Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tai nạn khi trẻ học online, phụ huynh lo lắng

Thứ Hai 18/10/2021 | 10:02 GMT+7

VHO- Chỉ trong hơn một tháng đã xảy ra 2 vụ trẻ em học online bị tai nạn thương tâm liên quan tới điện thoại và máy tính. Trong tình hình hàng triệu học sinh buộc phải học trực tuyến, tai nạn về điện thoại và các nguyên nhân khác luôn tiềm ẩn có thể đến với học sinh bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp phòng bị.

 Trẻ học trực tuyến tại nhà

 Cách đây vài ngày, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra đối với nam sinh lớp 5 tại Nghệ An khi em này đang học online ở nhà thì chiếc điện thoại phát nổ, khiến em tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Điều tra ban đầu cho thấy, vào khoảng 16h chiều, khi em đang vừa học vừa sạc điện thoại thì bất ngờ chiếc điện thoại phát nổ, làm cháy sang quần áo. Học sinh được hàng xóm đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng và đã không qua khỏi.

Trước đó khoảng hơn một tháng, một học sinh 10 tuổi đang học lớp 5 ở Thanh Xuân, Hà Nội bị tử vong thương tâm do bị điện giật khi đang học trực tuyến trên máy tính. Theo đó, vụ việc xảy ra khoảng 9h30 sáng 10.9, khi bé trai đang học online bằng máy tính đã bị điện giật, mặc dù được gia đình nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Ngay sau khi tai nạn thương tâm xảy ra đối với học sinh tại quận Thanh Xuân, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã thông tin, cảnh báo đến giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh quan tâm hơn đến các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian học trực tuyến. Được biết, Bộ GD&ĐT đã có khuyến cáo các bậc phụ huynh và thầy cô giáo về tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nhắc nhở, dạy cho các em một số kỹ năng cơ bản, đặc biệt là hướng dẫn và hỗ trợ học sinh tiểu học trong quá trình sử dụng các thiết bị học tập cũng như thiết bị trong gia đình để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc khuyến cáo là cần thiết nhưng đã quá muộn khi tai nạn đã xảy ra và ít nhất đã có 2 học sinh tử vong. Một chuyên gia giáo dục cho rằng, việc trang bị các kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ, sơ cứu khi gặp tai nạn phải được phổ biến tới học sinh thường xuyên hơn và bài bản, thay vì “nước đến chân mới nhảy”. Theo Viện Khoa học An toàn Việt Nam, kỹ năng về an toàn khi sử dụng điện là bài học đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ. Phụ huynh cần giải thích cho con về cách thức hoạt động của điện như các đường dây điện trong môi trường xung quanh, các phích cắm, ổ cắm. Từ đó, khuyến cáo các em không nhét bất cứ thứ gì vào ổ cắm điện. Đáng lưu ý, phụ huynh cần nhắc nhở liên tục những kiến thức về an toàn điện và cho trẻ rèn luyện thường xuyên. Từ đó, trẻ sẽ xây dựng được kỹ năng về an toàn điện.

Một phụ huynh ở Hà Nội có con em đang trong diện học trực tuyến cho biết, sau khi đọc được thông tin về những vụ tai nạn trên, gia đình rất hoang mang. Anh đã dặn dò con không được vừa sạc vừa sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng hay thậm chí là cả laptop… Anh cũng hướng dẫn các con tuyệt đối không chạm vào các thiết bị điện tử khi tay còn ướt… Một phụ huynh khác cũng rất có lý khi chia sẻ, khi trẻ phải tự học trực tuyến tại nhà, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu có sự hỗ trợ của người lớn. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho rằng, theo nguyên tắc an toàn, trẻ dưới 8 tuổi không nên ở nhà một mình, với những độ tuổi lớn hơn cũng vẫn cần sự giám sát của người lớn. Trong điều kiện bình thường, tỷ lệ tai nạn thương tích ở trẻ em tại nước ta đã khá cao. Trong bối cảnh học sinh học trực tuyến dài ngày, nhiều gia đình bố mẹ phải đi làm không có người lớn ở bên cạnh, con phải tự sử dụng các thiết bị điện, thì vấn đề về đảm bảo an toàn cho trẻ càng cần được chú ý hơn bao giờ hết.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, độ an toàn các thiết bị kết nối đầu cuối (máy tính, điện thoại) khi sử dụng để học online rất quan trọng. Học sinh học online sẽ phải sử dụng các thiết bị trong nhiều giờ, nếu thiết bị đó không tốt phải sạc điện khi học, nguy cơ tai nạn lại càng cao hơn. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, tới đây, Bộ LĐ,TB&XH, Cục Trẻ em sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai một số các giải pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong ngôi nhà của mình khi học trực tuyến. Đó là tăng cường cảnh báo truyền thông cho các bậc cha mẹ về việc phải giám sát, kiểm tra độ an toàn của các trang thiết bị khi cho các con dùng và hướng dẫn các con tuân thủ những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật. Theo khuyến cáo, để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi học trực tuyến, bố mẹ học sinh cần chú ý thường xuyên rà soát, kiểm tra tình trạng hoạt động, chất lượng của các thiết bị điện, điện tử mà con đang sử dụng. Bố mẹ nên sạc đầy pin, kiểm tra kỹ các thiết bị trước khi cho con học online, cũng cần lưu ý con tránh trường hợp vừa sạc vừa học, đặc biệt với các thiết bị như điện thoại, ipad. Bên cạnh đó, các gia đình cũng nên trang bị các loại ổ cắm chống giật, dò điện để tăng tính an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia học trực tuyến, một đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã yêu cầu các trường tiểu học trên địa bàn thực hiện tốt 4 nội dung, trong đó có việc tổ chức quán triệt lại đến từng giáo viên các quy định về đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia học trực tuyến (giáo viên điểm danh, nắm rõ số học sinh tham gia học tập, lý do vắng mặt của học sinh báo cáo nhà trường sau mỗi buổi học), tuyên truyền, giải thích để cha mẹ học sinh hỗ trợ tốt nhất về cơ sở vật chất cho con khi học tập như: Kiểm tra mạng, đường truyền, ổ điện, dây điện đảm bảo an toàn; vị trí ngồi học phải đủ ánh sáng, đảm bảo sự riêng tư, tạo điều kiện cho học sinh tập trung khi tham gia học tập. 

VŨ PHƯỢNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top