Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Phạm Xuân Trường - “Quái kiệt” đất Cảng

Thứ Tư 08/12/2021 | 15:37 GMT+7

VHO- Thực sự ban đầu, khi đặt bút viết bài này, tôi cứ loay hoay mãi để tìm một danh xưng phù hợp bởi ông vừa là nhà thơ, họa sĩ vừa là thợ gò đồng. Dù chưa từng trải qua bất kỳ trường lớp nào về mỹ thuật nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, hơn 200 bức tranh điêu khắc đồng do ông thực hiện được giới văn nghệ sĩ trong nước và bạn bè quốc tế đón nhận một cách ngạc nhiên và trân trọng. Điều đó đã đủ đưa người nghệ sĩ đa tài Phạm Xuân Trường lên hàng “quái kiệt” ở Hải Phòng.

Từ Việt Nam…
Căn phòng nhỏ nằm trên tầng 4 của khu tập thể còn sót lại thời bao cấp ở thành phố Cảng chẳng thay đổi là mấy so với hồi cách đây độ chục năm tôi đến. Có chăng, căn phòng vốn đã chật chội nay lại càng chật kín hơn với hàng trăm loại dụng cụ đồ nghề cùng những bức tranh gò đồng được để vương vãi khắp nơi. Tôi nhớ hồi đó, Phạm Xuân Trường đã gây được sự chú ý với công chúng Hải Phòng khi là người đầu tiên làm ra mô hình khổng lồ của hai con tàu nổi tiếng là Lục Bảo Ngọc Emeraude và Titanic. Riêng mô hình tàu Titanic được hạ thủy chạy trên biển vào đúng ngày kỷ niệm 100 năm con tàu huyền thoại này gặp nạn. Sự kiện này đã thu hút được sự theo dõi của đông đảo người hâm mộ và báo giới thời điểm đó.


Sống cảnh cơm niêu nước lọ một mình đã 30 năm nay, dường như thời gian chẳng bao giờ đủ cho niềm đam mê nhiều thứ cùng một lúc của Phạm Xuân Trường. Ông sinh năm 1947, là nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã in 7 tập thơ riêng. Hai tập thơ mới nhất cùng được xuất bản năm 2019 là “Dị thảo” và “Kỳ hồ”. Phạm Xuân Trường vốn là thợ nguội bậc 7/7 của Nhà máy đóng tàu Tam Bạc- nơi trước kia vốn là xưởng đóng tàu của hãng S.A.C.R.I.C (Pháp) có từ năm 1882. “Bàn tay vàng” của người thợ nguội Phạm Xuân trường đã làm ra biết bao chi tiết cơ khí chính xác cho những con tàu của nhà máy phục vụ chiến đấu và công cuộc tái thiết đất nước. Có một kỷ niệm mà Phạm Xuân Trường còn nhớ mãi, thời bao cấp, trong vòng quay khó khăn chung của toàn xã hội, ông đã cùng với một đồng nghiệp là thợ tiện của nhà máy bí mật làm “chui” được 2 máy tiện trục chính của đồng hồ đeo tay và trục lên dây cót của đồng hồ cho khách đặt. Trị giá mỗi máy được trả 300 đồng, trong khi đó, lượng bậc 7/7 như ông được 64 đồng một tháng. Năm 1985, ông chuyển công tác sang đội tàu của Công ty Vận tải xăng dầu đường thủy I cho đến năm 1993 thì nghỉ hưu.
Với công việc điêu khắc đồng mà Phạm Xuân Trường đang làm hiện nay, điều đặc biệt là ông chưa hề học nghề ở bất cứ trường lớp nào. Những thành công hôm nay đều bắt nguồn từ năng khiếu thiêm bẩm và sự mày mò, say mê sáng tạo. Ông nhớ lại, năm 1985, nhân một lần vào Bộ Tư lệnh Hải quân, nhìn thấy bức ảnh của Bác Hồ đội mũ của chiến sĩ Hải quân. Phạm Xuân Trường nung nấu ý định sẽ làm bằng được tác phẩm này nhưng ở chất liệu khác. Vậy là ông xin anh em ở nhà máy một lá đồng bằng khổ giấy A4 đem về nhà rồi bắt đầu truyền thần và gò chân dung của Bác. Tác phẩm hoàn thành rất giống với bức ảnh gốc, được anh em khen ngợi làm Phạm Xuân Trường cảm thấy rất vui. Tiếc là tác phẩm đầu tiên đó qua mấy lần chuyển nhà nên đã bị thất lạc, đến nay ông vẫn chưa tìm ra.
Cách đây khoảng chục năm, Phạm Xuân Trường cùng nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh đi xem triển lãm tranh phù điêu của một họa sĩ tại Trung tâm triển lãm thành phố. Trong lúc xem, Phạm Xuân Trường chợt nảy ra ý định mới liền buột miệng nói, nếu như tôi mà làm thì sẽ làm chân dung của nhóm “Nhân văn giai phẩm” đã được phục hồi như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Cung… Nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh liền hỏi lại: “Ông có làm được không?”. Không phải suy nghĩ lâu, Phạm Xuân Trường gật đầu “Được!”. 


Năm 2017, ông Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng có mời Phạm Xuân Trường lên văn phòng Hội để trao đổi công việc. Chủ tịch Hội Tô Hoàng Vũ đặt vấn đề: “Nghe nói anh gò đồng được, sang năm là kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyên Hồng, Hội muốn tổ chức một buổi lễ trọng thể và muốn anh làm một bức chân dung của nhà văn cho thêm phần ý nghĩa!” (Nhà văn Nguyên Hồng là vị Chủ tịch đầu tiên Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, ông giữ chức vụ này 18 năm, cho đến lúc mất (1964-1982) -PV). 
Vậy là Phạm Xuân Trường nhận lời và bắt tay ngay vào thực hiện. Khi tác phẩm hoàn thành, một vài họa sĩ đến xem và nhận xét. Những người làm nghề đã khen bức chân dung rất giống, toát lên được thần thái của nhà văn Nguyên Hồng. Những lời khen ngợi, động viên của anh em họa sĩ chính là động lực thôi thúc niềm đam mê sáng tạo trong con người Phạm Xuân Trường để ông cho ra đời những tác phẩm tiếp theo. Khi tác phẩm chân dung Nguyên Hồng đã xong, Phạm Xuân Trường nghĩ, thời gian từ giờ đến sinh nhật của nhà văn còn xa. Vậy là ông lại gò thêm chân dung của bạn bè Nguyên Hồng như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt… để mời các cụ về uống rượu chung vui, theo như cách nghĩ của ông.
“Cái khó nhất của gò đồng đó là thể hiện chuẩn xác chi tiết mắt và miệng. Đôi mắt toát lên thần thái, còn miệng thể hiện tâm trạng, cảm xúc của nhân vật. Quá trình làm nhiều tác phẩm nên tớ đã đúc kết cho riêng mình những kinh nghiệm, bí quyết khi xử lý những chi tiết khó này!”- Ông chia sẻ.
Trong số hơn 200 bức điêu khắc đồng mà Phạm Xuân Trường đã làm đến nay có đủ loại đối tượng như các nhà văn Việt Nam và quốc tế, những chính khách lớn của thế giới và những thường dân (theo yêu cầu của bạn bè thân tình nhờ làm chân dung của bố mẹ để thờ cúng). Sau này, ông còn ngẫu hứng gò thêm một số văn nghệ sĩ thân tình còn đang sống như Nguyễn Bắc Sơn, Trần Huy Quang, Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh… Năm 2018, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng đã tổ chức Triển lãm “Chân dung gò đồng các văn nghệ sĩ và bạn văn chương” của nhà thơ, họa sĩ Phạm Xuân Trường tại Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố. 83 bức chân dung gò đồng do ông sáng tác đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các văn nghệ sĩ trong nước và người dân Hải Phòng. Các bức chân dung đã thể hiện được thần thái của nhân vật với những đường nét mềm mại, sinh động và có chiều sâu. Đây là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo, kiên trì và đầy cảm hứng trong suốt 3 năm của Phạm Xuân Trường. Bộ tác phẩm đã thể hiện sự tài hoa, niềm tâm huyết và tình cảm của tác giả đối với các văn nghệ sĩ và bạn bè văn chương.

…ra thế giới
Người nước ngoài đầu tiên được Phạm Xuân Trường gò đồng là một nhân vật quen thuộc - HLV Park Hang Seo. Ông nhớ lại, tại Giải vô địch bóng đá U-2s3 châu Á diễn ra ở Thường Châu năm 2018, sau trận thắng của đội tuyển Việt Nam trước Iraq, niềm hưng phấn dâng trào, Phạm Xuân Trường liền quyết định làm chân dung của HLV Park Hang Seo. Tác phẩm được ông hoàn thành rất nhanh và chính ông đã đem bức chân chung của HLV trưởng đội tuyển U23 Việt Nam lên sân bay Nội Bài để chào đón những người hùng trở về. Bức chân dung đó đã được đưa lên xe chở đoàn quân chiến thắng, ông Nguyễn Lân Trung chính là người cầm tác phẩm của ông gào thét giữa biển người hâm mộ. Bức chân dung của HLV Park Hang Seo do Phạm Xuân Trường thực hiện đã gây sự chú ý của một vài phóng viên quốc tế, họ đã phỏng vấn ông. Hơn nữa, mấy hôm sau, một ekip của truyền hình Hàn Quốc đã về Hải Phòng ghi hình, làm phóng sự về ông.
Để chào đón Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Việt Nam năm 2019, Phạm Xuân Trường háo hức gò ngay 2 bức tranh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang bắt tay nhau với mong muốn hai quốc gia xích lại gần nhau vì nền hoà bình của thế giới. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội biết được đã viết thư cảm ơn ông và hẹn một ngày gần nhất sẽ về Hải Phòng để nhận tặng phẩm. Một thời gian sau đó, đích thân bà Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Mỹ đã về nhận bức trên. Còn một bức nữa ông muốn tặng cho Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam nhưng chưa liên hệ được.

Cũng trong năm 2019, nhà thơ Phạm Xuân Trường cùng đoàn công tác của Hội Nhà văn Việt Nam sang giao lưu văn hoá tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Ông đã mang theo 4 bức tranh gò đồng của mình đi theo. Các bức gò đồng nói về mối quan hệ, tình cảm của hai Hội Nhà văn Việt Nam và Hàn Quốc, cũng như chân dung các nhà văn Hàn Quốc. Các tác phẩm của ông đều được phía bạn đón nhận nồng nhiệt.
Năm 2020, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị Phạm Xuân Trường gò chân dung của Chủ tịch Fidel Castro để mang đi dự Hội chợ Sách quốc tế La Habana lần thứ 29 do Cuba đăng cai. Đây là một trong những sự kiện văn hóa thường niên lớn ở Mỹ Latinh. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Cuba-Việt Nam (1960-2020). Việt Nam với tư cách là khách mời danh dự.

Phạm Xuân Trường liền khẩn trương thực hiện tác phẩm theo yêu cầu của Hội Nhà văn. Đó là bức tranh Chủ tịch Phidel Castro bắt tay với Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1973 tại chiến trường Quảng Trị - nơi khởi nguồn của câu nói bất hủ “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”. Khi gò xong bức tranh, ông đã gửi ngay cho đoàn công tác của Việt Nam do bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương-Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba dẫn đầu sang Cuba tham dự sự kiện. Kết thúc Hội chợ Sách trở về, một lãnh đạo của Hội Nhà văn đã kể lại cho ông nghe, gian hàng Việt Nam được bố trí tại vị trí trang trọng nhất của Hội chợ với diện tích trên 300m2. Các vị lãnh đạo và nhân dân Cuba đã đến tham quan, khen ngợi và chụp hình lưu niệm bên bức tranh điêu khắc đồng thể hiện tình đoàn kết sâu nặng, thuỷ chung của hai dân tộc anh em. Đó là niềm hạnh phúc trào dâng của người nghệ sĩ cách xa nửa vòng trái đất đã dành hết tâm huyết để sáng tạo nên tác phẩm trên.
Cách đây hai tuần,  Giáo sư Ahn Kyong-hwan- Tổng Hiệu trưởng Trường quốc tế toàn cầu Hàn Quốc (KGS) tại Việt Nam cùng đoàn công tác đã đến nhà Phạm Xuân Trường để thăm và nhận bức chân dung của ông. Xin nói thêm về Giáo sư Ahn Kyong-hwan, ông từng là giảng viên Khoa tiếng Việt, Trường Đại học Chosun, thành phố Gwang-ju. Với mong muốn phát triển ngành Việt Nam học và có thêm nhiều người dân Hàn Quốc hiểu biết về Việt Nam, ngoài việc biên soạn sách dạy tiếng Việt cho học sinh Hàn Quốc, giáo sư Ahn đã dành phần lớn thời gian của mình để dịch, xin tài trợ nhằm xuất bản và giới thiệu nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Hàn. Các tác phẩm được ông biên dịch có thể kể đến như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”... Khi xem chân dung của mình do hoạ sĩ Phạm Xuân Trường thể hiện, Giáo sư Ahn rất cảm phục tài năng của ông và mong muốn Phạm Xuân Trường là cầu nối của hai nền văn hoá Việt – Hàn.
Ngoài ra, Phạm Xuân Trường còn sáng tác nhiều bức điêu khắc đồng về các nhà văn, nhà thơ của thế giới mà ông yêu mến như W. Witman, E. Hemingway, J. London, O. Henry…


Khi được hỏi về nguồn kinh phí để mua vật tư phục vụ cho việc sáng tác, Phạm Xuân Trường cười và nói với tôi bằng một câu hot trend đang thịnh hành của giới trẻ “Làm vì đam mê chứ tiền bạc gì tầm này!”. Quả thật, với hơn 4 triệu đồng tiền lương hưu hàng tháng, ông phải tự xoay xở, lấy chỗ nọ đắp chỗ kia để duy trì cuộc sống. Rất may, các con đều ủng hộ công việc của bố đang làm và thường xuyên hỗ trợ kinh phí để ông có thể tiếp tục niềm đam mê của mình.
“Kế hoạch tiếp theo của chú là gì ạ?”- Tôi hỏi ông. “Tớ sẽ tiếp tục tái hiện hết tất cả các văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã quá cố và đang sống. Sẽ làm cho đến khi không còn sức khoẻ nữa thì nghỉ!”- Ông trả lời chắc nịch.
Thời gian chính trong ngày, Phạm Xuân Trường vẫn mải mê, bộn bề với công việc điêu khắc đồng. Lúc rảnh rỗi, ông lại làm thơ và vẽ tranh. Dường như nguồn năng lượng sáng tạo không bao giờ vơi cạn trong trái tim, khối óc của người nghệ sĩ đa tài trên con đường nghệ thuật vị nhân sinh này.

MẠNH THƯỜNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top