Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ban hành tài liệu giáo dục địa phương: Cần đẩy nhanh tiến độ

Thứ Hai 11/10/2021 | 09:39 GMT+7

VHO- Tài liệu giáo dục địa phương là một nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông qua những bài học, học sinh sẽ hiểu tường tận hơn về vùng đất mình đang sinh sống. Trong năm học 2021-2022, tài liệu giáo dục địa phương được triển khai ở khối lớp 1, 2 và 6 với nội dung khá hấp dẫn, phù hợp, tuy nhiên tại một số địa phương, việc ban hành còn khá chậm.

Theo các tỉnh thành, nội dung giáo dục địa phương được xây dựng nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, văn học - nghệ thuật, môi trường, hướng nghiệp… Từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Tài liệu giáo dục địa phương trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về nơi mình sinh sống (trong ảnh: Hc sinh tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến cng Nhà Rồng)

Thể hiện bản sắc văn hóa và lịch sử vùng miền

Hiện nay, nội dung giáo dục địa phương còn được bổ sung các vấn đề về ngành nghề và hoạt động lao động sản xuất, chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, xây dựng phẩm chất, năng lực cần thiết cho học sinh đáp ứng các ngành nghề lao động thế mạnh của tỉnh nhà.

Bộ tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 tỉnh Kiên Giang (áp dụng từ năm học 2021-2022) với 3 phần chính: Văn hóa, lịch sử truyền thống; Địa lý, kinh tế hướng nghiệp Chính trị - xã hội, môi trường. Tài liệu dài hơn 100 trang với nhiều hình ảnh minh họa, bài tập dạng chủ đề, màu sắc nổi bật, thu hút sự tập trung của người học. Cụ thể, ngay trong bài 1 Lễ hội truyền thống của tỉnh Kiên Giang, với yêu cầu đặt ra, khi học xong bài này học sinh sẽ trình bày được những đặc điểm cơ bản của một số lễ hội truyền thống, nêu được ý nghĩa có lễ hội trong đời sống tinh thần của người dân Kiên Giang và có thái độ tôn trọng, có hành vi giữ gìn, bảo tồn và phát triển lễ hội truyền thống của tỉnh nhà…

Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay được tổ chức biên soạn theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện; trong đó 20% thời lượng giảng dạy là nội dung giáo dục địa phương, điều đó cho thấy vị trí nội dung này rất quan trọng, được kỳ vọng góp phần giữ gìn bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Chủ trương này cũng nhằm đến sự tôn trọng tính đa dạng về văn hóa của vùng, miền. Từ kiến thức được tiếp cận về nhiều lĩnh vực khác nhau, học sinh hiểu biết, yêu mến và tự hào những giá trị truyền thống, những tiềm năng của vùng đất mình sinh sống. Những tiết học này sẽ tạo hứng thú để học sinh tìm tòi tri thức theo hướng mở rộng, gắn giữa lý thuyết và thực tiễn; rèn luyện kỹ năng sống; ý thức trách nhiệm bản thân đối với cộng đồng...

Tiến độ chọn tài liệu giáo dục địa phương còn chậm do dịch bệnh

Ngày 5.10, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ký ban hành Quyết định số 2986/QĐ-BGDĐT phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Sở đang tổ chức đưa tài liệu giáo dục địa phương vào chương trình dạy cho học sinh lớp 1 từ năm học 2021-2022. Theo đó, cấu trúc, nội dung tài liệu gồm 7 chủ đề: Quê hương em; Đặc sản địa phương; Nhân vật lịch sử - văn hóa; Di tích lịch sử - văn hóa; Làng nghề truyền thống; Lễ hội truyền thống Văn hóa ứng xử. Mỗi chủ đề, bài học được thiết kế thành các hoạt động học tập: Khởi động - Khám phá - Luyện tập - Mở rộng - Củng cố.

Tại Gia Lai, đến cuối tháng 9.2021, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến lần cuối để hoàn thiện bộ tài liệu giáo dục địa phương các lớp 1, 2 và 6. Theo đó, Hội đồng thẩm định đã tổ chức thẩm định 4 lần đối với tài liệu lớp 1; 3 lần đối với tài liệu lớp 2 và 6. Được biết, tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 và 2 được đưa vào giảng dạy với tổng thời lượng 35 tiết/năm học; bao gồm 6 chủ đề/lớp, mỗi chủ đề được dạy trong 5-6 tiết dưới hình thức tích hợp trong bộ môn Hoạt động trải nghiệm của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 có 17 chủ đề, gồm những vấn đề cơ bản về 3 nhóm lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử truyền thống; địa lý, kinh tế; xã hội và môi trường.

Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 và lớp 6, đến thời điểm này Sở GD&ĐT Lâm Đồng đang tiến hành thu thập tài liệu; đồng thời đang hoàn tất các thủ tục đấu thầu để phối hợp với NXB biên soạn. Đại diện Sở GD&ĐT xác nhận, tiến độ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 và lớp 6 vẫn còn chậm so với kế hoạch, cần đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT cho biết, hiện số địa phương gửi hồ sơ về Bộ đề nghị phê duyệt tài liệu lớp 6 còn chậm tiến độ theo quy định. Theo báo cáo của một số địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi đây là lần đầu tiên địa phương chủ trì tổ chức thực hiện nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình biên soạn, thẩm định. Việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu mất nhiều thời gian do phải tổ chức nhiều khâu để hoàn thiện tài liệu trước khi trình Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đồng thời, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức thực nghiệm, hoàn thiện tài liệu cũng gặp rất nhiều khó khăn. 

 ANH HUY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top