Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Bảo tàng, di tích bàn chuyện thích ứng với Covid-19: Chuyển đổi số không hẳn là “chiếc đũa thần”

Thứ Sáu 19/11/2021 | 10:13 GMT+7

VHO- TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam lưu ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều Bảo tàng, di tích hiện nay đã ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số để cho ra mắt nhiều sản phẩm mới. Thế nhưng, cần phải thấy rằng, chuyển đổi số không hẳn là “chiếc đũa thần” để gõ vào đâu cũng ra sản phẩm…

 Ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số phải là xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa (ảnh minh họa: Văn Miếu - Quốc Tử Giám)

 Nhiều ý kiến thiết thực đã được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề Xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại các Bảo tàng, di tích tại Hà Nội do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức tuần qua.

Công nghệ đang là “cứu cánh”

Tại tọa đàm, các Bảo tàng, di tích giới thiệu các ứng dụng công nghệ trong hoạt động nhằm thích ứng với dịch Covid-19. Cùng một nỗi niềm gian khó, các thiết chế văn hóa đều tìm thấy điểm chung là sự cần thiết phải thay đổi tư duy, cách làm để không thể bị lãng quên. Trên thực tế, hầu hết các Bảo tàng, di tích tại Hà Nội đã xoay xở, tìm phương án làm ra các sản phẩm mới nhằm truyền thông, quảng bá thương hiệu. Đơn cử, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long đã cho ra mắt các tour du lịch về đêm; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt sản phẩm tour tham quan trực tuyến 3D; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng giới thiệu tour tham quan 360 độ chuẩn bị được ra mắt…

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những hướng đi của Văn Miếu thời gian tới là tập trung vào công nghệ. “Chúng tôi vẫn ý thức được rằng, công nghệ chỉ là phương tiện, quan trọng nhất vẫn là nội dung. Nhưng hiện nay, công nghệ là cách thức đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ”, ông Kiêu nói. Theo đó, ngoài thuyết minh tự động, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ xây dựng ứng dụng trên Internet để du khách có thể truy cập từ thiết bị thông minh của mình. Đồng thời, di tích này cũng sẽ cho ra mắt sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo. Qua đó, khách tham quan có thể tương tác với rô bốt để tìm hiểu các thông tin về di tích, chủ động tiếp cảnh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bà An Thu Trà, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ, ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu và đã được Bảo tàng áp dụng từ năm 2003. “Nhưng hiện nay, chúng tôi có sự thận trọng và sẽ đi sau. Bởi, chúng tôi muốn thu được các chi phí trên công nghệ bằng những cách khác nhau. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ định làm công nghệ nhưng sau đó đã chuyển hướng vừa làm công nghệ, vừa tương tác”, đại diện Bảo tàng cho hay.

Nhìn nhận nhu cầu của du khách trong bối cảnh đại dịch đã có nhiều thay đổi, bà An Thu Trà cho rằng, Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để chúng ta nghiên cứu, có những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của công chúng. Bảo tàng Dân tộc học có định hướng sẽ khai thác tối đa tiềm năng tại chỗ về cơ sở vật chất, không gian. “Vừa qua, các bảo tàng được mở cửa trở lại nhưng đến đầu tháng 11 chúng tôi mới đón khách và chỉ làm thứ Bảy, Chủ nhật để đảm bảo nhân sự và nguồn thu. Hai ngày cuối tuần qua, chúng tôi đã đón 500 khách và qua nghiên cứu cho thấy nhu cầu khách đã thay đổi. Trước đây, trung tâm thương mại, siêu thị là nơi thu hút nhưng nay thì du khách không dám vào vì sợ Covid-19”, bà An Thu Trà cho hay.

Công nghệ không phải “chiếc đũa thần”

Khẳng định việc các Bảo tàng, di tích đầu tư và ra mắt các sản phẩm công nghệ là việc làm cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý cũng lưu ý, công nghệ không phải “chiếc đũa thần” để gõ vào đâu cũng ra sản phẩm. Chúng ta cần nghiên cứu để có được sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Dưới góc nhìn chuyên sâu, các chuyên gia nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ vào hoạt động bảo tàng không thể làm theo trào lưu. Sản phẩm công nghệ làm ra cần được đầu tư về nội dung, chất lượng và tính đến cách vận hành, quảng bá. “Các Bảo tàng, di tích ứng dụng công nghệ để có sản phẩm mới là rất tốt, nhưng cần làm thận trọng, từng bước để đánh giá. Chúng ta có thể phối hợp với các đơn vị công nghệ để thực hiện nhưng không được giao khoán cho họ”, bà Lý nói. Lấy ví dụ đã có trường hợp khi triển khai thực hiện hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide), trong khi các Bảo tàng, di tích có ý tưởng làm nội dung theo cách này thì người ứng dụng công nghệ lại hiểu và làm theo cách khác. Vì thế, nếu không thận trọng mà chuyển đổi số một cách “ào ào” sẽ rất dễ dẫn đến những hệ quả đáng buồn.

Đồng tình quan điểm này, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Định Phong nhận định, chuyển đổi số là câu chuyện đang được nói đến rất nhiều trong việc chuyển hướng hoạt động, thích ứng tình hình của các Bảo tàng, di tích trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thế nhưng, cảm giác là đang có tình trạng chuyển đổi số “tán loạn”. Phó Cục trưởng cho biết, trước thực trạng này, Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành văn bản gửi các Sở, Bảo tàng, di tích, trong đó lưu ý, việc đẩy mạnh chuyển đổi số thì ưu tiên hàng đầu phải là xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa. “Công nghệ chỉ là phương tiện để chúng ta chuyển tải mà thôi, có bột mới gột nên hồ, chỉ khi có dữ liệu tốt mới làm được hiệu quả. Thực tế hiện nay là nhiều nơi làm hời hợt, không ít hiện vật của các Bảo tàng, di tích có lý lịch rất sơ sài, thậm chí không có nội dung, vậy làm sao chúng ta chuyển tải số lên cho công chúng xem?”, ông Phong thẳng thắn.

Phó Cục trưởng cũng chia sẻ với những khó khăn mà các Bảo tàng, di tích đang phải trải qua bằng hai từ “bi đát”. “So với đỉnh cao rực rỡ vào năm 2019 thì hiện nay, tình cảnh của nhiều Bảo tàng, di tích khá nghiêm trọng. Nhiều đơn vị hàng đầu của chúng ta như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Dân tộc học… đang từ thế thượng phong, tự chủ và là những đơn vị đầu tiên vượt khỏi ngưỡng Nhà nước bao cấp thì nay lại quay lại bối cảnh hết sức khó khăn. Thực trạng này vô cùng đáng buồn”, ông Lê Định Phong tâm tư.

Bởi vậy, chủ đề của tọa đàm đặt ra: Xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại các Bảo tàng, di tích chính là đề bài cần tìm lời giải. Ông Phong lưu ý, đúng là chuyển đổi số vô cùng quan trọng, nhưng các đơn vị phải nghiên cứu kỹ, thận trọng khi ứng dụng. “Vội vàng sẽ khiến chúng ta phải gánh hậu quả. Cần nghiên cứu kỹ cách làm của các đơn vị đi trước, thấy cái gì được, cái gì chưa được để áp dụng. Không thể thấy mô hình của Bảo tàng khác thành công là sốt ruột, rồi vội vã áp dụng vào mình. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đương nhiên có cách làm khác với Văn Miếu - Quốc Tử Giám…”, theo Phó Cục trưởng.

Cũng theo Phó Cục trưởng, bối cảnh hiện nay là giai đoạn nhất thời, và phải thấy rằng việc chuyển đổi số không thể thay thế được hoạt động truyền thống của Bảo tàng, di tích. Nếu không vì Covid-19, người xem vẫn mong muốn được đến xem trực tiếp hiện vật. Bởi thế, cần nhìn dài hạn hơn, biết được công chúng mong muốn những gì nhiều hơn. Các cán bộ bảo tàng cần phải hiểu công nghệ để cùng với các công ty công nghệ làm ra được những sản phẩm chất lượng, có hồn. Thực tế, nhiều sản phẩm hiện nay được đưa lên không gian ảo một cách vội vàng nên còn rất thô, sơ khai, không thể tồn tại lâu dài. “Nếu như không nghiên cứu nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn chúng ta sẽ khó thành công. Phải xác định các sản phẩm phù hợp với đối tượng của Bảo tàng, hiểu họ cần gì để đáp ứng hiệu quả…”, ông Phong lưu ý.

Nhiều ý kiến ở tọa đàm cũng cho rằng, các Bảo tàng, di tích không thể giữ mãi phương thức phục vụ truyền thống, sản phẩm du lịch đã quá quen thuộc khi khả năng dịch bệnh chưa hoàn toàn được khống chế, tâm lý và nhu cầu khám phá điểm đến của khách đã thay đổi. Việc đa dạng hóa, tạo sản phẩm mang tính mới lạ, đặc thù và tăng cường tính trải nghiệm, tạo cảm xúc cho khách cần được đặt lên hàng đầu. 

 Bối cảnh hiện nay là giai đoạn nhất thời, và phải thấy rằng việc chuyển đổi số không thể thay thế được hoạt động truyền thống của Bảo tàng, di tích. Nếu không vì Covid-19, người xem vẫn mong muốn được đến xem trực tiếp hiện vật. Bởi thế, cần nhìn dài hạn hơn, biết được công chúng mong muốn những gì nhiều hơn. Các cán bộ bảo tàng cần phải hiểu công nghệ để cùng với các công ty công nghệ làm ra được những sản phẩm chất lượng, có hồn. Thực tế, nhiều sản phẩm hiện nay được đưa lên không gian ảo một cách vội vàng nên còn rất thô, sơ khai, không thể tồn tại lâu dài.

(Ông LÊ ĐỊNH PHONG, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa)

 

 MINH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top