Công nhân vệ sinh môi trường: Nghề nguy hiểm

vho- Công nhân vệ sinh môi trường, nghề vất vả, âm thầm làm đẹp cho đời nhưng cũng chịu nhiều hiểm nguy. Đối mặt với ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe và giờ thì họ luôn đối mặt với những “xe điên” hay những thành phần bất hảo trong những đêm khuya vắng.

Công nhân vệ sinh môi trường: Nghề nguy hiểm - Anh 1

Chị Nguyễn Thị Tin bị ô tô đâm trọng thương tại Hà Nội đêm 15.12 Ảnh: INTERNET

 Mới đây, vào đêm 15.12, khi đang thu gom rác trên tuyến đường Minh Khai, chị Nguyễn Thị Tin, công nhân Tổ Môi trường 11, Chi nhánh Hai Bà Trưng (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) đã bị một xe ô tô giống xe Innova màu bạc tông vào. Sau khi bị đâm, chị Tin bị ô tô cuốn vào gầm. Tài xế ô tô không chịu dừng xe mà tiếp tục tăng ga bỏ chạy, kéo lê nạn nhân dưới gầm xe, chạy hướng từ ngã tư Lạc Trung lên đê Nguyễn Khoái. Đến đê Nguyễn Khoái, chị Tin bị văng ra vỉa hè đường trong tình trạng nguy kịch, còn chiếc xe tiếp tục bỏ chạy. Ngay sau đó, nữ công nhân này được người dân đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng cảnh sát giao thông đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, truy tìm tài xế ô tô đã gây ra tai nạn cho nữ công nhân này. Được biết, gia cảnh của chị Nguyễn Thị Tin rất khó khăn, không có công việc ổn định, chị là lao động chính trong nhà nuôi cả gia đình.

Trước đó, đêm 3.8, chị Lê Thị Trâm (SN 1982), là công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Cầu Diễn khi đang đi dọn rác trên địa bàn phường Đại Mỗ đã bị nhóm 4 thanh niên đi 2 xe máy không biển kiểm soát chặn lại, bắt chị xuống xe và lấy chiếc xe đi, bất chấp chị Trâm quỳ lạy van xin. Cũng như chị Tin, gia cảnh chị Trâm cũng rất khó khăn. Chồng đi làm thợ xây, tối chị đi thu gom rác, chiếc xe máy là tài sản quý giá nhất trong nhà. Clip chị bị cướp xe đã được một camera an ninh thu lại, sau đó đưa lên mạng khiến dư luận bất bình với những kẻ bất lương, đồng thời làm nhiều người xúc động và muốn giúp đỡ chị. Sau đó, các cán bộ, chiến sĩ Công an quận Nam Từ Liêm đã tự nguyện quyên góp tiền lương để mua 1 chiếc xe máy mới tặng chị Trâm. Cùng với đó, cộng đồng mạng đã tìm đến, tặng chị Trâm thêm 4 chiếc xe máy nữa. Nhưng với tấm lòng thơm thảo, chị đã tặng lại 2 chiếc xe máy vừa nhận được cho hai đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn là một nam lao công bị cháy xe và một nữ lao công cũng bị cướp xe giống chị. Hai chiếc xe còn lại, chị Trâm tìm người có hoàn cảnh khó khăn để trao tặng chứ không giữ lại cho riêng mình.

Công nhân vệ sinh môi trường: Nghề nguy hiểm - Anh 2

 Thiếu nơi thu gom rác cùng với sự thiếu ý thức của một số người khiến việc thu dọn rác của công nhân vệ sinh môi trường ngày càng vất vả và nguy hiểm

Trong những năm gần đây, tại Hà Nội, công nhân vệ sinh môi trường gặp nạn khi làm việc ca đêm không còn hiếm gặp. Bị người dân chửi mắng, thậm chí hành hung có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cách đây hơn 2 năm, vụ "xe điên" gây tai nạn liên hoàn xảy ra vào khoảng 0h ngày 23.4.2019 tại đường Láng (thuộc địa bàn phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) khiến chị Lê Thị Thu Hà (SN 1977) là công nhân vệ sinh môi trường đô thị tử vong khiến cộng đồng mạng và dư luận xã hội hết sức bức xúc. Tài xế điều khiển phương tiện là “ma men” đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật, tuy nhiên, nỗi đau để lại cho gia đình không có gì bù đắp nổi.

Làm việc ban đêm, lại là nơi lòng lề đường, mối hiểm nguy rình rập công nhân vệ sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện nay, việc thiếu nơi thu gom rác khiến nhiều vỉa hè, lòng lề đường ở Hà Nội thành nơi tập trung các xe rác do công nhân vệ sinh môi trường đưa về. Đẩy xe rác dưới lòng lề đường, gom rác dưới lòng lề đường đang là hình ảnh dễ thấy ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội. Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn, tuy nhiên, nếu Hà Nội có những điểm chứa rác, những nơi trung chuyển rác tại các địa bàn thì sẽ hạn chế rất nhiều những rủi ro với công nhân vệ sinh môi trường khi làm việc trên đường. Số lượng điểm chuyển tải, trung chuyển rác trên địa bàn Hà Nội nhiều năm nay không đủ đáp ứng nhu cầu do thiếu quỹ đất cùng với việc thiếu ý thức của một số người dân nên rác tràn ra vỉa hè, lòng lề đường là điều dễ hiểu. Do đó việc cần kíp trước mắt là tìm các địa điểm trung chuyển rác tại các quận trung tâm của Hà Nội nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực cho các khu liên hợp xử lý rác thải đang ngày càng quá tải, đồng thời cũng góp phần làm giảm thiểu những nguy cơ rủi ro cho công nhân vệ sinh môi trường khi phải lao xuống lòng lề đường thu gom rác thải. 

 QUẢNG XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc