Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi: Kim chỉ nam của văn hóa Việt

Thứ Hai 15/11/2021 | 10:10 GMT+7

VHO- 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên (24.11.1946), lời dạy của Bác: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam.

 Ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có chữ ký và bút tích của Người “Tặng chiến sĩ diệt dốt” năm 1958

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 24.11 tới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL phối hợp tổ chức triển lãm: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Sự kiện diễn ra từ ngày 16-27.11 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), ngày 24.11 tại Nhà Quốc hội và trưng bày online trên website: http://trienlamvhnt.vn từ 16.11 - 31.12.

Gần 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật đặc biệt

Triển lãm trưng bày 320 hình ảnh, hơn 123 tài liệu, hiện vật quý với các nội dung: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Ở mỗi chặng đường lịch sử, triển lãm khắc họa khái quát và có điểm nhấn quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam, với sứ mệnh “soi đường” cho dân tộc. Nội dung Văn hóa Việt Nam trước năm 1930 giới thiệu khái quát về lịch sử văn hóa từ thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang - Âu Lạc, nền văn hóa Đông Sơn, các hình ảnh về văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo...

Hình ảnh, tài liệu, hiện vật trong Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam là những điểm nhấn quan trọng tại triển lãm. Sinh thời, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.1946, Người chỉ rõ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Lời dạy đó đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam. Và đặc biệt, tinh thần đó có giá trị sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Khắc họa những tư tưởng của Bác về văn hóa, triển lãm trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Người về văn hóa nghệ thuật, với các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học Việt Nam. Bác đã có rất nhiều bài nói, bài viết, tác phẩm, thư gửi các hội nghị trong lĩnh vực này: Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Văn hóa, ngày 28.2.1957; Sách Con người xã hội chủ nghĩa, xuất bản năm 1961… Người không chỉ nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hóa mà còn đề ra nhiều chiến lược, nhiệm vụ quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt chú ý đến vai trò của văn nghệ sĩ: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Công chúng cũng sẽ cảm nhận sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với di sản văn hóa dân tộc qua hình ảnh Người thăm Đền Hùng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Đặc biệt là cơ hội tiếp cận nhiều hiện vật thể hiện phong cách, lối sống giản dị của Bác: Bộ quần áo lụa màu nâu Bác mặc từ năm 1954-1964; đôi guốc mộc Bác thường sử dụng; chiếc gậy mây; bộ đồ dùng và thực đơn bữa ăn hằng ngày của Bác; đũa nhạc trưởng Bác chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc Kết đoàn tại buổi dạ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9.1960)…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa trong việc nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Là Danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại, những cống hiến và tư tưởng của Người luôn luôn được nhân dân Việt Nam và thế giới tôn vinh, kính trọng.

Đũa  nhạc trưởng Bác chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc “Kết đoàn” Ảnh: TRẦN HUẤN

Sức mạnh văn hóa trong các chặng đường lịch sử dân tộc

Ở nội dung trưng bày Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa, triển lãm giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ Đại hội. Trong đó, bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là Văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Cũng không thể không nhắc đến dấu mốc Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7.1998) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”.

Những hình ảnh, hiện vật được bài trí sinh động, khẳng định sức mạnh văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Giai đoạn 1930-1945, là các hình ảnh về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, Đảng lãnh đạo các phong trào đấu tranh giành độc lập như Xô Viết - Nghệ Tĩnh, các cuộc khởi nghĩa khắp Bắc - Trung - Nam… Đặc biệt, triển lãm giới thiệu Đề cương văn hóa đăng trên tạp chí Tiền Phong, cơ quan vận động Văn hóa mới thuộc Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, xuất bản ngày 10.11.1945. Bản Đề cương văn hóa do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, là lần đầu tiên Đảng công bố quan niệm của mình về văn hóa, về vị trí của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc, về sự tất yếu phải tiến hành cách mạng tư tưởng văn hóa và định hướng nội dung xây dựng nền văn hóa mới trên cơ sở thấm nhuần 3 nguyên tắc: Dân tộc, đại chúng, khoa học.

 Bộ quần áo lụa màu nâu Bác mặc từ năm 1954-1964; đôi guốc mộc và chiếc gậy mây Bác thường sử dụng Ảnh: TR.HUẤN

Giai đoạn 1945-1954, nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật làm nổi bật những đóng góp của văn hóa nghệ thuật phục vụ cách mạng được trưng bày. Các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ và nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia kháng chiến với trí tuệ, tài năng, thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Đây là giai đoạn kháng chiến chống Pháp với khẩu hiệu Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự hưởng ứng của nhân dân như “Bình dân học vụ”, tập trung xóa nạn mù chữ; xây dựng hệ thống giáo dục mới, cử cán bộ, sinh viên đi học tập tại nước ngoài để đào tạo nguồn tri thức tiến bộ tái kiến thiết nước nhà.

Giai đoạn 1954-1975, miền Bắc xây dựng CNXH, các hình ảnh, hiện vật ở phần này nêu bật tinh thần yêu nước của nhân dân, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Giai đoạn này có nhiều phong trào nổi bật: Tiếng hát át tiếng bom Đọc sách có hướng dẫn; các phong trào thi đua yêu nước đã tạo nên động lực lớn góp phần vào thắng lợi cách mạng như Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, Gió Đại phong… Phần trưng bày giai đoạn này giới thiệu nhóm hiện vật: Máy quay phim đầu tiên của Bắc Bộ từ 1950; máy quay phim 16 ly của điện ảnh Nam Bộ dùng ghi lại chiến công đánh Mỹ của quân ta; máy chiếu phim đầu tiên của Xưởng cơ khí điện ảnh Bộ Văn hóa, sản xuất năm 1959…

Tròn 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo và tiếp thu văn hóa thế giới, đưa đất nước hội nhập và phát triển bền vững. Chủ đề Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước trưng bày những nội dung quan trọng, làm nổi bật những thành tựu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch và thể thao; những truyền thống văn hóa quý giá của dân tộc đã và đang tiếp tục được phát huy… Nhiều phong trào thi đua được phát động và thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân: Phong trào TDĐKXDĐSVH; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thông mới, đô thị văn minh”; Phong trào văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp… Bên cạnh đó là những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về những thành tựu văn hóa đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn.

Triển lãm cũng trưng bày hình ảnh những di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình, Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Nhã nhạc Cung đình Huế, Ca trù, Mộc bản triều Nguyễn... Những hình ảnh, tư liệu và số liệu về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc cũng tạo nhiều điểm nhấn níu chân du khách. 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top