Món ngon từ củ kiệu

VHO- Củ kiệu - thứ nguyên liệu tuy dân dã nhưng lại có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon, lạ miệng như: kiệu muối chua ngọt, kiệu ngâm mắm, thịt bò xào củ kiệu… Mỗi món mang hương vị độc đáo riêng nhưng đều khiến mâm cơm gia đình thêm phần phong phú và hấp dẫn.

Món ngon từ củ kiệu - ảnh 1
Món củ kiệu muối chua ngọt hấp dẫn, lạ miệng

Củ kiệu có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo mỗi vùng miền, có nơi gọi là cò kiệu, giới căn, giới kiệu, dã toán…, trong Đông y gọi là giới bạch. Đây là một loại cây thuộc họ hành, có tính ấm, vị cay, đắng. Củ kiệu màu trắng, hình tròn hoặc dài giống như củ hành nhưng nhỏ hơn, phần củ kiệu chính là phần cuối của thân lá tạo nên.

Người ta thường sử dụng củ kiệu để muối chua ngọt ăn kèm với thịt mỡ cho đỡ ngán, tước nhỏ trộn gỏi thịt gà, làm gia vị phi dầu. Phần lá kiệu có thể dùng để ướp thịt, cuốn bò nướng, ăn sống hoặc ăn lẩu, bỏ vào canh cho tăng thêm hương vị. Không chỉ là một loại rau củ đơn thuần, củ kiệu còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe, dùng để làm thuốc chữa bệnh trong những bài thuốc dân gian.

Kiệu muối, món ăn đậm chất quê và quen thuộc trên mâm cơm của người Việt hơn cả. Củ kiệu được chế biến khéo léo, tỉ mỉ, vừa giòn sần sật, vừa giữ được màu sắc trắng muốt, đẹp mắt và mê hoặc người ăn bởi vị chua chua, ngọt ngọt kích thích vị giác. Cách làm củ kiệu ngon không khó nhưng cần có tuyệt chiêu để củ kiệu không bị nhũn mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng. Chọn những củ kiệu ta màu trắng tươi, kích thước vừa phải, thân nở, đuôi kiệu nhỏ, mảnh và có thắt eo ở giữa. Không nên chọn những củ kiệu to, mọng nước bởi loại này khi muối sẽ rất mềm, không giòn, không thơm và dễ bị hăng.

Củ kiệu mua về rửa sạch bùn đất rồi thả vào chậu nước hòa sẵn tro bếp hoặc nước vôi trong ngâm qua đêm. Nếu không có tro thì ngâm muối, thời gian ngâm sẽ ít hơn để kiệu không ngấm mặn. Sau đó vớt kiệu ra, cắt phần rễ và lá, lưu ý không nên cắt vào phần củ kiệu, nếu không khi muối kiệu sẽ mất đi độ giòn, nhanh bị hỏng. Tiếp tục ngâm kiệu vào nước đá rồi vớt ra xả vài lượt nước cho sạch. Đem phơi nắng một ngày cho hơi héo.

Sau khi phơi xong, sơ chế lại kiệu thêm lần nữa, lột bớt vỏ kiệu và phần rễ khô còn sót lại. Tiếp theo đun nóng hòa tan hỗn hợp gồm nước, đường, muối, giấm trắng. Tắt bếp, đợi hỗn hợp thật nguội. Xếp củ kiệu thành từng lớp vào hũ, cho hỗn hợp giấm đường vào ngập mặt kiệu, đậy kín nắp. Củ kiệu phải ngập trong nước ngâm thì mới trắng ngon. Do vậy nên dùng một tấm lưới nan tre hoặc túi nilon đựng nước sôi nguội buộc chặt chèn trên cùng để kiệu không nổi lên mặt nước. Để kiệu ở nơi khô thoáng, khoảng 5 - 7 ngày là có thể thưởng thức món củ kiệu muối chua ngọt, giòn thơm, đặc biệt đưa cơm.

Món thịt bò xào củ kiệu có cách chế biến khá đơn giản nhưng lại mang đến hương vị mới mẻ trong bữa cơm hằng ngày. Củ kiệu mua về bỏ rễ, lá, lột bớt vỏ lụa bên ngoài rồi rửa sạch với nước, để ráo sau đó dùng dao đập dập. Thịt bò thái mỏng, ướp với muối, bột nêm, tiêu, tỏi băm nhuyễn, gừng thái sợi. Cho thịt bò vào tủ lạnh khoảng 30 phút để thịt mềm, ngấm đều gia vị. Bắc chảo lên bếp rồi cho dầu ăn vào, trút thịt bò đã ướp vào chảo, đảo nhanh tay với lửa lớn đến khi thịt chín tái thì trút ra đĩa. Tiếp tục đổ thêm một chút dầu ăn vào chảo, bỏ kiệu và cà rốt thái sợi vào xào chung, nêm thêm ít bột nêm. Khi kiệu chín, nước khô lại cho thịt bò vào xào sơ và tắt bếp, rắc thêm ít hạt tiêu lên trên. Món thịt bò xào củ kiệu đậm đà, thơm phức ăn cùng cơm trắng nóng hổi là lựa chọn tuyệt vời cho những ngày thời tiết se lạnh.

Qua tay nghề của những bà nội trợ khéo léo, củ kiệu - thứ nguyên liệu vốn bình dân, giản dị trở thành món ăn thơm ngon, hấp dẫn.

BÁO CAO BẰNG         

Ý kiến bạn đọc