kể do Việt Nam đã đạt được tỉ lệ tiêm vắc xin phòng ngừa dịch cao. “Chúng ta có thể nhận định rằng, Việt Nam hiện nay hoàn toàn đã ở một vị thế tuyệt vời để có thể hành động mạnh mẽ nhằm thu hút sự chú ý của cả thế giới bằng việc công bố chính thức việc mở cửa đất nước, trở lại với các chính sách, quy định có trước đại dịch Covid”, bức thư viết.

Việc mở cửa kịp thời không chỉ nhằm phục hồi ngành Du lịch mà còn hỗ trợ cả nền kinh tế, những ngành nghề khác cũng có cơ hội phát triển. Do đó, việc chính thức mở cửa toàn bộ trở lại sẽ tạo cơ hội cứu sống nhiều doanh nghiệp trong ngành Du lịch. Việc mở cửa cần được áp dụng đối với cả khách công vụ, người Việt Nam ở nước ngoài về nước và du khách nước ngoài. Sự mở cửa này càng trở nên cấp thiết khi đến nay Campuchia và Lào cũng đã chính thức mở cửa biên giới. Và điều quan ngại là không ít người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang chọn về nước bằng cách bay đến Phnom Penh (Campuchia), rồi đi đường bộ về nước, để tránh phải trả chi phí cao cho các chuyến bay hồi hương trọn gói.

Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính hiện cũng đang tạo ra những ràng buộc cho các doanh nghiệp trong chính lĩnh vực bị thiệt hại nhiều nhất. Cụ thể là các doanh nghiệp trong ngành đã có giấy phép kinh doanh lữ hành, khách sạn vẫn bị đòi hỏi phải xin thêm các phê duyệt khác nhau để có thể tham gia kinh doanh. Ngoài ra, cả người nước ngoài và người Việt Nam muốn hồi hương đều đối mặt với những khó khăn đáng kể do không biết rõ cần hỏi ai, hỏi gì và bao giờ được phép vào Việt Nam.

Tập trung 4 giải pháp

TAB, Ban IV và VBF cho rằng đã đến lúc cần xác định thời điểm trở lại trạng thái “bình thường”. “Mặc dù chúng ta biết biến chủng Omicron có thể sẽ gây nguy hiểm nhưng chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể vượt qua được sóng dịch này vì chúng ta có tỉ lệ tiêm chủng cao; kinh nghiệm đã có ở TP.HCM và các phương pháp điều trị mới. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng Việt Nam có thể xử lý tốt bất kỳ đợt dịch nào và làn sóng nào cũng sẽ kết thúc trong vòng vài ba tháng. Do vậy, chúng tôi muốn khuyến nghị chọn thời điểm ngày 1.5.2022 để chấm dứt tất cả các hạn chế di chuyển cả nội địa và quốc tế vào Việt Nam và từ Việt Nam”, bức thư viết.

Theo TAB, Ban IV và VBF điều này sẽ cho phép ngành Du lịch, bao gồm các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hãng hàng không đủ thời gian chuẩn bị, cũng như để các địa phương hoàn tất chương trình tiêm liều tăng cường cho phần đông dân cư. Các hoạt động quảng bá cũng cần thiết, nhưng Việt Nam sẽ nhận được nhiều quảng bá miễn phí nhờ hành động mạnh mẽ và đưa ra một công bố như vậy. Cộng đồng doanh nghiệp nói trên cũng khuyến nghị rằng các cơ chế, quy trình cần thiết để triển khai chương trình nêu trên cần được phối hợp ở cấp trung ương, thay vì để cho các địa phương thực hiện riêng rẽ. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta mở rộng miễn visa cho tất cả các thị trường mục tiêu và các quốc gia có nhiều đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các đại sứ quán và cơ quan nhà nước tại các thị trường mục tiêu cần được thông báo rõ các kế hoạch này.

Trong góp ý để thực hiện thành công Nghị quyết 128, để ngành Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19 như mục tiêu của Chính phủ thì TAB, Ban IV và VBF đồng kiến nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan đặc biệt quan tâm, tập trung vào 4 giải pháp: Công bố lịch trình mở cửa và tăng các chuyến bay thương mại đến và đi từ các điểm đến quan trọng về đầu tư và du lịch, không có bất kỳ hạn chế nào; Dỡ bỏ yêu cầu đối với công dân mang hộ chiếu nước ngoài phải nộp hồ sơ xin “giấy phép nhập cảnh” và áp dụng trở lại như trước đây hệ thống quy định đối với khách nhập cảnh vào Việt Nam phải có thị thực hoặc được miễn thị thực; Công dân Việt Nam ngay lập tức được tạo điều kiện trở về Việt Nam bằng mọi chuyến bay thương mại; Cam kết một thời điểm chính thức mở cửa du lịch và hủy bỏ tất cả các hạn chế đã được áp dụng trong 2 năm qua đối với công dân Việt Nam, người nước ngoài và các doanh nghiệp, để các hoạt động lập kế hoạch và quảng bá có thể thực hiện được (thích hợp nhất là từ 1.5).

 Tìm sự thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa

Hôm nay 24.1, Bộ VHTTDL sẽ chủ trì tổ chức Hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với đầu cầu trung tâm tại Bộ VHTTDL và 20 điểm cầu ở các địa phương. Hội thảo do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo UBND, Sở quản lý du lịch 21 địa phương; các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không…

Hội thảo nhằm đánh giá kết quả việc thực hiện Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo Hướng dẫn số4122/HD-BVHTTDL của Bộ VHTTDL; lắng nghe ý kiến chia sẻ của các địa phương, các doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm; xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp về lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế. NGUYỄN ANH

 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top