Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Sẽ có một Hà Giang rất khác trong mắt du khách

Thứ Hai 01/11/2021 | 10:30 GMT+7

VHO- Với mong muốn xây dựng một hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu của Hà Giang nhằm thu hút đầu tư vào sản phẩm du lịch cũng như cơ sở hạ tầng du lịch, Hà Giang đã xây dựng Chiến lược sản phẩm du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

 Hà Giang sẽ tổ chức theo hình thức online Lễ hội hoa Tam giác mạch trong tháng 11 này để quảng bá điểm đến Ảnh: MINH THUẦN

Chiến lược nhằm đưa tỉnh này trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh cao, hấp dẫn nhất so với các tỉnh miền núi trong cả nước. Mục tiêu đến năm 2025, có 30 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận. Đến năm 2030 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Sản phẩm du lịch mới có làm thay đổi bộ mặt du lịch?

Du lịch Hà Giang những năm gần đây phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, còn bộc lộ một số hạn chế như: Quy hoạch và kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu các điểm vui chơi, giải trí cho du khách. Các hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch thiếu tính chuyên nghiệp. Thiếu dự án du lịch đầu tư trọng điểm làm trụ cột để phát triển các sản phẩm du lịch vệ tinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Hà Giang nhanh chóng phục hồi, đón 1,5 triệu lượt khách, tăng 7% so với năm 2019, tạo ra 12.000 việc làm. Đầu năm 2021, Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam do Hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn. Để tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch Hà Giang trong giai đoạn tới, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển Du lịch tỉnh Hà Giang, với những định hướng cụ thể, trong đó xác định: Phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững. Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Hoạt động du lịch có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại”.

Hà Giang cũng đặt ra yêu cầu khi thực hiện Chiến lược nói trên là Phát triển sản phẩm du lịch phải phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển sản phẩm gắn với ba không gian du lịch dựa trên giá trị văn hóa của 19 dân tộc và các giá trị di tích, di sản, danh thắng. Trong đó, tập trung ưu tiên cho khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Gắn phát triển sản phẩm du lịch với nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Khai thác văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Hà Giang thành sản phẩm du lịch độc đáo gắn với du lịch cộng đồng. Đồng thời, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ 4.0 trong xây dựng phát triển sản phẩm du lịch. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nhà đầu tư chiến lược, các đơn vị lữ hành có uy tín trong nước, quốc tế; huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho phát triển sản phẩm du lịch.

Ngoài những sản phẩm du lịch đã có, Hà Giang sẽ xây dựng những sản phẩm mới như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch thương mại - biên giới, du lịch mạo hiểm. Trong đó, các loại hình du lịch thể thao, mạo hiểm như khinh khí cầu, cáp treo, dù lượn, đua thuyền, cưỡi ngựa… ở các huyện thuộc vùng Công viên địa chất, Hoàng Su Phì và Xín Mần được các chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp du lịch rất quan tâm, ủng hộ.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội cho rằng, Hà Giang hoàn toàn có thể khai thác các dự án dù lượn tại huyện Hoàng Su Phì, xuất phát tại thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty; dự án sản phẩm vui chơi giải trí đu dây hành trình trên cao (zipline) tại huyện Bắc Mê, điểm khai thác Khu nghỉ dưỡng Pa’Piu, thôn Bắc Bìu, xã Yên Định.

Tiên phong mở lại thị trường nội địa

Sau làn sóng dịch lần thứ tư, các điểm đến vắng vẻ, doanh nghiệp du lịch kiệt quệ, ngành Du lịch tiếp tục đối diện với những thách thức mới. Trong thời điểm khó khăn này, phải có người đi mở đường mới có thể nhanh chóng khôi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch. Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết: “Hà Giang đã sẵn sàng đón khách du lịch trở lại. Hiện tỉnh đã đạt 80% dân số trên 18 tuổi được tiêm phòng một mũi vắc xin và nhân lực trong ngành Du lịch đã được đào tạo các quy trình đón khách, đảm bảo an toàn. Hà Giang cũng đang thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ và Hướng dẫn 3862 của Bộ VHTTDL, du khách đến Hà Giang cần tiêm phòng đủ hai mũi vắc xin, có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (tùy vào nơi đi), thực hiện khai báo nghiêm túc bằng việc quét mã QR và quy định 5K về phòng, chống dịch”.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, để tạo điều kiện cho các đoàn khách tới Hà Giang, tỉnh cần bố trí cửa kiểm soát dịch riêng cho khách du lịch; khách khai báo y tế trước khi khởi hành, nên quét mã QR chung cho đoàn khách, khách du lịch không phải xuống xe khai báo y tế tại các điểm kiểm soát dịch và đi theo hành trình khép kín. Tại các điểm du lịch, cũng nên khu biệt các đoàn khách theo các khu lưu trú, nhà hàng khác nhau để đảm bảo an toàn cho các đoàn khách.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, du lịch mạo hiểm với các hình thức du lịch caravan (tự lái xe), leo núi, dù lượn, khám phá hang động, khinh khí cầu... đang là sản phẩm du lịch thu hút du khách sau dịch Covid-19. Hà Giang cần chú trọng việc quản lý điểm đến, xây dựng lộ trình khép kín để tạo niềm tin, an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch mạo hiểm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong tình hình mới, Hà Giang cần hợp tác với các tỉnh lân cận như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai… để xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng, tạo dựng thương hiệu du lịch vùng Tây Bắc mở rộng. 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top