Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Đoàn phim bôi vẽ giếng cổ tạo bối cảnh: Lại cảnh báo ứng xử “vô lối” lên di tích

Thứ Tư 10/11/2021 | 10:59 GMT+7

VHO-  Dư luận nói chung và người dân làng cổ Đường Lâm nói riêng mấy ngày qua bày tỏ sự bức xúc trước việc một đoàn làm phim đã tự ý dùng vôi, bột màu bôi trát lên thành giếng cổ ở đình Mông Phụ, thuộc khu vực bảo vệ I trong di tích quốc gia Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

 Giếng cổ thôn Mông Phụ trước khi bị xâm phạm Ảnh do người dân cung cấp

Đoàn phim sau đó cũng đã khắc phục sai phạm với việc rửa bỏ lớp màu phủ lên bề mặt, thế nhưng vẻ trầm mặc nhuốm màu rêu phong của giếng cổ thì chắc sẽ không thể sớm quay trở lại. Việc làm này một lần nữa cảnh báo tình trạng ứng xử tùy tiện trong không gian di tích.

Lòe loẹt hóa… giếng cổ

Cụ thể, để xây dựng một bối cảnh, đoàn phim đã dùng vôi ve màu đỏ phủ lên toàn bộ bề mặt thành giếng cả bên trong và bên ngoài; dùng mực đen tô vẽ để tạo hình gạch đá ong. Nguyên trạng thì giếng cổ ở đình Mông Phụ có thành được trát vữa, theo năm tháng rêu và dương xỉ bám vào tạo nên những mảng xanh, khá ăn nhập với mái đình Mông Phụ. Với người dân Đường Lâm, giếng cổ là không gian thiêng, luôn được gìn giữ, bảo tồn nét cổ kính. Vì vậy, việc đoàn phim dùng vôi phủ lên giếng đã khiến người dân vô cùng bức xúc.

Việc quản lý di sản ở ngôi làng cổ được thực hiện nghiêm ngặt, nhất là từ khi Đường Lâm được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Mỗi năm người dân lại tu sửa, nạo vét, khơi giếng một lần và những việc làm này đều phải cúng lễ theo đúng phong tục. Việc xâm phạm di tích như cách của đoàn phim là hành động thật khó chấp nhận.

Theo trưởng thôn Mông Phụ Hà Văn Thắng, khi nhận được phản ánh của người dân về việc đoàn làm phim tô vẽ lên thành giếng, đại diện thôn đã đến yêu cầu dừng ngay những hành vi xâm hại di tích, tuy nhiên đoàn phim cho rằng đã được chính quyền chấp thuận. Còn Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phan Văn Hòa thì nói, đoàn phim chỉ xin phép được đóng phim chứ không nói gì đến việc tự ý dùng vôi, bột màu làm thay đổi giếng thôn Mông Phụ. Lãnh đạo xã Đường Lâm khẳng định, từ trước đến nay, khi các đoàn làm phim đến xin phép đều không bị gây khó khăn, tuy nhiên họ đều nhận được yêu cầu không đụng chạm vào di tích.

Theo quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa, khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, đó là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Tuy nhiên, đoàn làm phim nêu trên đã không xin phép mà tự ý làm thay đổi bề mặt giếng.

 Giếng cổ thôn Mông Phụ bị đoàn phim tô trát để tạo bối cảnh (ảnh đăng trên FB cá nhân của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, ngày 7.11)

Cảnh báo về sự tùy tiện

Sau phản ánh của người dân, BQL di tích làng cổ Đường Lâm cùng cán bộ xã đã tới hiện trường để giải quyết vụ việc. Lãnh đạo xã Đường Lâm cho biết đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu đoàn làm phim phải tạm dừng mọi hoạt động, không được tiếp tục quay phim ở đây và nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu cho giếng đình Mông Phụ ngay trong ngày 8.11.

Sau đó, theo ghi nhận, đoàn làm phim đã cố gắng khắc phục theo yêu cầu của chính quyền địa phương, tuy nhiên, thành ngoài giếng đã không còn lớp rêu phong mang nét cổ kính lâu năm nữa mà đã bị đánh nhẵn, vô hồn. Mặt trong của giếng vẫn còn dấu vết màu vẽ lem nhem không thể làm sạch. Thực tế này cũng khiến nhiều người lo ngại sẽ tạo tiền lệ xấu nếu không được xử lý nghiêm. BQL di tích làng cổ Đường Lâm chia sẻ, sau sự việc lần này sẽ tăng cường công tác quản lý. Khi có đoàn phim thực hiện việc quay phim tại di tích, BQL sẽ cử cán bộ theo đoàn để giám sát, kịp thời nhắc nhở. Được biết, hiện vụ việc mới được lập biên bản và chưa có hướng xử lý, xử phạt rõ ràng. Đoàn làm phim vẫn được phép tiến hành quay ở những bối cảnh khác trong Di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm.

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt cho rằng, hiện đang có tình trạng nhiều đoàn phim, đơn vị nghệ thuật dựa vào di sản để xây dựng, thực hiện tác phẩm. “Nhiều bối cảnh được hình thành trên nền không gian đình, chùa... tuy nhiên, dù làm việc trong không gian di tích nhưng nhiều ê kíp lại chưa hiểu hết về di tích, di sản. Cách ứng xử tùy tiện, không phù hợp trong không gian di tích đã xuất hiện ở không ít nơi, mà sự việc giếng cổ ở làng Đường Lâm là một ví dụ điển hình. Đoàn phim chỉ biết thực hiện mục tiêu cho tác phẩm của mình mà không nghĩ đến chuyện tôn trọng hoặc nâng tầm di sản”, ông Bình nhận định. Cũng theo ông Bình, một số đơn vị nghệ thuật khi dựng bối cảnh ở không gian di tích đã nghĩ rằng cần bồi đắp thêm cho tương thích với bộ phim hoặc tác phẩm của họ, nhưng thế là làm sai nguyên tắc bảo tồn. Trong hoạt động du lịch cũng vậy, nhiều di tích mở cửa đón chào du khách, nhưng ứng xử như thế nào cho đúng thì các công ty, đơn vị du lịch cũng như bản thân du khách vẫn rất tùy tiện, thậm chí vô ý thức.

Họa sĩ Bình lưu ý, làng cổ Đường Lâm là nơi thực hiện tốt công tác bảo vệ di tích, ý thức này thường trực trong mỗi người dân, vì vậy, vụ việc nhanh chóng được phát hiện để có giải pháp khắc phục. Thế nhưng, đặt vấn đề ở những bối cảnh khác, nơi người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản thì sẽ rất khó cho việc quản lý. “Vì vậy, các đơn vị quản lý di tích ở các địa phương phải lưu ý sự cần thiết việc kiểm tra, thống nhất và có giao kèo cụ thể đối với đơn vị làm phim trong bảo vệ di tích. Cụ thể, địa phương và BQL di tích cần xem kịch bản, phác thảo và thiết kế mỹ thuật liên quan đến không gian di tích; yêu cầu đoàn phim cung cấp thông tin về những thay đổi đối với hiện trạng để thống nhất làm việc. Nội dung này rất quan trọng để tránh tình trạng di tích bị xâm phạm, hoặc có tình huống nội dung phim phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của địa phương...”, theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình. 

 AN MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top