Đằng sau chuyện di tích bị “khai tử”

VHO- Xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá, khảo cổ, kiến trúc... các cấp (cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt) trước hết là nhằm tôn vinh, tưởng nhớ, biết ơn những giá trị nổi bật mà tiền nhân trao truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Sau đó, xếp hạng di tích là để chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người dân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị dựa trên tảng nền tính nổi bật, tính toàn vẹn, chân xác của di tích. Thế nhưng ở một số địa phương, sau khi di tích được xếp hạng lại không gắn chặt với trách nhiệm quản lý, bảo vệ, dẫn đến di tích bị biến dạng đến “không thể nhận ra”.

Đằng sau chuyện di tích bị “khai tử” - Anh 1

Di tích chùa Bạch Tượng xã Nga Giáp vừa bị tỉnh Thanh Hóa rút quyết định công nhận di tích cấp tỉnh

 Cũng chính từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, nhận thức non kém về pháp luật di sản văn hoá của một bộ phận người dân nên đã xảy ra hiện tượng đau lòng: Di tích được xếp hạng bị “khai tử”, nghĩa là huỷ bỏ quyết định xếp hạng vì di tích đó đã bị xâm hại, xâm phạm nặng nề. Câu chuyện “khai tử” di tích ở Thanh Hoá mới đây là ví dụ điển hình. Chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải ra hai quyết định huỷ bỏ quyết định xếp hạng đối với hai di tích. Do không thể khắc phục được những sai phạm hết sức nghiêm trọng trong quá trình đầu tư, xây dựng nên di tích lịch sử, văn hóa chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, Nga Sơn) bị tỉnh Thanh Hóa rút quyết định công nhận di tích cấp tỉnh. Trước đó, di tích Nhà thờ họ Lê Hữu có niên đại 400 năm tuổi “thay hình đổi dạng” không thể nhận ra cũng bị tỉnh Thanh Hóa “khai tử”.

Câu chuyện này đặt ra vấn đề gì? Một chuyên gia về di sản văn hóa cho rằng, “trách sư trụ trì, người trông coi di tích một thì trách chính quyền địa phương, cơ quan chức năng một trăm. Việc chính quyền cấp tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích là nhằm khẳng định giá trị, đồng thời tôn vinh di sản của các bậc tiền nhân. Nó được thực hiện trên cơ sở của Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan chứ không phải cứ đưa hồ sơ lên là được công nhận. Vì thế, đằng sau cái xót xa khi chứng kiến di tích ban đầu từ nhà thờ sau biến thành chùa; từ ngôi chùa thâm nghiêm, cổ kính biến thành tòa nhà ba, bốn tầng đỏ chói... là câu hỏi nhức nhối: Chẳng lẽ sự việc sẽ “hoà cả làng”? Cần phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm chứ không thể để rơi vào im lặng”.

Nhưng người viết còn quan tâm một góc độ khác, không lẽ chính quyền và cơ quan chức năng biết, hoặc không thể ngăn chặn được gì khi người ta cứ “vô tư” xây dựng trái phép một cách vô tội vạ trong những di tích đã được xếp hạng, để rồi đau đớn nhận quyết định “khai tử”? Cơ quan chức năng có đến kiểm tra nhiều lần, lập biên bản, yêu cầu khắc phục, thế nhưng “lực bất tòng tâm”. Vì sao lại có thể xảy ra sự tréo ngoe như thế? Còn nữa, đọc báo cáo về những vụ việc cụ thể này, người viết nhận thấy mấy chữ “buông lỏng quản lý” xuất hiện hơi nhiều, nhưng lại không hề chỉ rõ buông lỏng ở đâu, ai buông lỏng, và ai phải là người chịu trách nhiệm chính.

Đã đến lúc cần phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về di sản văn hóa, không để xảy ra tình trạng “giơ cao đánh khẽ”, biến mọi việc thành sự đã rồi và không ai là người trong cuộc. Cái giá của việc di tích bị “khai tử” cần được nhìn nhận nghiêm túc, chứ không thể nhẹ hều như ai đó đã từng nghĩ. 

l NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc