Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Chiến lược “tín hiệu đèn giao thông” của New Zealand

Thứ Hai 25/10/2021 | 09:47 GMT+7

VHO-Hình mẫu chống dịch “Zero Covid-19” New Zealand đang thể hiện rõ bước chuyển sang “sống chung với virus”, với kế hoạch vận hành chiến lược ứng phó mới bớt cứng rắn hơn, ngay khi độ phủ vắc xin ngừa Covid-19 đạt khoảng 90% dân số vào tháng 12 tới.

 New Zealand thúc đẩy tiêm chủng để thực hiện chiến lược ứng phó mới với Covid-19 Ảnh: NEW YORK TIMES

Từng là “thành trì” vững chắc không Covid-19 trong suốt nhiều tháng đầu năm 2021, New Zealand dường như “lãng quên” chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho phần đông dân số. Đến giữa tháng 8, nước này mới chỉ có khoảng 20% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Và khi biến thể Delta xâm nhập, khiến chiến lược “không virus” của New Zealand trở nên bất khả thi, nước này đã chú trọng hơn tới giá trị của “tấm khiên” vắc xin. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết: “Chúng tôi có một công cụ mới mang ý nghĩa khi Covid-19 đã thay đổi. Chúng tôi cũng có thể thay đổi. Thay vì tiếp tục phong tỏa, chúng tôi có thể tiến về phía trước một cách an toàn và tự tin. Công cụ đó chính là vắc xin”.

Để thúc đẩy tỉ lệ bao phủ vắc xin ngừa Covid-19, các địa phương tại New Zealand đã đưa ra nhiều phương thức khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng. Trong khi ở thành phố Hamilton, khách hàng của chuỗi McDonald’s có thể nhận được một ưu đãi đặc biệt là một mũi tiêm vắc xin Pfizer cùng với combo bánh mì kẹp thịt, thì tại Christchurch, người đi tiêm sẽ được mời món cá và khoai tây chiên. Nhiều nơi khác lại khích lệ người dân tiêm chủng bằng những món quà như tặng sô-cô-la, phiếu mua hàng siêu thị... Ngoài ra, tại những vùng hẻo lánh, New Zealand cũng tăng cường các lực lượng chức năng, hỗ trợ người dân đến các trung tâm tiêm chủng. Với nhiều nỗ lực tăng tốc tiêm phòng, đến ngày 21.10, tỉ lệ tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên của New Zealand đạt 66% và 83% đã tiêm ít nhất một liều vắc xin. Nước này đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19 cho 90% dân số vào tháng 12 tới.

Thực hiện lộ trình “sống chung” với Covid-19, New Zealand cũng đưa ra chiến lược ứng phó mới, theo hướng nới lỏng hơn so với hiện hành, áp dụng khi nước này đạt chạm ngưỡng 90% dân số được tiêm chủng đủ liều vắc xin. Chiến lược mới sẽ hoạt động tương tự như hệ thống tín hiệu của đèn giao thông, bao gồm 3 cấp độ, tương ứng với các mức cảnh báo “màu đỏ”, “màu cam” và “màu xanh”. Trong đó, “màu đỏ” sẽ được áp dụng khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ và hệ thống y tế chịu áp lực lớn từ số ca nhập viện. Điểm khác biệt so với quy định hiện hành là ngay cả khi cấp độ cảnh báo “màu đỏ”, doanh nghiệp vẫn được hoạt động và người lao động khi đi làm cần có chứng nhận tiêm chủng, chỉ giới hạn số lượng người xuất hiện trong cùng một thời điểm. Đồng thời, mọi người được khuyến khích làm việc tại nhà. Ở những địa điểm không yêu cầu chứng nhận tiêm chủng, như siêu thị, cửa hàng bán lẻ hàng hóa thiết yếu sẽ áp dụng hình thức giao dịch không tiếp xúc.

Trong khi đó, đối với mức cảnh báo “màu cam”, được áp dụng khi xuất hiện đợt bùng phát dịch ở quy mô hạn chế nhưng có nguy cơ lây lan cao, các doanh nghiệp sẽ không bị giới hạn hoạt động, nhưng yêu cầu người lao động giữ khoảng cách an toàn. Khi ấy, các trường học được mở cửa nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng dịch. Và ở mức cảnh báo “màu xanh”, được ban hành khi xuất hiện một số ca mắc Covid-19 và ít có khả năng lây lan ra cộng đồng. Ở giai đoạn này, hầu như không có hạn chế đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, tại các địa điểm không yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng, người dân sẽ phải đeo khẩu trang và giới hạn tụ tập ở mức tối đa là 100 người tại cùng một thời điểm.

Bên cạnh quy định phòng dịch mới, Chính phủ New Zealand còn đưa ra chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với khoản kinh phí dự kiến khoảng 470 triệu NZD mỗi tuần. Rõ ràng, Chính phủ New Zealand đang cho thấy nỗ lực thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhằm sớm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội của nước này trở lại trạng thái bình thường. Việc điều chỉnh chiến lược chống dịch của New Zealand cũng khẳng định sự cần thiết phải nới lỏng các biện pháp hạn chế, để giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế, cũng như đời sống xã hội, khi dịch bệnh chưa rõ hồi kết. 

 HẢI MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top