Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tự xuất bản trên nền tảng số: Khó bảo hành chất lượng

Thứ Tư 13/10/2021 | 10:22 GMT+7

VHO- Không chỉ với sách giấy, tự xuất bản sách điện tử cũng đang là lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều tác giả trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trước sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và thay đổi trong cách đọc của độc giả, ebook đã xuất hiện và nhanh chóng trở thành phương thức xuất bản của nhiều người chọn sự nghiệp viết.


 T xut bn trên nn tng s đang phát trin nhanh chóng Ảnh: ITN

 Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng nội dung của tác phẩm.

Dễ dàng tiếp cận độc giả

Nhờ các nền tảng tự xuất bản sách điện tử như Amazon, Apple Books, Barnes & Noble, Kobo... lượng ebook được các tác giả tự xuất bản đã gia tăng nhanh chóng. Đáng chú ý, sau một thời gian dài triển khai, đến nay thị trường tự xuất bản ebook ở châu Âu và Mỹ đã bước vào giai đoạn ổn định; còn một số thị trường tự xuất bản điện tử ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc vẫn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ...

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cả tác giả và người đọc đều có nhiều thời gian hơn do phải ở nhà giãn cách xã hội nên việc tự xuất bản đã gia tăng đáng kể. Kindle Direct Publishing của Amazon cho biết, vào năm 2020, ở Ấn Độ có hàng nghìn tác giả đã tự xuất bản tác phẩm của họ trên nền tảng số, được cho là gấp đôi số lượng so với năm trước. Thống kê của một số nền tảng tự xuất bản như Lulu và Smashwords cho thấy có sự gia tăng doanh số bán các đầu sách tự xuất bản từ tháng 3.2020, khi chính sách phong tỏa vì Covid-19 bắt đầu diễn ra. Một lý do góp phần gia tăng xu thế tự xuất bản là trong thời gian dịch bệnh, nhiều người ở nhà và dành thời gian lên mạng, vì vậy họ dễ dàng mua sách điện tử.

Việc xuất bản ebook cũng đẩy nhanh tốc độ phát hành sách lên “chưa từng thấy”. Thông thường, một cuốn sách giấy phát hành theo hình thức truyền thống phải trải qua rất nhiều bước mới đến được với độc giả. Tuy nhiên, với mô hình xuất bản điện tử, toàn bộ công đoạn in ấn và phân phối được cắt bỏ, khiến cho việc phát hành cuốn sách tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Việc đưa sách đến bạn đọc cũng khá dễ dàng, độc giả có thể tải được cuốn sách yêu thích chỉ 1 giây sau khi cuốn sách được ra mắt.

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia trong ngành, hình thức tự xuất bản ebook cũng đã được quan tâm và có những tiềm năng phát triển, nhiều độc giả trẻ đã chọn đọc ebook vì những tiện ích mà nó mang lại. Đối với những tác giả đã có lượng người theo dõi trực tuyến lớn, cách làm này được lựa chọn bởi giúp giảm được hàng loạt bước trung gian, đồng thời, họ cũng có thể giao tiếp với người hâm mộ và bán hàng trên quy mô lớn. Độ tuổi trung bình của các tác giả Việt Nam tham gia sáng tác và xuất bản cũng ngày càng trẻ, nên nhiều người chọn phương thức tự xuất bản sách điện tử.

Xây dựng quy trình và cơ chế quản lý phù hợp

Bắt kịp xu thế toàn cầu, những năm gần đây nhiều nền tảng, đơn vị phát hành điện tử đã ra đời tại Việt Nam như Waka, iBooks, Ybook... giúp tác giả có nhiều cơ hội đưa tác phẩm của mình tới độc giả hơn. Hơn nữa, bước đầu có một số tác giả Việt Nam hướng sự nghiệp xuất bản ebook trên các nền tảng trực tuyến thế giới.

Nói về xu hướng này, nhà văn trẻ Lê Xuân Khoa chia sẻ: “Trong những năm trở lại đây, tôi thấy cơ hội xuất bản sách cho mọi người ngày càng đa dạng. Đặc biệt, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc sử dụng các thiết bị công nghệ và mạng internet ngày càng phổ biến thì đây là xu thế tất yếu, nhất là trong 2 năm qua khi đại dịch Covid-19 hoành hành khiến người ta phải ở nguyên một chỗ nhiều hơn…”.

Theo nhà văn Lê Xuân Khoa, hình thức xuất bản này không bị giới hạn về phạm vi địa lý của việc phát hành, có thể đến được độc giả ở bất cứ đâu trên thế giới. Giá thành sách điện tử cũng khá mềm. Tuy nhiên, so với hình thức xuất bản truyền thống thì hình thức này đòi hỏi tác giả phải có ít nhiều hiểu biết và thông thạo về công nghệ, hoặc có sự cố vấn và hỗ trợ về công nghệ nên có lẽ sẽ rất phù hợp với người trẻ. “Dù đã có khá nhiều đầu sách xuất bản theo hình thức sách giấy nhưng tôi không loại trừ khả năng xuất bản theo các hình thức mới này trong tương lai gần. Hiện tại thì tôi cũng đang tự xuất bản 2 cuốn sách của mình dưới dạng sách nói bằng chính giọng đọc của bản thân trên một số nền tảng Podcast như Spotify, Apple Podcast, Google Podcast…”, nhà văn Lê Xuân Khoa cho biết.

Không phủ nhận lợi ích của xu hướng tự xuất bản, tuy nhiên, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng cũng đặt ra vấn đề thẩm định tác phẩm trước khi xuất bản. Nhất là những thẩm định từ góc độ pháp luật đối với những nội dung không phù hợp. Điều này đặt ra câu hỏi cho các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu khả năng thẩm định, đánh giá tác phẩm trước khi nó ra đời bằng hình thức tự xuất bản. Mặt khác, là đòi hỏi với chính tác giả trong cách thức công bố tác phẩm của mình trên tinh thần tôn trọng quy định pháp luật về xuất bản, tham gia mạng xã hội, giới thiệu sản phẩm cá nhân trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Quang Hưng cho rằng, với hình thức tự xuất bản truyền thống, cơ chế cấp giấy phép đã đơn giản hơn nhiều so với trước, nhiều khi trở nên dễ dãi, bởi vậy, nhiều ấn phẩm dù có qua nhà xuất bản thẩm định nhưng chất lượng vẫn không cao. Điều đó cũng cho thấy vai trò của nhà xuất bản không phải lúc nào cũng mang tính “bảo hành” cho chất lượng. Việc tự xuất bản trong không gian mạng thì lại càng dễ nảy sinh những điều như trên. “Đề xuất của tôi là nâng cao chất lượng biên tập của nhà xuất bản trong thẩm định trước khi cấp phép, tăng cường hoạt động trao đổi, góp ý giữa biên tập viên với tác giả... Đó là với xuất bản truyền thống. Còn với xuất bản trên mạng, cũng nên nghiên cứu xây dựng quy trình, cơ chế phù hợp để thực hiện việc thẩm định, đánh giá, trao đổi, hoàn thiện bản thảo của tác giả ở những mức độ khác nhau. Để thực hiện những công việc trên, rất nên có sự gặp gỡ, trao đổi, xây dựng các hình thức quản lý, cơ chế thẩm định phù hợp với sự đóng góp của cơ quan quản lý nhà nước, các nhà xuất bản, công ty sách, tác giả, chuyên gia công nghệ, chuyên gia mạng...”, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng góp ý.

Trong khi đó, với hình thức xuất bản ebook trên các nền tảng xuyên biên giới, theo một chuyên gia trong ngành sách thì hoạt động này diễn ra ở nước ngoài nên không thuộc phạm vi quản lý của Cục Xuất bản, In và Phát hành. Hơn nữa, xu hướng tác giả Việt Nam hội nhập với thế giới thông qua việc sáng tác và công bố tác phẩm đang diễn ra, nhưng có thu hút được độc giả không lại là chuyện khác. Bởi đây là “con đường hẹp” do việc viết bằng các ngôn ngữ nước ngoài và bán tác phẩm trên các nền tảng điện tử nước ngoài như vậy hoàn toàn không hề dễ. Thực tế, để có tác phẩm ăn khách, tác giả phải viết bằng ngôn ngữ thông dụng, nội dung phải gắn với những vấn đề mang tính nhân loại, toàn cầu, quan trọng phải có nhà xuất bản uy tín giới thiệu mới thu hút được bạn đọc... 

TRUNG HIẾU

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top