Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Không thể mở nếu vừa làm vừa sợ

Thứ Sáu 10/12/2021 | 11:03 GMT+7

VHO- Mở cửa du lịch, đón khách quốc tế được xác định là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ cho phép 5 tỉnh, thành phố thí điểm đón khách quốc tế, chưa mở lại đường bay quốc tế, nhiều địa phương vẫn áp dụng quy định cách ly nghiêm ngặt...

 Khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam theo chương trình du lịch trọn gói bằng hộ chiếu vắc xin Ảnh: ĐỨC HOÀNG

 Trong khi đó Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Australia… đã áp dụng thành công “bong bóng du lịch” (bubble tour), mô hình hành lang du lịch an toàn giữa các quốc gia, khu vực đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, với yêu cầu cách ly được gỡ bỏ hoặc nới lỏng cho những hành khách đáp ứng tiêu chuẩn hộ chiếu vắc xin và xét nghiệm âm tính.

Cần mạnh dạn mở cửa

Tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức mới đây đã đặt ra hàng loạt vấn đề: Mở cửa thế nào để an toàn nhưng không bỏ lỡ cơ hội đón hàng triệu du khách quốc tế đang muốn đến Việt Nam sau hơn 2 năm chúng ta đóng cửa chống dịch? Những rào cản, vướng mắc nào đang khiến cánh cửa du lịch cả nội địa và quốc tế chưa thể mở rộng trở lại? Bao giờ nối lại đường bay quốc tế?...

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings thẳng thắn đặt câu hỏi: “Việt Nam có thực sự muốn mở cửa du lịch hay không? Hiện nay, đang có khoảng cách khá xa từ mong muốn của Chính phủ, chính sách được công bố và thực tế triển khai. Khách từ TP.HCM xuống Vũng Tàu không được ở lại qua đêm, đi đường bộ lên Đà Lạt, đến đèo Madagui chờ khai báo y tế là hết giờ. Bên cạnh đó, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải mở cửa giao thông, dịch vụ, tiện ích xã hội mới mở cửa du lịch được, nói nôm na là mở lại tất cả dịch vụ trong điều kiện bình thường mới".

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, không thể chần chừ thêm, cần mạnh dạn mở cửa du lịch. Trước tiên, cần xem lại thực chất các ngành có chuyển hướng quan điểm chống dịch từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19 hay không. Hiện nay, với Nghị quyết 128, chủ trương mở nhưng thực tế vẫn siết, vẫn ràng buộc bằng nhiều rào cản là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong tất cả các ngành, không chỉ riêng du lịch. Chuyên gia Trần Du Lịch cũng đề xuất trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng, cần ưu tiên phục hồi du lịch. Hàng không và du lịch là 2 phạm trù song đôi, không thể mở một nửa. Nếu hàng không cứ bay charter (thuê bao chuyến) như hiện nay thì đừng bàn mở cửa du lịch. Nếu đã mở du lịch, không thể sợ hãi khi mở hàng không, mở đường bay thương mại quốc tế. “Phải có giải pháp mạnh, đồng bộ ở cả 3 mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt là vận tải quốc tế, hàng không để phục hồi du lịch ngay trong mùa Tết sắp tới. Nếu muốn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì không thể chậm hơn nữa", chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần oxy vì đã phải “đặt ECMO”

Đưa ra hình ảnh các doanh nghiệp đã phải “đặt ECMO” (tim phổi nhân tạo) để tồn tại, ông Nguyễn Quốc Kỳ mong mỏi: "Tôi thiết tha đề nghị Chính phủ trợ giúp doanh nghiệp vì bây giờ họ đã “đặt ECMO” rồi, rất cần oxy. Gói hỗ trợ cần làm nhanh". Ông kiến nghị Chính phủ cấp tiền cho doanh nghiệp qua kênh ngân hàng, giảm lãi vay về mức 3- 3,5%/năm và cho phép doanh nghiệp vay tín chấp bằng kế hoạch kinh doanh, bởi không còn tài sản để thế chấp. Với dự báo từ năm 2023 trở đi ngành Du lịch mới có thể phục hồi, ông đề xuất giảm thuế VAT xuống mức 5% trong 2 năm, đồng thời miễn các loại thuế TNDN, TNCN.

Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch đã làm việc với Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính để đưa du lịch vào danh sách ưu tiên trong gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế. Khi gói này được triển khai, hy vọng sẽ đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch quốc tế, mở cửa một cách bền vững. “Những gì diễn ra vừa qua có thể thấy, ngành Du lịch rất dễ bị tổn thương và tổn thương rất nặng, khi đóng cửa là đóng ngay mà khi mở cửa lại rất gian truân. Nhiều địa phương chưa đồng bộ để tự tin mở cửa lại du lịch, phục hồi kinh tế, vẫn còn thiếu rõ ràng, minh bạch để hướng dẫn mở cửa hoạt động này. Vì vậy những khó khăn mà các đơn vị nêu ra là thực tế mà các cấp chính quyền cần phải giải quyết ngay”, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói.

Hướng đến chuỗi hoạt động đón khách, đặc biệt là khách quốc tế hộ chiếu vắc xin thật sự khởi sắc, bà Nguyễn Thu Phương, Tổng giám đốc Vinpearl Luxury cho rằng rất cần có sự rà soát sát sao và phối hợp chặt chẽ của tất cả các Ban, Bộ, ngành, các nhóm doanh nghiệp cốt lõi như hàng không, vận tải, lữ hành, lưu trú… Từ thực tế khi triển khai thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, bà Phương đề nghị doanh nghiệp và các cơ quan quản lý như Bộ VHTTDL, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… cần thiết lập kênh liên lạc thường xuyên để hướng dẫn, điều chỉnh và phản ứng kịp thời cho công tác đón khách. Đối với mỗi đoàn khách, trong từng bước thực thi đón khách đều có rất nhiều vấn đề phát sinh cần có hướng dẫn cụ thể, tiêu chí hoạt động chuẩn… để doanh nghiệp tuân thủ và đảm bảo an toàn cùng hành trình trải nghiệm cho du khách. Đây là vấn đề không thể rút kinh nghiệm sau thí điểm mà cần được giải quyết ngay.

Nhấn mạnh trong bối cảnh vừa có thông tin về biến chủng mới Omicron, Việt Nam cần nhanh chóng có phương án rõ ràng để khẳng định và quảng bá tốt điểm đến an toàn, từ đó tránh được các phản ứng tâm lý e ngại thông thường từ các thị trường quốc tế. Nếu không xử lý tốt 2 việc: Một là quyết liệt phòng chống, ngăn ngừa sự xuất hiện của chủng mới tại Việt Nam và hai là định hướng liên kết với những quốc gia an toàn để triển khai mô hình “bong bóng du lịch” ở quy mô quốc gia, từ đó có chính sách thúc đẩy thông thoáng và an toàn, chúng ta sẽ rất có khả năng tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ chủng mới của dịch Covid-19. Ông Hà Văn Siêu khẳng định: "Chúng ta đặt ra một vấn đề đồng bộ từ doanh nghiệp lữ hành, hàng không, giao thông đường bộ, đường biển với địa phương. Chúng tôi kêu gọi sự vào cuộc của cơ quan truyền thông đối với ngành Du lịch, khẳng định việc mở lại du lịch một cách an toàn, tăng cường trải nghiệm dịch vụ... Tổng cục Du lịch cũng sẽ tiếp thực hiện chương trình truyền thông quảng bá để du lịch phục hồi”. 

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top