Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”: Cần có sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng

Thứ Hai 04/10/2021 | 10:38 GMT+7

VHO- Được xem là “cái nôi” của áo dài Việt Nam, Thừa Thiên Huế đã và đang từng bước xây dựng, khẳng định thương hiệu cho áo dài. Văn Hóa đã có cuộc trò chuyện với TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT về những hành động của ngành trong quá trình thực hiện đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

 Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trò chuyện và trao tặng ấn phẩm “Huế - Kinh đô Áo dài” cho học sinh Ảnh: SƠN THÙY

Ông Hải cho biết:

- Trung tuần tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định về việc phê duyệt đề cương Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”. Để nội dung Đề án lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, Sở VHTT đã đề ra chương trình hành động thực hiện Đề án một cách khoa học, cụ thể trong đó nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị, xây dựng và phát triển thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Tổ chức Ngày hội Áo dài trở thành chuỗi sự kiện văn hóa cộng đồng được tổ chức định kỳ 2 lần/năm, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân; trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế. Khuyến khích, từng bước đưa áo dài Huế trở thành trang phục truyền thống trong các không gian văn hóa, hoạt động lễ nghi, lễ hội truyền thống; tạo nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô Huế. Xây dựng bộ hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO đưa áo dài vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

 P.V: Xin ông cho biết thêm việc xây dựng hồ sơ di sản cho áo dài đã được chuẩn bị như thế nào? Quá trình thực hiện có những thuận lợi và khó khăn gì?

- Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xây dựng hồ sơ Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng cộng đồng triển khai công tác kiểm kê khoa học di sản Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế. Việc kiểm kê di sản sẽ nhằm nhận diện giá trị, thực trạng, sự biến đổi và đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát huy các giá trị trong bối cảnh đương đại. Từ đó tạo ra cơ sở xây dựng hồ sơ khoa học di sản Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế trình Bộ VHTTDL xem xét đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia trong thời gian sắp đến.

 Học sinh trường THPT Quốc học Huế trong trang phục áo dài truyền thống đến tham quan trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Nội dung, quy trình lập hồ sơ di sản Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế được triển khai thực hiện theo Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL. Có thể nói, Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế là một di sản độc đáo, xứng đáng được ghi danh là Di sản VHPVT quốc gia. Nếu di sản Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế được đưa vào Danh sách DSVHPVTQG sẽ góp phần tôn vinh, bảo vệ cũng như giúp danh tiếng của di sản này được quảng bá đến nhiều người hơn, tạo ra nhiều cơ hội, sản phẩm du lịch độc đáo thúc đẩy phát triển ngành du lịch - dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời tạo tiền đề quan trọng để tiến hành lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại.

 Để đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” đạt hiệu quả như mục tiêu đặt ra, việc thực hiện không phải chỉ trong một thời gian ngắn, mà phải có sự tiếp nối bền bỉ và lâu dài. Ngành Văn hóa đã có những giải pháp tuyên truyền, quáng bá như thế nào để nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ cộng đồng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, thưa ông?

- Chúng tôi luôn xác định quan điểm xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại; từng bước xây dựng hình ảnh đặc trưng áo dài Huế, đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc và để Cố đô Huế thực sự trở thành kinh đô của áo dài Việt Nam. Vì vậy, giải pháp quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu của đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” đã đề ra đó chính là đề cao vai trò của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sự tham gia của cộng đồng chính là chìa khóa để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản áo dài Huế một cách bền vững.

Thời gian qua, Sở VHTT đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản áo dài Huế bằng những hành động thiết thực. Ngoài việc tổ chức triển lãm online “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” theo hình thức online thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng nêu trên, chúng tôi đã tổ chức thành công 2 buổi hội thảo, tọa đàm khoa học về chủ đề “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” và “Phục hưng Quốc phục Việt và đưa áo dài truyền thống vào cuộc sống đương đại” nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp của các nhân sĩ, trí thức, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nhà thiết kế áo dài về xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Các nhà khoa học cũng thảo luận, phân tích rất kỹ vai trò của cộng đồng, đặc biệt nhấn mạnh đến việc giáo dục, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu vẻ đẹp của áo dài trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Sở VHTT sẽ tiếp tục tổ chức triển lãm online trên các trang mạng xã hội: Tiktok, Instagram, Facebook, Zalo, YouTube… để lần lượt giới thiệu đến khán giả yêu thích áo dài, đặc biệt là thế hệ trẻ về quá trình hình thành, bảo tồn và phát triển của áo dài Việt Nam qua nhiều góc nhìn khác nhau cũng như quá trình xây dựng “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Qua cuộc triển lãm độc đáo này, giới trẻ sẽ hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của áo dài Việt Nam, qua đó góp phần tôn vinh, gìn giữ vẻ đẹp vốn có, những giá trị di sản văn hóa truyền thống mà ông cha đã xây dựng, gìn giữ và phát huy cho đến hôm nay.

 Xin cảm ơn ông! 

 SƠN THÙY (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top